Khởi động chương trình quốc gia dự phòng trước phơi nhiễm HIV

VHO-Việt Nam khởi động chương trình PrEP quốc gia nhằm giảm mạnh số ca nhiễm mới HIV khi đã có hơn 2.000 người tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Chiều 30.11, nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, tại TP.HCM Bộ Y tế cùng với cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu PATH đã công bố khởi động chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày.  Khi một người phơi nhiễm HIV thì biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm này giúp ngăn virus phát triển thành ca nhiễm vĩnh viễn. PrEP rất quả nếu được dùng đúng cách và có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV lên tới 92% hoặc cao hơn. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo mạnh mẽ PrEP là một lựa chọn dự phòng bổ sung, đây là một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, việc mở rộng dịch vụ PrEP là cần thiết để Việt Nam có thể giảm mạnh số ca lây nhiễm mới.

Khởi động chương trình quốc gia dự phòng trước phơi nhiễm HIV - ảnh 1

Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ phát biểu tại lễ phát động

Tại buổi lễ khai mạc, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của Bộ Y tế đối với chiến lược phòng chống HIV mang tính đột phá này cũng như năng lực của Bộ Y tế trong trong việc dẫn dắt những đổi mới, sáng tạo trong công tác phòng chống HIV. Thông qua hợp tác với USAID trong thí điểm và mở rộng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) trên toàn quốc, các mục tiêu thanh toán HIV vào năm 2030 đang ngày càng gần hơn. Đồng thời khẳng định, khởi động dịch vụ PrEP tại Việt Nam là một mục tiêu lâu dài của chương trình PEPFAR và USAID.  

Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (VAAC), Việt Nam là quốc gia thứ hai tại châu Á, chỉ sau Thái Lan triển khai dịch vụ PrEP trên toàn quốc. Trước mắt sẽ xây dựng chính sách, hướng dẫn triển khai và tài liệu tập huấn quốc gia về chương trình PrEP, đến năm 2019 PrEP sẽ được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố và đến năm 2020 dịch vụ PrEP sẽ được triển khai tại 11 tỉnh trong cả nước với mục tiêu đạt 7.300 người đăng kí sử dụng dịch vụ. Ngoài ra sẵn sàng cung cấp dịch vụ này tới tất cả những người có nhu cầu trên toàn quốc.

Được biết từ tháng 6.2017, VAAC, USAID và tổ chức PATH đã tiến hành thí điểm dịch vụ PrEP thông qua dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường của USAID do PATH thực hiện. Qua đó dự án đã cung cấp dịch vụ PrEP cho 1.895 người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại TP.HCM và Hà Nội. Trong số đó là những người nam quan hệ đồng giới, người chuyển giới nữ và người âm tính với HIV nhưng là bạn tình của người nhiễm HIV chưa đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. 

NGUYỄN HIẾU

Ý kiến bạn đọc