Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhu cầu lớn nhưng vẫn... “thất nghiệp”

Thứ Tư 07/08/2019 | 09:24 GMT+7

VHO- Xâm phạm bản quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn đang diễn ra như cơm bữa, tác động xấu đến thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam. Với mong muốn khỏa lấp khoảng trống, góp phần ngăn chặn tình trạng này, Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã ra đời. Thế nhưng gần một năm qua, Trung tâm tồn tại một cách vô cùng lặng lẽ, nếu không dám nói là… “thất nghiệp”.

 Bức tranh (bên trái) của họa sĩ Văn Đông và bức tranh chép lại giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương

 Theo Thanh tra Bộ VHTTDL, để thành lập một đơn vị có chức năng giám định khá đơn giản, nhưng để đầu tư một đơn vị có đầy đủ trang thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại để giám định mỹ thuật, nhiếp ảnh thì không phải dễ dàng. Sự ra đời của Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được kỳ vọng sẽ là thiết chế cần thiết góp phần làm công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh.

Bản quyền mỹ thuật, nhiếp ảnh vẫn bị xem nhẹ

Tuy nhiên, sau gần một năm thành lập với sự sẵn sàng hỗ trợ về hệ thống máy móc hiện đại từ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Hội đồng giám định tác phẩm mỹ thuật nhiếp ảnh vẫn... “thất nghiệp”. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đã có một số người mang tranh đến nhờ thẩm định nhưng chưa kịp lập hồ sơ thì tranh đã được mang về. Lý do chỉ vì Chủ tịch Hội đồng... nói thật. “Chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng biết đấy là tranh giả. Tâm lý đem tranh đi giám định là muốn nhận về giấy chứng nhận tranh thật chứ không ai lại bỏ tiền ra để nhận về tờ giấy chứng nhận đó là bức tranh giả. Vì thế, thà “lập lờ đánh lận con đen” còn hơn là trắng, đen rõ ràng”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

PGS. TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sự thành công của thị trường nghệ thuật phụ thuộc phần lớn vào niềm tin về tính xác thực của các tác phẩm nghệ thuật. Quá nhiều tranh giả, tranh nhái xuất hiện trong thời gian gần đây cho thấy một mảng tối của mỹ thuật Việt. Thế nhưng, câu chuyện về sự tồn tại có phần lạc lõng của Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trong bối cảnh loạn tranh, ảnh giả hiện nay lại tiếp tục cho thấy vấn đề mấu chốt dường như lại là sự xem nhẹ bản quyền của các tác phẩm nghệ thuật này. Ở đây, lợi ích kinh tế là động lực phổ biến nhất cho việc làm giả tác phẩm mỹ thuật. Trong một số trường hợp, các cửa hàng tranh, nhà đấu giá đã khuyến khích các nghệ sĩ có kỹ thuật tạo ra các tác phẩm nghệ thuật giả mạo, thậm chí còn hướng dẫn họ nhằm cung cấp nhu cầu của các nhà sưu tập.

Bà Mai nhận định, bên cạnh những dấu hiệu đáng mừng, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang có nhiều biểu hiện xấu xí qua vấn đề tranh giả, tranh nhái. Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm dù được thành lập với mục đích tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc về thực trạng tranh, tượng giả mạo, sao chép nhưng thực tế, công việc giám định ở Việt Nam không hề dễ dàng. “ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có Trung tâm Giám định tác phẩm mỹ thuật nhưng hoạt động không hiệu quả vì nhiều lý do. Công việc giám định yêu cầu về tài liệu lịch sử nghệ thuật, kiến thức về phong cách nghệ thuật – chuyên gia nghệ thuật, phân tích kỹ thuật hoặc khoa học công nghệ. Đó là ba khía cạnh cần thiết, bổ sung cho nhau để giám định tác phẩm, tạo sự đồng thuận về bằng chứng và là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại những kiện tụng, tranh cãi...”, bà Mai phân tích.

