Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hai phiên toà xét xử gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La: Những vấn đề cần phải làm rõ

Thứ Sáu 25/10/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Hôm nay 25.10, TAND tỉnh Hà Giang sẽ tuyên án sơ thẩm vụ gian lận điểm thi, kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang. Cùng thời gian này, phiên sơ thẩm vụ án cùng tính chất tại tỉnh Sơn La cũng tạm khép lại.

 Nhân chứng và người liên quan tại tòa Hà Giang

Tuy nhiên, dư luận và nhiều chuyên gia luật tỏ ra bức xúc khi cho rằng cả 2 phiên tòa đã vắng, thiếu những nhân chứng và cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến từ Bộ GD&ĐT, cơ quan đã xây dựng, cải tiến, áp dụng phương án thi THPT quốc gia năm 2018.

Thiếu nhân chứng quan trọng

Trao đổi với Văn Hóa, luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng để giải quyết vụ án một cách khách quan và toàn diện, để đánh giá các chứng cứ giúp hội đồng xét xử (HĐXX) có thể xem xét công minh, đúng người, đúng tội, không bỏ sót người phạm tội thì những cơ quan, những người có trách nhiệm liên quan tới vụ án phải đến tòa.

Nhân chứng quan trọng cũng là bên có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan là đại diện Bộ GD&ĐT rất cần có mặt ở tòa để trình bày những vấn đề rất cần thiết. Nhân chứng thứ hai là Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Hà Giang và các thành viên khác của Ban chỉ đạo và cả những người có nghĩa vụ liên quan khác cũng cần có mặt tại tòa. Luật sư Doãn nhấn mạnh, lẽ ra ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh Hà Giang nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa này với vai trò vừa là Trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bởi trong hồ sơ có tài liệu của vụ án có chi tiết ông Quý nhắn tin qua lại với bị cáo Hoài các nội dung quan trọng liên quan tới vụ án.

Những tình tiết này rất cần làm rõ, liệu có sự liên quan của ông Quý thế nào đối với vụ án qua đó vừa có thể minh oan cho ông Quý xem có liên quan tới vụ án hay không? Việc xử lý ông Quý mới ở nội bộ Đảng tỉnh Hà Giang, còn ở khía cạnh tố tụng pháp luật tại phiên tòa thì ông Quý nhất thiết phải có mặt. Rất tiếc là phiên tòa sơ thẩm lần này không có mặt bất cứ đại diện nào của Bộ GD&ĐT và ông Trần Đức Quý. Đánh giá ảnh hưởng của sự vắng mặt những nhân vật quan trọng sẽ ảnh hưởng thế nào tới phiên tòa, luật sư Doãn cho rằng trước khi phiên tòa diễn ra, các nhân chứng và người có nghĩa vụ liên quan đã được cơ quan điều tra thu thập lời khai, xác minh căn cứ. Nhưng phiên tòa là một giai đoạn tố tụng độc lập nên tất cả các nhân chứng và người có nghĩa vụ liên quan được mời phải có mặt mặc dù tòa có thể xem xét những lời khai, chứng cứ của các nhân chứng trước cơ quan điều tra để sử dụng trong quá trình đánh giá và luận tội, kết án tại phiên tòa. Trong trường hợp nếu thấy không đạt yêu cầu thì có thể triệu tập, nếu không đến có thể ra quyết định dẫn giải đến tòa để đánh giá các chứng cứ một cách khách quan.

Sự bất hợp lý sẽ dẫn đến sự không công bằng

Nhiều người dự phiên tòa và dư luận đặt câu hỏi, Bộ GD&ĐT là nơi xây dựng phương án, áp dụng và cả giám sát phương án thi THPT quốc gia nhưng đã để xảy ra những lỗ hổng nghiêm trọng để các cá nhân lợi dụng, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều địa phương nhưng chưa có một ai bị xử lý và cũng không có mặt tại tòa. Luật sư Doãn cho rằng, dư luận cả nước đều biết sơ hở là đến từ phương án thi do Bộ GD&ĐT xây dựng và áp dụng nên cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong hậu quả xảy ra các vụ án nghiêm trọng, từ đó có hình thức xử lý thích hợp chứ không thể thoái thác trách nhiệm.

“Chúng tôi đang bào chữa cho các bị cáo nhưng chưa có ý kiến của Bộ GD&ĐT thì chưa thể đánh giá yếu tố khách quan của vụ việc, từ đó việc đánh giá mức độ phạm tội hay sai phạm của các bị cáo có thể thiếu khách quan”, luật sư Doãn nói. Một số luật sư tham dự phiên tòa cũng cho rằng, việc đánh giá tư cách tố tụng của một số cá nhân dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng hay người có nghĩa vụ liên quan là chưa công bằng. Như trường hợp của bị cáo Khuông (nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang), chỉ nhờ duy nhất 1 trường hợp là con trai cũng bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng có rất nhiều trường hợp khác trong ngữ cảnh tương tự nhưng không bị khởi tố.

Trong khi đó trong danh sách những người nhờ nâng điểm thi THPT 2018 cho các thí sinh là con, cháu, người quen được công bố tại tòa có nhiều người có chức vụ cao của tỉnh Hà Giang nhưng không bị khởi tố. Chẳng hạn ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Nga (đảng viên, chuyên viên Sở Tài chính Hà Giang), vợ đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, bà Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang), bà Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang... Trong buổi trao đổi sáng qua 24.10 với Văn Hóa, luật sư Doãn cho hay, sự có mặt của đại diện Bộ GD&ĐT tại 2 phiên tòa xét xử hành vi gian lận điểm thi tại Hà Giang và Sơn La là rất cần thiết. Bởi vì cần làm rõ các quy trình, kẽ hở của phương thức thi mới làm rõ được thủ đoạn, mức độ phạm tội, yếu tố khách quan, chủ quan của vụ việc... Từ đó mới có thể xét xử đúng người, đúng tội và có thể ngăn chặn sai phạm trong các kỳ thi khác. “Tuy nhiên, rất tiếc các cơ quan tố tụng của tỉnh Hà Giang và Sơn La đã không triệu tập đại diện Bộ GD&ĐT trong cả 2 vụ án”, ông Doãn chia sẻ.

Luật sư Doãn cũng đánh giá, vụ việc gian lận điểm thi là rất nghiêm trọng khi các bị cáo sửa điểm cho hàng trăm thí sinh gây ảnh hưởng chung tới kết quả thi quốc gia. Câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao các bị cáo phạm tội thuần thục như vậy, chỉ có mấy giây xử lý nâng điểm xong một bài, rồi quá trình nhận số báo danh, cùng các thông tin khác của thí sinh... rất bài bản? Việc vi phạm đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thực tế các bị cáo đã hoàn thành việc nâng điểm thi, rõ ràng phải có một quá trình và cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra quá trình này? 

QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top