Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nỗ lực cứu vãn di sản ở đình Đồng Kỵ

Thứ Hai 09/03/2020 | 11:50 GMT+7

VHO- Nhằm hỗ trợ địa phương và BQL di tích quốc gia đình Đồng Kỵ (Bắc Ninh) trong việc tổ chức đánh giá, phân loại hệ thống các cấu kiện gỗ cũ để có biện pháp tái sử dụng, cuối tuần qua cán bộ, chuyên gia của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), BQL di tích tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp đánh giá tại hiện trường di tích..

Cán bộ và chuyên gia của Cục Di sản văn hóa kiểm tra, đánh giá lại cấu kiện gỗ sau khi hạ giải và không tái sử dụng

 Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn sẽ đưa ra phương án tái sử dụng tối đa những cấu kiện cũ nhằm giữ lại những di sản truyền thống, vốn quý của cha ông.

Tái sử dụng đến đâu?

Tại nơi các cấu kiện gỗ được hạ giải, các chuyên gia cùng chính quyền địa phương và BQL di tích đã đánh giá hiện trạng, tình trạng và mức độ xuống cấp của từng cấu kiện gỗ. Ghi nhận thực tế cho thấy, một số cấu kiện vẫn giữ được khá nguyên vẹn những đường nét chạm khắc tinh xảo, một số đã bị xuống cấp, mục vỡ...

Ngay gần hiện trường bảo quản các cấu kiện gỗ đã hạ giải là tòa Đại bái đình Đồng Kỵ đã được lắp gần xong bộ khung gỗ, với nhiều cấu kiện gỗ thay mới. Lý do của việc thay mới này là do nhiều cấu kiện được làm bằng vật liệu gỗ xoan, có tuổi thọ đã 300 năm nên bị mục ải, xuống cấp, không còn khả năng tái sử dụng. Các biện pháp thay cốt, ốp mang để tái sử dụng tối đa cấu kiện gỗ cũ trước đó cũng đã được chủ đầu tư, Hội đồng đánh giá sau hạ giải và cộng đồng dân cư tính toán, đánh giá không đảm bảo về mặt kết cấu và độ bền lâu dài của di tích sau khi tu bổ.

Ghi nhận tình trạng xuống cấp của các cấu kiện gỗ cũ tại đình Đồng Kỵ, theo Cục Di sản văn hóa, việc tính toán sử dụng lại những cấu kiện gỗ có chạm khắc cổ là cần thiết, không thể bỏ đi toàn bộ để thay mới như hiện trạng đang diễn ra. Để chứng minh sự tồn tại lâu đời của làng nghề gỗ Đồng Kỵ thì ngôi đình cùng những đường nét chạm khắc, hoa văn tinh xảo chính là dấu ấn vật chất không thể thay thế. Nếu giữ lại những cấu kiện gỗ mà không tái sử dụng vào di tích thì đồng nghĩa với việc đánh mất đi những dấu ấn vật chất quan trọng, minh chứng cho lịch sử làng nghề mộc Đồng Kỵ.

“Cục cùng tham gia đánh giá thực tế nhằm đưa ra phương án tái sử dụng các cấu kiện gỗ có chạm khắc là thể hiện trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về di sản văn hóa trong việc bảo vệ ngôi đình. Di tích quốc gia đình Đồng Kỵ cần được địa phương chung tay để có thể bảo vệ tối đa, giữ lại những giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật mà ông cha đã để lại, thông qua những mảng chạm, hoa văn tinh tế…”, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành nói. Về mức độ tái sử dụng, các chuyên gia cho rằng, căn cứ vào kết quả đánh giá thực tế, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, giám sát và BQL di tích, Sở VHTTDL cần ngồi lại để đưa ra các phương án kế tiếp. Khoảng 20% cấu kiện gỗ có chạm khắc được nhận định có thể tái sử dụng, trong đó có nhiều cấu kiện có những mảng chạm rất đẹp và giá trị.

 Mặc dù ít được tái sử dụng trong quá trình tu bổ đình Đồng Kỵ nhưng rất may các cấu kiện gỗ sau khi hạ giải vẫn được bảo vệ nguyên vẹn

Làm mới một ngôi đình, rất dễ

“Làm mới một ngôi đình thì rất dễ. Nhưng đó không thể nói được là ngôi đình cổ, có giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật lâu đời, thể hiện truyền thống của một ngôi làng đã sinh ra nghề mộc có tuổi đời 300 năm. Chỉ cần nhìn vào những mảng chạm cũ thì tất cả những gì thuộc về vốn cổ, truyền thống của cha ông đều được thấy rất rõ. Vì vậy, vấn đề của đình Đồng Kỵ nói riêng, mở rộng ra là các di tích nói chung là cần nỗ lực, cố gắng để bảo tồn, tìm phương án khả thi để lưu giữ lại tối đa những di sản mà cha ông đã để lại”, đại diện Cục Di sản văn hóa chia sẻ.

