Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Để du lịch ĐBSCL thành trung tâm lớn: Khi các Bí thư Tỉnh ủy cùng “bắt tay”

Thứ Sáu 27/09/2019 | 09:28 GMT+7

VHO- Mặc dù có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là thời gian qua, du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn “tụt hậu” khá xa so với một số khu vực khác trong cả nước.

Cần Thơ, vùng sông nước hấp dẫn nhất thế giới

Lấy một ví dụ để thấy, dù đã rất cố gắng nhưng việc thu hẹp khoảng cách giữa khu vực ĐBSCL với các tỉnh, thành khác vẫn còn chậm.

Trù phú du lịch nhưng vẫn chưa giàu

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, 6 tháng đầu năm 2019, 13 tỉnh ĐBSCL đón 26.176.000 lượt khách, trong đó có 1.773.000 lượt khách quốc tế; có 915.000 lượt khách quốc tế lưu trú, 6.364.000 lượt khách nội địa lưu trú. Tổng thu từ du lịch là 16.428 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 8.550.000 lượt, trong đó khách quốc tế 2.800.000 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt từ 2,7 - 3 ngày trở lên. Tổng doanh thu du lịch đạt gần 16.000 tỉ đồng, tăng 25% cùng kỳ.

Còn với TP.HCM, trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước và cũng là thị trường lớn nhất của du lịch ĐBSCL, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã đón trên 16.500.000 lượt du khách nội địa và 4.250.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch của thành phố đạt 73.000 tỉ đồng. Ngay trong khu vực ĐBSCL cũng đã có sự khác biệt khá xa về phát triển du lịch. 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đón 7.000.000 lượt khách du lịch, Cần Thơ đón 5.000.000 lượt khách du lịch thì Hậu Giang đón chưa được 300.000 lượt khách. Tổng thu du lịch của Kiên Giang đạt 4.245 tỉ đồng, Cần Thơ đạt 4.000 tỉ đồng thì Hậu Giang đạt có 91 tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã khẳng định, khu vực ĐBSCL có nhiều dư địa để phát triển du lịch với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn được hình thành trên các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển - đảo. Bên cạnh đó, văn hóa vùng miền độc đáo với 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống và tính cách con người hiền hòa, đôn hậu, hiếu khách… đã hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù, thú vị, hấp dẫn du khách mà chỉ đến đây khách du lịch mới có thể cảm nhận được. Thế nhưng vì sao khu vực trù phú về du lịch này vẫn chưa thể bứt phá lên được, tạo thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch VN và khu vực? Xin lưu ý, vấn đề này đã được đề cập tại nhiều hội thảo, hội nghị…

Làm như thế, hy vọng sẽ khác

Thời gian gần đây khu vực ĐBSCL đã hình thành các cụm liên kết phát triển du lịch và liên kết với các địa phương, các trọng điểm du lịch trong cả nước. Trong đó, Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch của Cụm phía tây ĐBSCL (gồm 7 tỉnh, thành phố: TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang) khá hiệu quả, tổng lượng khách du lịch đến Cụm này 6 tháng đầu năm chiếm 74,8% lượng khách đến cả ĐBSCL, tổng thu du lịch đạt trên 13.552 tỉ đồng, chiếm 82% tổng thu du lịch của khu vực ĐBSCL.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía tây ĐBSCL: “Trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch, các địa phương thuộc khu vực phía tây đã và đang nỗ lực xác định, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương để tạo sự khác biệt. Trong đó, Cần Thơ nổi bật với các sản phẩm du lịch miệt vườn, sông nước; An Giang là tỉnh đồng bằng nhưng có núi và sản phẩm độc đáo nhất là du lịch văn hóa tâm linh; còn Bạc Liêu lại nổi lên với các công trình phát triển kinh tế như công trình điện gió, khu nuôi tôm theo công nghệ cao, cánh đồng muối bạt ngàn...”. Mới đây, các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM đã ký kết và triển khai chương trình hợp tác du lịch nhằm khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh, liên kết với các địa phương, hình thành nhiều tour, tuyến mới. Trước đó, TP.HCM cũng đã liên kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL như: Liên kết giữa TP.HCM với tiểu vùng Đồng Tháp; liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành cụm phía đông và cụm phía tây ĐBSCL.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch, quy hoạch hạ tầng các điểm đến gắn với cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư, tạo ra một chuỗi du lịch đa dạng toàn vùng. Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch ĐBSCL cần tiếp tục xây dựng, định hướng thương hiệu du lịch để quảng bá chung cho cả vùng bên cạnh việc khai thác các sản phẩm đặc trưng riêng của mỗi tỉnh, thành phố.

Để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa ĐBSCL với TP.HCM, mới đây Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất thành lập Hội đồng Phát triển du lịch ĐBSCL và TP.HCM, đại diện gồm lãnh đạo các địa phương, Sở quản lý về du lịch, cùng trao đổi, đánh giá tình hình và xây dựng một chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Hội đồng gồm thành viên là Bí thư Thành ủy TP.HCM và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành ĐBSCL, với sự hỗ trợ nghiên cứu tư vấn cơ chế chính sách từ cơ quan liên quan. Từ đó, có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp trong công tác quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh; cải thiện hạ tầng du lịch, phát triển giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, hình thành các sản phẩm đặc trưng… 

 Không tự nhiên mà hồi tháng 8.2019, Getty Images (kho ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp những hình ảnh chuyên nghiệp cho hệ thống báo chí, trang thông tin, truyền thông toàn cầu) đã đưa Cần Thơ vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới, bên cạnh những cái tên đình đám như: Venice (Ý), St. Petersburg (Nga), Annacy (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Birmingham (Anh), Tô Châu (Trung Quốc)…

 THÚY HÀ; ảnh: VŨ AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top