Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP

Thứ Ba 13/11/2018 | 11:30 GMT+7

VHO-Chiều ngày 12.11.2018, với 469 phiếu tán thành (tương đương 96,7%), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, đã biểu quyết chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Sau khi Quốc hội chính thức thông qua, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực thực hiện tại Việt Nam từ ngày 30.12.2018.

Để hiểu thêm về Hiệp định quan trọng này, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới công đoàn ở nước ta, xin được nêu ra những cam kết trong CTTPP về lao động và công đoàn vừa đem lại thời cơ nhưng cũng là những thách thức hết sức lớn đối với Công đoàn Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8.3.2017 tại Thủ đô Santiago de Chile của Chile (gồm Nhật Bản, Canada, Việt Nam, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Australia). Ảnh: Reuters

                          1.Tổng quan chung về TPP và CTTPP

      TPP viết tắt của Trans-Pacific Partnership (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương); được khởi xướng từ 2005 bởi 4 nước. Nội dung cơ bản của Hiệp định TPP với 30 chương, 9 phụ lục; Bên cạnh TPP các nước thành viên ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương.

          TPP là hiệp định chất lượng cao, toàn diện thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng, điều chỉnh nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống (mở cửa thanh toán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư); đến các vấn đề ít truyền thống hơn, như: mua sắm CP, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử…; và thương mại phi truyền thống, như: lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại, đầu tư…

     Mức độ cam kết sâu rộng của TPP thể hiện rõ nét trong các nội dung liên quan đến thương mại hàng hóa, dệt may, thương mại điện tử, mua sắm của các cơ quan Chính phủ, DNNN, Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…Đây là những nội dung có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam với mức độ cao hơn, đặc thù hơn so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây.

          Tuy nhiên, sau khi nước Mỹ bầu cử Tổng thống  thứ 45, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi TPP,  đẩy 11 nước thành viên còn lại (trong đó có Việt Nam), sẽ phải cân nhắc, tính toán, họp bàn và thương thuyết lại một số điều khoản của TPP.

          Sau những họp bàn, TPP đã có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về cơ bản CPTPP vẫn giữ nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.


Hội nghị 11 nước thành viên (Không có Hoa Kỳ) tại TP. Đà Nẵng tháng 11 năm 2017 tiếp tục đàm phán về Hiệp định TPP, được đổi thành CTTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) 

       2. Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định CTTPP

       2.1 Cơ hội khi Việt Nam tham gia CTTPP

       - CTTPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21, gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới, như: thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước…

       - Kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi CTTPP- có phạm vi ảnh hưởng tới 40% GDP toàn cầu, được ký. Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn; GDP có thể tăng thêm 8 đến 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn. Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng đem lại áp lực cho nhà sản xuất trong nước. Họ phải cạnh tranh quyết liệt hơn, nhưng điều này sẽ thúc đẩy năng suất lao động; rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn.

        - Tham gia vào CTTPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ giảm xuống 0%, đây thực sự là cú huých mạnh cho xuất khẩu, tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của VN.

         - Tham gia CTTPP sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên CTTPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác các lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp. Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước thành viên, nhằm hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu…

       2.2 Thách thức khi Việt Nam tham gia CTTPP

        Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội lớn nêu trên, CTTPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam, đó là:

      - Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 nước thành viên của CTTPP: hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực thấp; thể chế kinh tế; thực thi pháp luật ở nước ta còn nhiều bất cập; năng lực cạnh tranh còn yếu kém.

     - Doanh nghiệp trong nước dễ mất thị phần thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm CP, phải chia sẻ lợi ích cho doanh nghiệp FDI, làm giảm việc làm, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nảy sinh các hệ lụy về chính trị, văn hóa, xã hội.

    - Về thương mại, hàng hóa: sức ép cạnh tranh khi thuế về 0% ảnh hưởng lớn đến 1 số mặt hàng trọng yếu, truyền thống của VN như: thịt lợn, gà, sữa, đậu tương, ngô, giấy, thép, ô tô

    - Thu ngân sách nhà nước cũng sẽ bị giảm đáng kể, nhất là giảm thu thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng (bánh kẹo, đồ trang sức, rượu, thuốc lá…).

      - Thách thức về xã hội: Trước khi tham gia CTTPP, nhiều doanh nghiệp dựa vào bao cấp của nhà nước, nên các DN công nghệ lạc hậu sẽ gặp khó khăn, phá sản, dẫn đến thất nghiệp.

    - Khi chúng ta gia nhập CTTPP còn có thách thức nữa, đó là hàng rào pháp lý: Cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật VN để phù hợp với Hiệp định TPP, trong đó có tới 34 văn bản (10 luật, 22 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng chính phủ có liên quan); đồng thời Nhà nước ta sẽ phải xem xét, ban hành mới 9 văn bản quy pham pháp luật (trong đó có 01 bộ luật; 8 Nghị định) liên quan đến thực thi Hiệp định TPP.

   3. Cơ hội, thách thức với công đoàn khi Việt Nam tham gia Hiệp định CTTPP

      Công nhân lao động Việt Nam trong một phân xưởng may công nghiệp
* Vì sao lại đưa vấn đề lao động vào FTA? Do những lý do chủ yếu sau đây:

        - Toàn cầu hóa, quyền lợi của người lao động (NLĐ) ngày được coi trọng. NLĐ trực tiếp làm ra hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên phải được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả. Đây là cách tiếp cận của FTA thế hệ mới và trở thành xu thế.

        - Bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại và dịch vụ, hàng hóa.

             * Những tiêu chuẩn lao động quốc tế được đề cập trong Hiệp định CTTPP chính là các tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu tại Tuyên bố 1998 của ILO gồm:

       - Tự do hiệp hội và quyền Thương lượng tập thể; Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; Xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; Xóa bỏ phân biệt đối xử trong công việc

        3.1. Những nội dung cơ bản liên quan đến công đoàn trong Hiệp định CTTPP:

      + Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của NLĐ/Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

      + Các tổ chức công đoàn - NLĐ này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.

     + Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN.

    + Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức NLĐ - Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

       * Bên cạnh những nội dung/điểm mới nêu trên; khi Việt Nam tham gia CTTPP, sẽ có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam, đó là:

      a) Đình công: Hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;

      - Trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế - xã hội”.

      b) Lao động cưỡng bức: Pháp luật Lao động VN: Khoản 10, Điều 3 Bộ Luật lao động; định nghĩa Lao động cưỡng bức phù hợp C.29; Cưỡng bức lao động đã bị cấm hoàn toàn (Khoản 3 Điều 8- Bộ Luật Lao động 2012).

      - Trong khí đó CTTPP: Bổ sung "lao động gán nợ" là 1 hình thức của Lao động cưỡng bức: "việc NLĐ vay hoặc ứng trước tiền lương từ người sử dụng lao động, bù lại NLĐ cam kết trả bằng sức lao động của mình. Đồng thời CTTPP cũng khép tội hình sự đối với hành vi khai thác trái phép Lao động cưỡng bức

         c) Công việc không sử dụng lao động nữ (Điều 160 - Bộ Luật Lao động 2012); Pháp luật lao động VN: Tiếp nối thực tiễn bộ Luật lao động cũ, Bộ luật lao động mới (2012) sửa đổi cũng cấm sử dụng lao động nữ trong một số công việc.

      - Trong khi đó CTTPP: xóa bỏ quy định cấm sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ và dưới nước theo đề xuất của Uỷ ban chuyên gia của ILO (theo CƯ số 45).

      3.2. Những thách thức với tổ chức công đoàn khi Việt Nam tham gia thực thi Hiệp định CTTPP.

         + Nếu Hiệp định CTTPP được Việt Nam phê chuẩn và thực thi (theo lộ trình), thì đây là lần đầu tiên vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Khi thực hiện sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, giá trị cốt lõi, truyền thống của tổ chức công đoàn đã được hình thành và khẳng định trong thực tế hơn 80 năm. Vì vậy, những cam kết trong CTTPP về lao động, công đoàn là những thách thức hết sức lớn đối với Công đoàn Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

          + Tổ chức công đoàn “độc lập” không phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị, mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó công đoàn VN đang phải thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chính trị- xã hội… nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, cán bộ công đoàn; dẫn đến hệ lụy công đoàn dễ ngày càng xa rời công nhân.

         + Nếu tổ chức công đoàn VN không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên công đoàn - NLĐ từ các tổ chức công đoàn VN sang tổ chức công đoàn “độc lập” mới được thành lập.

        + Nguồn lực vật chất đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn VN có nguy cơ giảm sút mạnh, nguồn tài chính của các cấp công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động VN sẽ bị giảm mạnh (thời kỳ đầu là đoàn phí, sau đó là kinh phí Công đoàn 2% ).

        + Nếu hệ thống công đoàn VN không có nguồn lực đủ mạnh, để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn và NLĐ (không phải là đoàn viên công đoàn), sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ - công đoàn mới thành lập gia nhập tổ chức của hệ thống công đoàn VN.

    4. Đề xuất một số giải pháp cơ bản để đổi mới hệ thống/tổ chức Công đoàn Việt Nam

         Một là, Đổi mới nhận thức và tư duy (từ bộ máy lãnh đạo các cấp công đoàn VN đến đoàn viên và người lao động trong toàn hệ thống - đây là điều kiện tiên quyết/bắt buộc). Đồng thời đề nghị Nhà nước ta sớm sửa đổi/bổ sung, ban hành 02 bộ luật quan trọng có liên quan, đó là Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn (được ban hành trước đây cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới).

       Hai là, Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động. Tập trung thực hiện những nội dung về các vấn đề về quan hệ lao động, các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đoàn viên công đoàn.

        Ba là, Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn cấp cơ sở.

        Bốn là, Đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở (CĐCS), từ phương thức chỉ đạo hành chính, sang phương thức trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ CĐCS. Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở trở lên theo hướng: Sắp xếp, kiện toàn các Ban nghiệp vụ của cơ quan công đoàn cấp tỉnh, ngành TW, theo hướng tinh gọn đầu mối. Nghiên cứu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành sao cho phù hợp, khách quan với tình hình, nhiệm vụ mới.

       Năm là, Đổi mới công tác cán bộ công đoàn toàn hệ thống, đủ sức đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo tình hình mới (khi Việt Nam tham gia Hiệp định CTTPP).

Ths. Nguyễn Hữu Giới

                                                                       Nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top