Các chuyên gia sau khi trực tiếp đánh giá, phân loại cũng lưu ý, những cấu kiện gỗ đã đánh giá cần được giữ nguyên hiện trạng. Phương án đang được tính đến để tái sử dụng có thể là sử dụng hóa chất- công nghệ nano có tác dụng nối vá, cứng hóa và tăng tuổi thọ của cấu kiện gỗ. Đây là công nghệ đã được kiểm nghiệm và sử dụng trong công tác tu bổ tại một số di tích. Hóa chất nano sẽ được sử dụng quét lên bề mặt cấu kiện, thẩm thấu vào trong làm cứng hóa, tăng tuổi thọ của cấu kiện gỗ mà không làm ảnh hưởng đến màu sắc của gỗ. Việc sử dụng công nghệ này sẽ tạo độ bền cho cấu kiện gỗ, khi vệ sinh cũng sẽ hạn chế bụi bám. “Phương án sử dụng hóa chất nano sẽ là phương án khả thi, phù hợp với hiện trạng ở đình Đồng Kỵ. Công nghệ này có nhiều ưu điểm, quan trọng nhất là gia tăng tuổi thọ cho gỗ. Các đơn vị chức năng cần ngồi lại với nhau để nghiên cứu và quyết định việc có áp dụng được hay không, áp dụng đến đâu, kinh phí như thế nào…”, ông Trần Đình Thành cho biết.

Tuy nhiên, ngoài những vấn đề cần thống nhất về phương án tái sử dụng các cấu kiện gỗ, một vấn đề khác cũng được lưu ý là cần thiết có sự tham gia, đồng thuận và đồng hành của cộng đồng. Đại diện Bộ VHTTDL đề nghị chính quyền địa phương, BQL di tích cần tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân làng Đồng Kỵ cùng thấu hiểu, đồng cảm và chung tay để công trình quan trọng này giữ lại được hồn cốt 300 năm qua. Bên cạnh đó, việc trước mắt cần tập trung triển khai là các đơn vị liên quan, gồm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cùng với Sở VHTTDL và chính quyền địa phương cần thống nhất, đưa ra biện pháp cụ thể, phù hợp, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, kinh tế trong việc tái sử dụng các cấu kiện gỗ cũ vào công trình đang được tu bổ, đảm bảo việc thi công đúng tiến độ, không bị gián đoạn.

Giám đốc BQL di tích tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Mạo cho biết, trên cơ sở kết quả đánh giá của các chuyên gia, các đơn vị gồm đại diện Sở VHTTDL, chính quyền địa phương và chủ đầu tư, BQL di tích đình Đồng Kỵ sẽ khẩn trương bàn bạc, thống nhất cách thức triển khai. Các nội dung thống nhất gồm cấu kiện nào sẽ tái sử dụng, cấu kiện nào giữ lại để phục vụ công tác trưng bày, phương án kỹ thuật cụ thể như thế nào… Cụ thể từng phương án và các giai đoạn triển khai cần tiếp tục có sự tham gia đồng hành, hỗ trợ của Cục Di sản văn hóa, BQL di tích tỉnh Bắc Ninh và các chuyên gia di sản, văn hóa…

Trước buổi làm việc tại hiện trường vào cuối tuần qua, việc thi công tu bổ đình Đồng Kỵ đang tạm dừng để chờ ý kiến các cơ quan chuyên môn. Theo ghi nhận, toàn bộ cấu kiện, các bộ phận cũ của công trình đang được bảo vệ cẩn thận, nguyên vẹn trong khuôn viên di tích. 

 Làm mới một ngôi đình thì rất dễ. Nhưng đó không thể nói được là ngôi đình cổ, có giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật lâu đời, thể hiện truyền thống của một ngôi làng đã sinh ra nghề mộc có tuổi đời 300 năm. Chỉ cần nhìn vào những mảng chạm cũ thì tất cả những gì thuộc về vốn cổ, truyền thống của cha ông đều được thấy rất rõ. Vì vậy, vấn đề của đình Đồng Kỵ nói riêng, mở rộng ra là các di tích nói chung là cần nỗ lực, cố gắng để bảo tồn, tìm phương án khả thi để lưu giữ lại tối đa những di sản mà cha ông đã để lại.

(Đại diện Cục Di sản văn hóa)

 BẢO NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top