Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Triển lãm tranh biếm họa về phòng, chống tham nhũng: Cười... ra nước mắt

Thứ Sáu 23/11/2018 | 10:49 GMT+7

VHO-  Chiều qua 22.11 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã tổ chức khai mạc và trao giải thưởng triển lãm tranh biếm họa chủ đề “Phòng, chống tham nhũng”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã dự và trao giải thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất tham dự cuộc triển lãm có chủ đề gai góc này.

 Thứ trưởng Lê Quang Tùng tại triển lãm

 Hưởng ứng một chủ đề xã hội đang mang tính thời sự cao: “Phòng, chống tham nhũng”, Bộ VHTTDL đã quyết định tổ chức triển lãm phê phán tệ nạn xã hội này dưới ngôn ngữ hài hước mà sâu cay của nghệ thuật tranh biếm họa. Sau một thời gian phát động rộng rãi trong cả nước, các họa sĩ biếm họa đã sáng tác và gửi đến 518 tác phẩm tham dự. Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm đã lựa chọn 158 tác phẩm để trưng bày triển lãm và 30 tác phẩm được trao thưởng.

Phê xấu, hướng thiện

Không có giải Nhất, ba giải Nhì đã được trao cho các tác phẩm: “Sự thật phũ phàng” của họa sĩ Trần Hải Nam (TP Hồ Chí Minh), “Tìm trách nhiệm” của Hà Xuân Nồng (TP Hồ Chí Minh), “Dân chơi 4.0” của tác giả Lê Đức Hùng (Hà Nội). Ngoài ra, BTC còn trao 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhiều tuổi nhất thuộc về ông Phạm Tấn Phú (Hà Nội, sinh năm 1932) với cụm tác phẩm: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Tham nhũng bú ngân sách”, “Lộ nguyên hình” và “Cây tham nhũng phá hoại kinh tế Việt Nam”. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhỏ tuổi nhất thuộc về Trần Thị Bảo Nhi (Tây Ninh, sinh năm 1993) với các tác phẩm “Tẩu tán tài sản”, “Lợi ích nhóm”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục MTNATL, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật) nhấn mạnh: “Tranh biếm họa vừa là cái nhìn đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu, đồng thời cũng rất dí dỏm, hài hước và nhân văn, dễ hiểu, dễ xem, gần gũi với mọi người, góp một tiếng nói phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, hướng thiện và nhân văn...”.

Hoạ sĩ Vi Kiến Thành thổ lộ, tổ chức triển lãm về một chủ đề gai góc, động chạm như thế này ban đầu cũng hơi... lấn cấn. Tuy nhiên, xác định tận dụng thế mạnh của ngôn ngữ biếm họa để phản ánh về một chủ đề đang được cả xã hội quan tâm, triển lãm “Phòng, chống tham nhũng” cuối cùng đã ra mắt công chúng ngày hôm nay, với nhiều góc nhìn “có gai”, sắc sảo, cười ra nước mắt nhưng lại đầy tính phê phán, hướng thiện và nhân văn. Thành phần Hội đồng nghệ thuật, ngoài những họa sĩ có uy tín nghề nghiệp như các họa sĩ Trần Khánh Chương, Lương Xuân Đoàn, Vi Kiến Thành, Lý Trực Dũng, Nguyễn Thành Chương, Lê Anh Phong còn có đại diện Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam… cùng tham gia để đảm bảo tính khách quan cũng như giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm.

“Biếm họa luôn được xem là “người lính” xung kích trong ngành mỹ thuật. Ở cuộc triển lãm này, biếm họa đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình trong phê phán, đả kích cái xấu và hướng đến những giá trị tốt đẹp. Hơn 500 tác phẩm gửi đến tham dự triển lãm đều đã phát huy rất tốt thế mạnh của ngôn ngữ đồ họa, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự mà không ngại động chạm. Trong dòng chảy thời sự đó, nhiều tác phẩm mang tính báo chí cao, thẳng thắn đề cập các vấn đề nóng bỏng để đưa vào tranh như quan to bổ nhiệm người nhà, làm giàu bằng chổi đót, đánh bạc online...”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Kiệm lời mà đẫm sâu cay

Dẫu nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng triển lãm không có giải Nhất. Lý giải điều này, các thành viên Hội đồng nghệ thuật đều cho rằng đó là chuyện bình thường, phần nào thể hiện tính khắt khe trong chấm chọn. Cũng theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, triển lãm vốn đã “nóng” ngay từ khi phát động và cho đến khi kết thúc nhận tác phẩm. Hội đồng nghệ thuật nhận định toàn bộ trên 500 bức biếm họa đều không có tác phẩm nào phải loại bỏ, vì hầu hết đều thẳng thắn động chạm đến các vấn đề nhạy cảm. Các họa sĩ biếm họa đều đã khai thác rất tốt khả năng của biếm họa là phê phán nhưng mang tính xây dựng và giàu nhân văn.

