Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Giải “bài toán” môi trường với Sáng kiến thủ lĩnh

Thứ Sáu 17/07/2020 | 11:35 GMT+7

VHO- Chương trình Sáng kiến thủ lĩnh khí hậu Việt Nam (viết tắt VCLI) đang bước qua giai đoạn 3 với tên gọi “Ươm tạo”. VCLI đã lựa chọn 5 ý tưởng xuất sắc nhất từ các ý tưởng của 45 bạn trẻ tham gia xây dựng dự án để triển khai tại các địa phương. 


Các chuyên gia tập huấn kiến thức cho các bạn trẻ tại chương trình 

 VCLI do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) thực hiện với sự đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF và Saigon Innovation Hub (SIHUB), dành cho công dân Việt Nam có độ tuổi từ 16 - 24. Các bạn trẻ đã có quá trình thực địa, quan sát hiện trạng và tiếp xúc trực tiếp với địa phương đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu vực ĐBSCL. 
Hỗ trợ 1.000 USD/dự án môi trường để triển khai tại địa phương  
VCLI gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 “Nền tảng” với 50 bạn trẻ tham gia trau dồi kiến thức cơ bản về BĐKH và giới thiệu các hoạt động truyền thông bảo vệ khí hậu Việt Nam, các kỹ năng xây dựng hoạt động hiệu quả như làm việc nhóm, lãnh đạo, đàm phán, thương thảo với nhiều đối tượng khác nhau, trong thời gian từ ngày 14 - 17.12.2019, tại TP Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giai đoạn 2 “Phát triển” diễn ra tại TP.HCM từ ngày 28-31.5.2020, với mục tiêu tập huấn chuyên sâu cho các thủ lĩnh môi trường từ các tỉnh, thành, nhằm cung cấp kiến thức về BĐKH và các kỹ năng cần thiết để xây dựng một dự án môi trường - khí hậu hiệu quả và phù hợp với địa phương. Giai đoạn 3 “Ươm tạo” với thời lượng dự kiến 3 tháng. 5 nhóm được chọn sẽ nhận chi phí tài trợ, người hỗ trợ chuyên sâu cùng 6 buổi “training” nhằm nhìn lại kế hoạch để chỉnh sửa sao cho phù hợp nhất với tình trạng thực tế. 
Trong các chương trình tập huấn, với sự chia sẻ và hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ tập huấn viên, cố vấn và hỗ trợ viên, các bạn trẻ đã có cơ hội thảo luận, học tập những kiến thức chuyên sâu về BĐKH và phương pháp tư duy thiết kế cũng như được trang bị kỹ năng cần thiết nhằm xây dựng một chiến dịch môi trường hiệu quả. Các bạn cũng đã áp dụng những kiến thức học được để chỉnh sửa và hoàn thiện kế hoạch chi tiết dự án của mình. Đó là các dự án hướng đến giải quyết “bài toán” ứng phó với BĐKH, sau khi họ được tiến hành thực địa, quan sát hiện trạng và tiếp xúc trực tiếp với địa phương đang bị ảnh hưởng bởi BĐKH ở khu vực ĐBSCL. Sau đó, các nhóm thủ lĩnh thuyết trình ý tưởng và kế hoạch trước Ban giám khảo, gồm bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư Thiên thần Việt Nam; ông Trần Công Bình, chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF; bà Châu Ngọc Cẩm Vân, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và bà Hoàng Thị Minh Hồng, học giả Obama, Sáng lập và Điều hành CHANGE. 5 ý tưởng xuất sắc nhất đã được chọn để bước vào giai đoạn 3 “Ươm tạo” và nhận hỗ trợ 1.000 USD mỗi dự án để triển khai tại địa phương. 

 

 Các bạn trẻ đang thảo luận về dự án 

Xây dựng mạng lưới các bạn trẻ thực hiện dự án ngay tại cộng đồng 
Đại diện cho một trong 5 dự án được chọn, Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng nhóm Green River, với dự án Giải quyết vấn đề rác thải tại Chợ nổi Cái Răng, hào hứng cho biết: “Đây là một dự án đầy tâm huyết của nhóm nhằm giải quyết vấn đề rác thải tại Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ. Cụ thể, Green River bước đầu xây dựng hệ thống gom rác gồm những thùng rác đa năng đặt trên tàu bè trong khu vực chợ và máy thu rác tự động. Song song với đó, Green River sẽ thực hiện những hoạt động truyền thông khác để nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi. Green River đã tiến hành đưa tàu dọn rác về Cái Răng và thực nghiệm. Trong quá trình tiến hành, nhóm chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng, gây quỹ, nghiên cứu và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững cho tương lai”. Cùng với đó, một nhóm khác là Unity of Diversity với 5 thành viên đã liên kết các cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ và nơi cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở này sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường như bình đựng nước hay ống hút gạo. Nhóm hy vọng dự án sẽ phần nào giải quyết vấn đề rác thải nhựa dùng một lần ở khu vực ĐBSCL… 
“Những năm gần đây, hậu quả của BĐKH ngày càng rõ nét tại Việt Nam, với những hiện tượng thời tiết cực đoan tại mọi miền trong cả nước, những đợt hạn mặn kỷ lục, nước biển dâng gây sạt lở tại nhiều địa phương và cả tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở các thành phố lớn... Tuy việc giải “bài toán” này còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin là các vấn đề khí hậu môi trường vẫn có thể được giải quyết nếu có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. VCLI là một trong những chương trình mục tiêu của CHANGE, vì chúng tôi muốn giúp xây dựng một mạng lưới các bạn trẻ quan tâm, có năng lực và thực hiện các dự án môi trường ngay tại cộng đồng của mình”, bà Hoàng Thị Minh Hồng giải thích lý do tổ chức VCLI và mong muốn, thông qua những kiến thức chuyên sâu được cung cấp tại VCLI, hy vọng các bạn trẻ sẽ nhận thức được sự cấp bách của việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng đồng thời cũng học được những kinh nghiệm cần thiết để xây dựng được những dự án hiệu quả. 
Bước vào giai đoạn 3, CHANGE cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 5 nhóm dự án được tài trợ ươm tạo, tập huấn thêm cho các bạn trẻ những kỹ năng cần thiết khác cho việc thực hiện dự án, như quản lý tài chính, nhân sự, gây quỹ, cách tiếp cận và làm việc với các đối tác địa phương, cách viết báo cáo và tìm kiếm cơ hội mở rộng dự án. Các nhóm sẽ bắt đầu triển khai dự án của mình vào cuối tháng 7.2020 và công bố về kết quả dự án với cộng đồng và báo chí vào tháng 9, kết hợp với việc tìm kiếm các nguồn quỹ mới để tiếp tục mở rộng dự án. 
Theo UNICEF, Việt Nam là quốc gia nằm trong những nước hàng đầu chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH. Mỗi năm, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước, gây thương vong về người cũng như thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn. Từ đầu năm 2020, khu vực ĐBSCL phải chịu một đợt hạn hán kỷ lục trong 100 năm qua. Trong đó, Bến Tre có trên 5.200 ha diện tích lúa bị thiệt hại, khoảng 20.000 ha cây ăn trái, 72.000 ha dừa và hơn 1.000 ha cây giống, hoa cảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng; Long An ước tính diện tích lúa bị ảnh hưởng trong mùa khô khoảng 13.500 ha. Kéo theo đó, điều kiện chất lượng cuộc sống và thu nhập kinh tế của các hộ dân địa phương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

 ANH HUY 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top