Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tháng hành động vì trẻ em nhìn từ tổng đài 111: Đến công an cũng phải nhờ... Tổng đài “trợ giúp”

Thứ Sáu 26/06/2020 | 10:55 GMT+7

VHO- Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 183.000 cuộc gọi so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, ứng dụng “Tổng đài 111” trên điện thoại di động, máy tính lại chưa được nhiều người biết đến, chưa phát huy được hiệu quả của việc bảo vệ trẻ em bằng công nghệ số.

  Nhân viên tư vấn Tổng đài 111 luôn bận rộn với các cuộc gọi, trả lời điện thoại

Vào những ngày đầu năm, Tổng đài 111 nhận được thông tin từ ông N.T.A, điều tra viên Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông báo về trường hợp cháu T.T.L sinh năm 2004 ở huyện Chương Mỹ bị đối tượng Đ.V.Đ sinh năm 2000 ở thôn Phú Bến, xã Thụy Hương, Chương Mỹ dùng vũ lực khống chế hiếp dâm.

Trẻ em gọi điện tăng, còn người lớn “thụt lùi”…

Cháu L khai báo sự việc cháu bị hiếp dâm nhưng bố mẹ cháu lại không hợp tác với cơ quan điều tra trong việc đưa cháu đi giám định pháp y để thu thập bằng chứng, dẫn đến gây khó khăn cho quá trình điều tra sự việc của Công an huyện Chương Mỹ. Trước tình hình này, Tổng đài 111 đã kết nối với UBND xã Đông Sơn, Trung tâm CTXH Hà Nội đề nghị xác minh thông tin và có biện pháp hỗ trợ cho cháu L. UBND xã Đông Sơn đã tổ chức đoàn xuống thăm hỏi đồng thời trao đổi, tư vấn cho bố mẹ cháu về quy trình, thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho cháu trong quá trình điều tra của cơ quan công an. Cán bộ trẻ em đã tiến hành đánh giá mức độ tổn hại và lập kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định của NĐ 56/2017/ NĐ-CP. Hiện tại, tâm lý sức khỏe của cháu L ổn định và đi học bình thường.

Thời gian qua, Tổng đài 111 cũng nhận được đơn thư của cháu N.H.L (2007) là học sinh lớp 7 ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Cháu L mong muốn được về sống với mẹ vì khi ở với bố cháu thường xuyên bị mắng chửi, đánh đập khiến cháu rất áp lực, lo lắng và hoảng sợ. Tổng đài đã kết nối với cán bộ trẻ em xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn đề nghị xác minh thông tin cụ thể và có biện pháp hỗ trợ cho cháu L. Đồng thời Tổng đài 111 đã kết nối với mẹ cháu L, hướng dẫn gửi đơn đến TAND huyện để thay đổi quyền nuôi con. Cháu L hiện đang ở cùng bố, dù không còn bị bố đánh nữa nhưng cháu vẫn bị bố mắng chửi, không cho cháu gặp mẹ. Hiện tại mẹ cháu L đang hoàn tất các thủ tục với tòa án để đưa cháu về ở với mẹ.

Ông Nguyễn Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, trong 6 tháng đầu năm Tổng đài 111 đã hỗ trợ, can thiệp 407 ca, trong đó có 195 ca bạo lực trẻ em, 109 ca xâm hại tình dục trẻ em, 27 ca trẻ em bị bóc lột, 16 ca trẻ em bị mua bán... Ngoài những trường hợp được can thiệp, hỗ trợ còn lại là các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu, hỏi đáp thông tin về giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em và gia đình, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện hành vi xâm hại trẻ em... Trong các cuộc gọi này, cuộc gọi của người từ 18 tuổi trở lên có 10.299 cuộc, giảm 1,3 % so với 6 tháng đầu năm 2019; số cuộc gọi của trẻ em từ 11 – 14 tuổi có 2.200 cuộc, tăng 2,2%; trẻ em từ đủ 16 – 18 tuổi tăng 0,3%...

Cán bộ địa phương vẫn thiếu hợp tác với Tổng đài

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn trong quá trình hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, chẳng hạn như dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến một số vụ việc kết nối, can thiệp cho trẻ em liên quan tới trường học bị chậm trễ, việc xác minh, tiếp xúc với trẻ em và gia đình gặp khó khăn, đưa trẻ đi thăm khám bị trì hoãn... Nhóm trẻ em ăn xin thường xuyên di chuyển trên nhiều địa bàn. Trong khi đó, cán bộ địa phương thiếu hợp tác với Tổng đài vẫn diễn ra, thường trả lời là bận, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Điển hình là cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai) sau 3 tuần không sắp xếp đến thăm trẻ em bị bạo hành phải nằm viện điều trị. Hoặc trường hợp thông tin trẻ bị dâm ô tại xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), người làm công tác trẻ em cấp xã khẳng định không có tình trạng trẻ em bị dâm ô trên địa bàn, nhân viên tư vấn trao đổi, cán bộ mới tiếp nhận một cách miễn cưỡng, không hợp tác. Sau 13 ngày tiếp nhận thông tin mới đến gia đình xác minh, không tiến hành đánh giá nguy cơ, lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em...

Nhằm lan toả các phương tiện thông tin về Tổng đài 111, Cục Trẻ em, quỹ ChildFund Việt Nam và Microsoft đã phát triển phần mềm ứng dụng App “Tổng đài 111” trên điện thoại thông minh với mục đích bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phát triển một hệ thống quản trị thông tin để người dùng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại một cách kịp thời. Ngoài ra, kho thư viện tài liệu trên App cũng được xây dựng một cách đầy đủ, cơ bản về quyền trẻ em cũng như một số kỹ năng giáo dục an toàn cho trẻ em. “Tuy vậy, thời gian qua mới chỉ có gần 70 thông báo của trẻ em và người dân qua App để phản ánh các trường hợp xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là một con số còn quá khiêm tốn, thể hiện người dân và trẻ em chưa biết và cài đặt để sử dụng App”, ông Đặng Hoa Nam nói.

Để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, trước hết người dân, trẻ em, các cấp, các ngành hiểu rõ về quyền trẻ em, hiểu biết về Tổng đài 111 và thúc đẩy việc sử dụng App “Tổng đài 111” (kênh trực tuyến tiếp nhận báo cáo, thông báo về các trường hợp xâm hại trẻ em trên nền tảng di động Android và iOS), hôm qua 25.6, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức lễ phát động cuộc thi “Tìm hiểu Tổng đài 111”. Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra một sân chơi bổ ích cho học sinh THCS và THPT, tăng cường sự hiểu biết của trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ em và về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111). Đây là một phần hoạt động của dự án nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em tại Việt Nam thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin giữa Microsoft Việt Nam và Childfund tại Việt Nam. 

QUỲNH HOA; ảnh: KIỀU TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top