Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Truyền giữ tư liệu cổ bằng phương pháp số hóa tại Đà Nẵng: Nếu không có chuyến khảo sát, nhiều sắc phong cổ sẽ ra đi

Thứ Hai 08/06/2020 | 10:19 GMT+7

VHO- Sự phối hợp của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM trong việc số hóa các tài liệu sắc phong cổ còn nằm rải rác tại cộng đồng trên địa bàn Đà Nẵng, được xem là cuộc “cứu nguy” cho những tư liệu quý.

 Các bô lão nâng niu tư liệu sắc phong lưu giữ tại đình làng

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, “trong quá trình làm công tác bảo tồn di sản, xây dựng hồ sơ đối với các thiết chế văn hóa, đình làng, chư phái tộc, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhà thờ, di tích lưu giữ nhiều sắc phong trải qua các giai đoạn lịch sử chưa chuyên nghiệp nên một phần hệ thống sắc phong đã bị xuống cấp, mục nát nghiêm trọng”.

Nhiều sắc phong cổ nằm rải rác và bị hư hỏng

Theo phối hợp, Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị tiến hành đi điền dã khảo sát các đình làng, hộ dân, sau đó kết hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM triển khai. Quá trình khảo sát từ ngày 2.6 cho thấy còn rất nhiều tài liệu cổ đang lưu giữ trong các đình làng, nhà thờ họ, tại nhà dân. Đây là nguồn sử liệu hết sức quan trọng và quý giá mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa. Không chỉ các sắc phong, trong quá trình tìm kiếm, đoàn thực địa còn phát hiện những cổ vật quý, như một số tài liệu có từ thời Tự Đức năm 1847 rất có giá trị. Trong những ngày đầu đi thực địa, anh Nguyễn Giang Quân, Phụ trách phòng số hóa Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cho biết, số tài liệu sắc phong bị hư hỏng khá lớn, như thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có 4 hộp đựng sắc phong, khi lấy ra trong đó không biết số lượng có bao nhiêu sắc phong, vì phần lớn số lượng sắc phong đã bị hư hại, vỡ nát hết.

“Tại Đà Nẵng, người dân bảo quản sắc phong khá kỹ càng, các bô lão cất giữ ở trên cao, tuy nhiên có những nơi việc bảo quản chưa đúng cách, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên tài liệu không còn nguyên vẹn, bị vỡ nát, hư hỏng khá nhiều. Nếu không có những chuyến khảo sát như thế này thì không thể đánh giá được hiện trạng cũng như không hỗ trợ địa phương trong việc giữ gìn, bảo quản. Qua 5 ngày thu thập, tìm kiếm, chúng tôi đã xử lý được gần 300 tài liệu sắc phong, scan lại để bảo quản. Những tài liệu này rất phong phú về nội dung, như sắc phong thần, sắc chỉ, bằng cấp, lệnh chỉ, gia phả, văn chúc thọ, mộc bản, câu đối… Bước đầu quá trình khảo sát cho thấy sắc phong thần chiếm số lượng nhiều hơn, hy vọng trong quá trình tìm kiếm sẽ có thêm sắc phong về quan lại, danh nhân để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu tốt hơn”, anh Quân cho biết.

 Tiến hành scan tư liệu sắc phong để bảo quản

Vui mừng khi các tài liệu quý được “cứu”

Theo trình tự, trước khi di sản quý được số hóa, các bô lão trong làng sẽ mặc phục lễ, thành kính thắp hương làm lễ khai sắc. Sau khi tư liệu được chụp xong, bản gốc sẽ trả lại cho các bô lão, file xử lý sẽ giao lại cho Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng, sau này tài liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi cho người dân và những nhà nghiên cứu.

Khi biết những tài liệu quý của làng sẽ được lưu giữ bằng phương pháp khoa học, ông Phạm Văn Chánh, Phó trưởng ban quản lý đình làng Hòa Mỹ (P.Hòa Minh, quận Liên Chiểu) không giấu nổi vui mừng vì đây là dịp hiếm hoi để ông và những bô lão trong làng được tiếp xúc trực tiếp với các sắc phong quý giá. “Những di sản văn hóa, lịch sử quý giá này trong suốt thời gian dài như vậy được người dân làng chúng tôi lưu giữ cẩn thận, ngày hôm nay khi chúng tôi nghe tin số sắc phong này sẽ được lưu giữ thì ai nấy cũng đều xúc động. Cơ quan chức năng và những nhà nghiên cứu đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để dân làng chúng tôi bảo quản tài liệu di sản dài lâu”.

 Tư liệu sắc phong đã bị mục nát

Theo các cán bộ trong đoàn khảo sát, trong dân làng còn tồn tại rất nhiều tài liệu quý, tuy nhiên người dân không đánh giá hết giá trị của những tài liệu này. Họ ít biết về ngôn ngữ Hán Nôm nên không hình dung được mình đang nắm trong tay những tài liệu quý giá như thế nào. Thậm chí có nhiều cụ trong làng rất thích tìm tòi, học hỏi để dịch chữ trên tài liệu, vì vậy khi các chuyên gia Hán Nôm giải thích cặn kẽ ý nghĩa của các tài liệu sắc phong thì các cụ mới hiểu hết và càng tự hào hơn. Cụ Phan Văn Xuân, Trưởng Ban hội đồng chư phái tộc của đình làng Đà Sơn cho biết, việc tiếp xúc trực tiếp với những sắc phong này là rất khó, các sắc phong của các thượng đỉnh thần được đình làng giữ gìn trong hộp từ đời này sang đời khác, khi có việc cần thì phải làm lễ mới được thỉnh xuống, lập biên bản ghi rõ ngày, giờ thỉnh rồi cẩn trọng cất đi chứ không thể để mất. “Chúng tôi cũng chỉ biết đây là những tài liệu, di sản rất quý, và gìn giữ bằng cách cất giấu thật kỹ. Nhưng khi có đoàn công tác đến đây cùng với nhiều chuyên gia, chúng tôi hiểu thêm được ý nghĩa của những sắc phong, trong từng thời kỳ mà các triều vua đã ban cho tiền hiền, hậu hiền trong làng Hòa Mỹ chúng tôi, thật đáng để tự hào”, cụ Phan Văn Xuân nói.

Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ông Phạm Hồng Thái đánh giá, khi Đà Nẵng chưa có điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật để tiến hành số hóa tư liệu quý thì việc phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM để sưu tầm số hóa các tài liệu Hán Nôm là việc làm rất thiết thực. Khi hoàn thành công việc số hóa và lưu trữ các tài liệu này, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng sẽ tuyên truyền, phổ biến các tư liệu đến bạn đọc và toàn quốc, đưa lên website để giới thiệu rộng rãi đến người dân và những nhà nghiên cứu… 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top