 Triển lãm Những bức tranh trở về từ Châu Âu từng gây bức xúc cho giới nghề với 17 tác phẩm được thẩm định là tranh giả Ảnh: N.H

Thẩm định phải là nghề thực thụ

Cũng theo nhiều chuyên gia, một rào cản đối với công tác thẩm định là việc nghiên cứu về xuất xứ, nguồn gốc tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hết sức khó khăn. Sự việc toàn bộ 17 tranh là giả trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã được Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật kết luận, song nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn không thừa nhận kết luận của Hội đồng thẩm định là một ví dụ. Việc thiếu thông tin xuất xứ sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tác phẩm giả mạo. Điều đó cho thấy, tài liệu về nguồn gốc tác phẩm có vai trò quan trọng trong việc thiết lập tính xác thực, là bước đầu tiên phải tiến hành trong công việc giám định tác phẩm mỹ thuật.

Với nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thành đưa ra nhận định về khái niệm “nhái ý tưởng”. Điều này khó phân giải vì ý tưởng thường nằm ở trong đầu, nó sinh ra bao giờ, ai có trước, ai có sau không thể phân định. Những sự cố này đã xảy ra nhiều lần ở những bức ảnh giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh. Bức ảnh năm sau được giải giống y bức ảnh năm trước, chỉ khác con người trong ảnh. Nhà phê bình Nguyễn Thành phân tích, việc tạo ra một bức ảnh bây giờ không mấy khó khăn, người ta có thể lập lại một bức ảnh tương tự thật dễ dàng, còn nói đạo hay không đạo cũng rất khó rạch ròi.

Năm 2008, khi ông Trần Lam bán đấu giá bức ảnh mang tên “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” cho một chủ doanh nghiệp với giá 1 triệu USD. Khi đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Lộc lên tiếng cho rằng bức ảnh của tác giả Trần Lam đã giống “đến 98%” bức ảnh “Đêm trăng lăng Bác” của ông. Tranh cãi này đã được hội đồng nghệ thuật và ban lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam kết luận: Hai bức ảnh không được tạo ra từ cùng một máy ảnh trong cùng một khoảnh khắc. Ông Nguyễn Thành cho rằng: “Làm người thẩm định không phải chỉ là người sáng tác giỏi mà còn phải là một người thường xuyên theo dõi thị trường, hiểu biết nhịp sống của mỹ thuật và nhiếp ảnh, phải là người nghiên cứu chuyên sâu về nó. Tôi nghĩ nó phải là một nghề thực thụ”.

Giới chuyên gia cũng đồng thuận khi khẳng định việc ra đời Trung tâm Giám định mỹ thuật và nhiếp ảnh là một bước đi cần thiết, tạo chỗ dựa tinh thần cho những nhà sáng tác tâm huyết. Bên cạnh đó, giải pháp để làm tốt công việc thẩm định chỉ có một con đường là áp dụng công nghệ và nâng cao trình độ của người thẩm định. Người thẩm định không chỉ là một nhà sáng tác, am tường kỹ thuật của nhiều trường phái, cập nhật thông tin, công nghệ, mà còn phải là một người gắn bó gần gũi với những người sáng tác, hiểu được sự ra đời của những tác phẩm, cùng chia sẻ gắn bó với họ - những người sáng tác.

Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ, dù còn nhiều khó khăn nhưng giới nghề vẫn kỳ vọng Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh dần dần sẽ có được chỗ đứng, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu giám định tác phẩm của các nhà sưu tập, các bảo tàng, người chơi tranh, mua tranh, ảnh của người kinh doanh, mua bán tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh là nhu cầu thật, đang diễn ra hàng ngày. Thời gian tới, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ có hợp đồng đầu tiên. Đó là việc giám định 326 tác phẩm của một nhà sưu tập Nhật Bản tặng thành phố Đà Nẵng. Việc này do UBND TP Đà Nẵng đặt hàng. 

 Chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng biết đấy là tranh giả. Tâm lý đem tranh đi giám định là muốn nhận về giấy chứng nhận tranh thật chứ không ai lại bỏ tiền ra để nhận về tờ giấy chứng nhận đó là bức tranh giả. Vì thế, thà “lập lờ đánh lận con đen” còn hơn là trắng, đen rõ ràng.

(Họa sĩ VI KIẾN THÀNH)

 HÀ NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top