Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người Việt ra nước ngoài trị bệnh: Chẳng nhẽ "bụt chùa nhà không thiêng"?

Thứ Hai 03/12/2018 | 09:59 GMT+7

VHO- Ước tính mỗi năm người Việt chi một khối lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh. Không biết đó là do tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”, hay do chính chất lượng dịch vụ y tế của chúng ta chưa đạt mức chất lượng cao.

 Nhiều người ra nước ngoài chữa bệnh vì dịch vụ chất lượng cao

Nhưng điều dễ nhận thấy là mức đầu tư cho y tế hiện nay còn hạn hẹp, trong khi dòng tiền chảy ra nước ngoài cho việc khám chữa bệnh của người dân là một sự lãng phí không hề nhỏ mà ngành y tế cần phải có hành động cụ thể.

Tâm lý “còn nước còn tát”

Theo một báo cáo của Thái Lan, một trong những nước có đông người Việt đến khám chữa bệnh thì tổng chi phí của người Việt đứng 3 trong số những người nước ngoài đến chữa bệnh tại nước này. Ngoài ra các nước như Singapore, Nhật và cả Mỹ cũng tiếp một lượng bệnh nhân không nhỏ từ Việt Nam sang chữa bệnh. Đa phần các bệnh nhân ra nước ngoài để chữa trị các bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư. Ngoài một số người có tiền muốn được sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, hoặc vì hiện một số thuốc mới Việt Nam chưa có. Số bệnh nhân khác lại vì không muốn để ai biết mình có bệnh. Không thể phủ nhận với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, nhiều nước có nền y học phát triển như Nhật, Mỹ, Singapore, Thái Lan... đang tạo ra sức hút không nhỏ với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Cách đây hơn nửa năm, anh Viên (42 tuổi, Hà Nội), đi tầm soát ung thư thì phát hiện ung thư vòm họng. Do có người nhà hiện đang sinh sống tại Singapore nên anh Viên đã quyết định sang bên đó chữa bệnh. Qua 35 lần hóa trị, xạ trị, các tế bào ung thư trong cơ thể anh Viên đã bị chặn đứng - Anh Viên cho biết đó là kết quả mà các bác sỹ đã thông báo cho anh sau 5 tháng điều trị tại một bệnh viện của Singapre. Cũng giống như anh Viên, nhiều bệnh nhân khác mắc bệnh hiểm nghèo nên tâm lý “còn nước còn tát” đã khiến họ lựa chọn nơi điều trị có chất lượng cao, hệ thống trang thiết bị y tế và kỹ thuật cao. Ngoài ra, đối với các bệnh nhân bị ung thư, mà theo quan điểm của người Việt là “đã cầm trong tay bản án tử hình” thì ngoài thuốc men tốt, kỹ thuật cao, yếu tố tâm lý và điều kiện chăm sóc y tế là những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Bà Trần Thị Hường, một bệnh nhân đang điều trị tại một bệnh viện ở châu Âu cho biết: Thành tựu y học, kỹ thuật y tế của các nước phát triển là rất tốt, bên cạnh đó, khi có tiền người ta có quyền lựa chọn những dịch vụ mà cảm giác được yên tâm.

Chi phí đắt đỏ

Tuy nhiên, không phải ai ra nước ngoài chữa bệnh cũng được như ý. Trước tiên, chi phí khám chữa bệnh tại nước ngoài rất đắt đỏ so với trong nước. Như trường hợp anh Viên, dù có chị gái sống tại Singapore, những chi phí điều trị bệnh của anh cao gấp nhiều lần trong nước. Anh Viên cho biết: Ở Singapore họ khám và chụp chiếu rất kỹ. Họ chụp cắt lớp CT tới 250 lớp để chẩn đoán bệnh kỹ hơn. Bác sĩ ở Singapore có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn. Máy móc họ hiện đại hơn, nghiên cứu dài hơn. Giá cả chênh lệch nhau rất lớn. Nếu điều trị ung thư ở Việt Nam thì chỉ tốn khoảng 200 triệu đồng, còn ở Singapore thì chi phí này lên tới hơn 200.000 USD, đó là chưa kể tiền đi lại, ăn uống. Do đắt đỏ như vậy, nên không phải ai cũng theo được đến cùng.

Lý giải nguyên nhân nhiều người ra nước ngoài khám chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Một số bệnh nhân ung thư, hoặc bệnh nhân điều trị tế bào gốc và những bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt ra nước ngoài chữa bệnh vì các cơ sở y tế trong nước chưa có độ tin tưởng về xét nghiệm gen, tế bào miễn dịch. Chúng ta cũng đang khó khăn về cơ sở vật chất, bệnh viện công chưa đáp ứng được nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh như các nước phát triển.

Tuy nhiên, cũng có một nghịch lý là trong khi “làn sóng” người Việt có điều kiện kinh tế đang đổ xô đi kiếm tìm những dịch vụ y tế đắt đỏ ở nước ngoài thì vẫn tồn tại một “làn sóng” khác: Người nước ngoài tìm đến dịch vụ y tế ở Việt Nam. Tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, thường xuyên có những bác sĩ ở các nước tới đây tìm hiểu những kỹ thuật mới mà nước họ chưa có. Bác sĩ Mehmet Iliker Turan từ một bệnh viện ở Thổ Nhĩ Kỳ đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương học tập kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp từ đường ngực, nách cho biết: “Bên nước tôi, mổ nội soi tuyến giáp bằng đường miệng nên những khối u lớn từ hơn 3cm trở lên sẽ không thể thực hiện được, phải mổ phanh. Nhưng đến đây học, tôi thấy các bác sĩ Việt Nam mổ nội soi cắt được khối u lớn và vét được hạch, tôi rất khâm phục. Tôi đã quay phim, kể lại với đồng nghiệp và thầy giáo của tôi cho biết sắp tới sẽ đến Việt Nam học kỹ thuật này”.

Mặc dù năm qua các bệnh viện ở nước ta điều trị gần 56.000 lượt bệnh nhân nước ngoài (chủ yếu là Lào và Campuchia), nhưng tình trạng “chảy máu ngoại tệ” trong lĩnh vực y tế vẫn ở mức cao. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương tập trung vào những công việc khó, kỹ thuật cao, chuyển giao những kỹ thuật thông thường cho y tế cơ sở để giảm tải bệnh nhân. 

 NGUYỄN HOÀNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top