Một trong ba tác giả được nhận giải Nhì, họa sĩ Lê Đức Hùng (Hà Nội) với tác phẩm “Dân chơi 4.0” chia sẻ, anh rất hào hứng khi nhận được lời mời tham dự sáng tác về đề tài này. “Có thể thấy rằng đây là một chủ đề nóng được công chúng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên không thể phủ nhận đây cũng là một đề tài rất khó, vẽ thế nào để chuyển tải nội dung một cách sâu sắc nhất, mà vẫn “kiệm lời” nhất. Cá nhân tôi cũng gặp khó khăn khi lựa chọn hình ảnh và cách thể hiện sao cho đắt giá. Tác phẩm “Dân chơi 4.0” đã đề cập sâu cay đến một “thú chơi” mới- “chơi tiền” chứ không phải những thú chơi như ngày xưa...”, Lê Đức Hùng bộc bạch.

Chia sẻ kinh nghiệm của một họa sĩ đã có vài chục năm sống cùng biếm họa, họa sĩ , KTS Lý Trực Dũng (thành viên Hội đồng nghệ thuật) nói thẳng: “Họa sĩ vẽ biếm họa đều không phải vì tiền. Nếu vì tiền thì chẳng ai vẽ tranh biếm cả. Cho đến nay đếm trên đầu ngón tay ở Việt Nam chỉ có khoảng vài ba người sống bằng biếm họa mà thôi. Nhìn chung những tác giả vẽ tranh biếm đều là những nhân vật luôn gắn bó với cuộc sống, giàu kinh nghiệm và có tư duy nhạy bén, sắc sảo, đầy dí dỏm...”.

Nhận xét về các tác phẩm tham dự triển lãm, họa sĩ Lý Trực Dũng nói: “Bản chất của biếm họa đã được thể hiện thực sự rất rõ nét trong các tác phẩm. Nhiều du khách nước ngoài không hề hiểu tiếng Việt nhưng xem tranh của ta họ cười quá trời...”.

Một thành viên giám khảo khác, họa sĩ Thành Chương cũng nhận định, sưu tập tranh biếm họa chống tham nhũng ở triển lãm lần này quả thực rất... kiệm lời mà đẫm sự sâu cay. “Dân tình ai cũng hiểu tham nhũng là quốc nạn. Thế nhưng đấu tranh với quốc nạn đó như thế nào cho hiệu quả lại vô vàn thách thức. Triển lãm mang tính hưởng ứng tinh thần “Phòng, chống tham nhũng” do Bộ VHTTDL tổ chức có thể nói là một động thái mạnh mẽ và mang ý nghĩa chính trị, xã hội vô cùng sâu sắc. Một cuộc triển lãm rất giá trị, được thực hiện với tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, không né tránh...”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bình, một du khách từ Thái Bình đến thăm Bảo tàng và tình cờ “gặp” triển lãm cất tiếng cười sảng khoái. “Xem triển lãm mà thấy sướng. Những bức tranh giản dị, gần gũi nhưng đã nói hộ lòng dân...”, ông nói rồi chỉ tay vào mấy tác phẩm “Tim đen” của tác giả Nguyễn Du (Hà Nội), phê phán nạn tham nhũng của những ông “quan đầu tỉnh”, lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt các dự án lớn sai mục đích, vị trí; tác phẩm “Chạy” của Đặng Đình Dũng (Quảng Ninh), châm biếm sâu cay các tệ nạn chạy điểm, chạy dự án, chạy chức, chạy chế độ.

Những tác phẩm mà ngay từ tên gọi đã “lộ” chất biếm như: “Bòn rút công quỹ”, “Cả nhà làm quan”, “Tham nhũng ngân sách”, “Thanh tra phong bì”..., cũng dễ hiểu vì sao lại khiến người xem ủng hộ và hào hứng đến thế. “Một sưu tập các thể loại tham nhũng được phác thảo từ những cây cọ sắc, cùng nhau hiện diện trong không gian Bảo tàng với tính chiến đấu cao, thẳng thắn và không hề né tránh”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét.

Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, từ nay đến hết ngày 5.12.

Dân tình ai cũng hiểu tham nhũng là quốc nạn. Thế nhưng đấu tranh với quốc nạn đó như thế nào cho hiệu quả lại vô vàn thách thức. Triển lãm mang tính hưởng ứng tinh thần “Phòng, chống tham nhũng” do Bộ VHTTDL tổ chức có thể nói là một động thái mạnh mẽ và mang ý nghĩa chính trị, xã hội vô cùng sâu sắc. Một cuộc triển lãm rất giá trị, được thực hiện với tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, không né tránh...

(Họa sĩ Thành Chương)

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top