Mở cánh cửa để Jazz Việt “xuất ngoại”

VHO- Khoảng chục năm trước, Jazz Việt gần như chưa định vị được chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ của chúng ta đã có thể tự tin “ngồi chung mâm” với làng Jazz quốc tế; không những thế, họ còn giành được giải cao trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc cũng như tham gia biểu diễn tại nhiều Festival Jazz trong và ngoài nước.

Mở cánh cửa để Jazz Việt “xuất ngoại” - Anh 1

 NSƯT Quyền Văn Minh (bên trái) cùng học trò chơi nhạc Jazz trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

100% sinh viên học Jazz có việc trước khi ra trường

Những người giữ lửa cho Jazz Việt không chỉ gói gọn trong một vài cá nhân, mà hiện chúng ta đang có một thế hệ trẻ được đào tạo về Jazz một cách bài bản và chuyên nghiệp. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa nhạc Jazz, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Học viện) sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc Jazz & friends lần thứ 5 vào ngày 7.10, nhằm tri ân những nhà giáo, giảng viên, nhà nghiên cứu của ngành nhạc Jazz Việt Nam. Jazz & friends lần thứ 5 cũng giới thiệu tới công chúng thế hệ các nghệ sĩ nhạc Jazz trẻ Việt Nam và sự hội nhập nhạc Jazz Việt Nam với thế giới; thể hiện diện mạo Jazz Việt, đồng thời cho thấy sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Chương trình sẽ đem đến một số tác phẩm Jazz nổi tiếng như Inh lả ơi (chuyển soạn Trần Lưu Hoàng), Feels Like Home (Nguyễn Tuấn Nam, Nostalgia, Moonlight in Vermont, Breezin

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Tổng đạo diễn chương trình hòa nhạc đặc biệt này cho biết, Jazz & Friends lần thứ 5 còn có ý nghĩa hết sức đặc biệt nữa, đó là gắn kết giữa nghệ sĩ với khán giả. Ngoài giới thiệu tới công chúng yêu Jazz những sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp, chất lượng, chương trình còn hướng tới lan tỏa tinh thần của Jazz, mong muốn nhạc Jazz được phát triển, nuôi dưỡng, đào tạo, có sự đầu tư phù hợp và xứng tầm. “Là một khoa trẻ tuổi nhất của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng Khoa nhạc Jazz là cái nôi uy tín để giới thiệu những tài năng âm nhạc có chuyên môn cao phục vụ đời sống âm nhạc trong nước. Ngoài ra, Khoa nhạc Jazz tiến tới sự chuẩn hóa trong lĩnh vực đào tạo để tương xứng với tầm vóc của một Học viện Âm nhạc lớn nhất cả nước, từng bước khẳng định bản sắc riêng của ngành Jazz Việt Nam”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Giáo sư Hakan Rydin (Thụy Điển), một trong những người nước ngoài có công lớn nhất trong việc xây dựng bộ môn Jazz, rồi sau này là Khoa Jazz ở Học viện suốt hơn 30 năm qua, chia sẻ: “Cách đây 2 thập kỷ tôi đã đến Việt Nam và làm việc với Ban giám đốc của Học viện. Khi đó, Khoa nhạc Jazz chưa có, mới chỉ là một bộ môn rất nhỏ trong Khoa Cổ điển. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bộ môn nhạc Jazz ngày càng phát triển và trở thành một khoa riêng. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Khoa nhạc Jazz đã tiếp cận và hội nhập với nhạc Jazz quốc tế. Với chất lượng đào tạo, nghệ thuật trình diễn, các nghệ sĩ của Khoa nhạc Jazz đã tiến bộ và có thể tự tin biểu diễn cùng các nghệ sĩ thế giới”.

Theo TS Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ nhiệm Khoa nhạc Jazz (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Khoa tuy mới thành lập nhưng đội ngũ giảng viên đều được đào tạo bài bản, rất tài năng và chuyên nghiệp. “Nếu như 10 năm trước có ai hỏi tôi: Khoa nhạc Jazz đang ở đâu so với thế giới? Tôi xin chia sẻ thật, dù có sự cộng tác của các Học viện lớn về nhạc Jazz nước ngoài nhưng trình độ chuyên môn của chúng ta vẫn thua họ rất nhiều. Nhưng 5 năm trở lại đây, từ học thuật, trình độ, diễn tấu của các nghệ sĩ Việt Nam đều đạt đến sự hội nhập quốc tế; đã có nhiều giảng viên đi giảng dạy ở các Khoa Jazz tại các Học viện nước ngoài thông qua sự trao đổi”, TS Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ, đồng thời khẳng định, 100% sinh viên Khoa nhạc Jazz đều có việc làm trước khi ra trường. Một số bạn nếu không tiếp tục theo đuổi nhạc Jazz thì vẫn có thể chuyển sang làm hòa âm phối khí nhạc Pop, nhạc Rock… cũng rất thành công.

Từng bước khẳng định bản sắc của Jazz Việt

Nhạc Jazz hiện nay được nhiều đối tượng khán giả yêu thích, đặc biệt là khán giả trẻ. Đây là sự động viên rất lớn đối với giới chơi Jazz Việt. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, bộ môn nhạc Jazz chỉ thực sự phát triển trong những năm gần đây với sự ra đời của đội ngũ giảng viên được đào tạo cơ bản, chính quy tại những nước có nền âm nhạc phát triển, coi trọng Jazz và xem đây là thể loại nhạc hàn lâm đòi hỏi trí tuệ.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Khoa nhạc Jazz của Học viện cũng luôn định hướng xây dựng bản sắc riêng của Jazz Việt, hòa nhập nhưng không hòa tan. “Đưa âm hưởng nghệ thuật truyền thống hoặc nhạc cụ truyền thống vào phối với Jazz là một trong những hướng phát triển dòng nhạc này tại Học viện. Nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật không phải là cái máy bắt chước. Việc xây dựng bản sắc văn hóa nhạc Jazz Việt Nam phải là sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân tộc với ngôn ngữ âm nhạc hiện đại”, TS Nguyễn Tiến Mạnh nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nhạc Jazz kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác sẽ lôi cuốn, thu hút được nhiều công chúng hơn. Đây cũng là xu thế phát triển của âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc Jazz nói riêng trong tương lai. Hiện nay, nhạc Jazz không chỉ đơn thuần có trong học đường hay chỉ dành cho một vài đối tượng nhất định, mà Jazz đã được mở rộng ra cộng đồng.

“Trong thời gian tới, Học viện sẽ có những định hướng để phát triển loại hình nghệ thuật Jazz “danh chính ngôn thuận”, kể cả sử dụng nhạc cụ dân tộc chơi theo ngôn ngữ của nhạc Jazz hoặc chơi giao hưởng kết hợp với nhạc Jazz; mời những nghệ sĩ nhạc trẻ đang được đông đảo công chúng nhất là giới trẻ yêu thích tham gia vào các chương trình nhạc Jazz để lan tỏa Jazz đến gần hơn với công chúng. Đăc biệt, tôi mong muốn trong thời gian gần nhất sẽ có một Liên hoan nhạc Jazz quốc tế được tổ chức tại Hà Nội”, PGS.TS Lê Anh Tuấn bày tỏ. 

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc