Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018: Tăng trưởng ấn tượng nhưng còn nhiều vấn đề nổi cộm

Thứ Tư 05/12/2018 | 19:00 GMT+7

VHO- Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 diễn ra trong hai ngày 5 và 6.12 tại Hà Nội. Ở phiên thảo luận 1 diễn ra chiều 5.12 với chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng bền vững", nhiều vấn đề nổi cộm của Du lịch Việt Nam được các diễn giả và đại biểu tranh luận quyết liệt. Và dù khen hay chê, đây đều là ý kiến của những người vô cùng tâm huyết với sự phát triển của Du lịch Việt Nam.

Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ VHTTDL, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng phát biểu tại Phiên 1 Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Trương Gia Bình chủ trì phiên thảo luận 1. Phiên này còn có sự tham gia của 600 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước…

Tại phiên thảo luận, nhiều diễn giả và đại biểu cho rằng: Du lịch Việt được ví như viên ngọc tiềm ẩn với vô vàn tiềm năng, nhưng thực tế khi so sánh với các quốc gia đi đầu trong khu vực như Thái Lan, Malaysia vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhất là về chất lượng, tính bền vững.

Diễn đàn thu hút 600 diễn giả, khách mời, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Phần lớn khách quốc tế tìm đến nhưng một đi không trở lại. Còn những bài toán chưa được giải quyết như hạ tầng du lịch, đặc biệt là sức tải của các sân bay lớn đều vượt quá công suất thiết kế; chính sách visa quá khắt khe; nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu; phương pháp tiếp thị còn nhiều hạn chế...

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh: “10 năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến nước ta đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên du lịch vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn như năng suất lao động ngành thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao”

Diễn giả Kenneth nhấn mạnh việc phát triển tập trung vào chất lượng, đảm bảo môi trường

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết: “Trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất”.

Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch và là ngành phát triển mạnh mẽ, từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần. Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển mới và đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Việt Nam đã có những doanh nghiệp du lịch hàng đầu thế giới như Vietravel

Thứ trưởng vui mừng cho biết: Ngay trong sáng nay (5.12), Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch đến năm 2025. Đây là đề án được tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp với nội dung chính là tập trung cơ cấu lại thị trường, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống sản phẩm...

Các đại biểu cho rằng: Du lịch Việt Nam cần lựa chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường, tập trung vào chất lượng kết hợp bảo vệ môi trường. Dẫn ra ví dụ Thái Lan phải mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 35 triệu lượt khách như hiện tại, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam Kenneth Atkinson nhận định việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên gần 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan. "Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại", ông dự báo.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018

Ông cũng nêu một số bất cập khi nói về tính bền vững trong du lịch, như vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền hay Sapa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan. “Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề đó là chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường (nguồn khách); xây dựng cụm, tổ hợp, hướng tới tương lai (chân thực hơn, số hóa hơn); tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng; tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa việc phá vỡ cảnh quan”- ông Kenneth nói.

Với những câu hỏi mở về việc phát triển du lịch bền vững: Làm sao để nâng cao các giá trị của du lịch Việt Nam và tăng trưởng doanh thu? Tăng lượng hay tăng chất lượng? Giải pháp nào để phát triển du lịch bền vững? Cải thiện hạ tầng du lịch, mở cửa bầu trời như thế nào? Ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 để phát triển du lịch ra sao? Tại sao phải có chính sách thị thực cởi mở hơn? Thay đổi từ đâu?..., đã được các đại biểu chia sẻ và tranh luận quyết liệt cả khi thời gian thảo luận đã hết.

Các đại biểu thảo luận tới phút cuối cùng

Bế mạc phiên thảo luận 1, ông Trương Gia Bình gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, khách mời vì đã tạo ra những bất ngờ, thú vị cho Diễn đàn. “Chưa bao giờ có một Diễn đàn du lịch giữ được "sức nóng" liên tục từ đầu đến cuối như vậy. Các khách mời, chuyên gia tham dự Diễn đàn đã có những ý kiến đóng góp lớn cho ngành Du lịch. Sau phiên thảo luận toàn thể ngày 6.5, Ban IV sẽ tổng kết các kiến nghị để gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là những ý kiến đóng góp thiết thực để xây dựng các ngành chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững”, Chủ  tịch FPT kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân nói.

THÚY HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top