Hòa bình luôn là khát vọng của các dân tộc trên thế giới ngày nay

PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH

VHO - Giữa tiếng bom rơi và các loại máy bay tối tân gào rít trên bầu trời ở một số quốc gia, máu của nhân dân ở dải Gaza và ở Trung Đông cùng cuộc xung đột Nga - Ukraina kéo dài hơn 2 năm nay, đã và đang cướp đi hàng triệu người dân vô tội.

Nền hòa bình của nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những người có lương tri trên thế giới, trong đó có Việt Nam luôn theo dõi sát sao và kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để ngồi lại với nhau giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. 

 Là một dân tộc đã trải qua hai cuộc chiến tranh trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chúng ta càng thấy cái giá đắt của hòa bình để có độc lập, tự do và quyền làm người của mỗi người dân lương thiện nhưng đang bị sống trong mịt mù khói súng, thiếu từng mẩu bánh mì, từng chai nước uống, hàng trăm người đang bị kẹt trong các căn nhà đổ nát với tiếng kêu xé lòng… Chúng ta càng thấm thía vì sao ở đoạn cuối cùng trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vĩnh biệt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người gửi lại lời tâm huyết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Điều đó càng giải thích rõ vì sao lý tưởng hòa bình luôn là ý thức chủ đạo của Bác Hồ và Đảng ta. Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thì câu đầu tiên là “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng; Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Khi đế quốc Mỹ tàn sát đồng bào miền Nam, và từ năm 1964 mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nhằm đặt ách nô lệ lên khắp đất nước ta, thì ngày 17.7.1967, trong Lời kêu gọi toàn dân sát cánh chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập, tự do của Tổ quốc, Bác Hồ khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập, tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình” kiểu Mỹ” - một thủ đoạn mang “củ cà rốt và cây gậy” kèm theo, vừa vuốt ve, lừa phỉnh, vừa hăm dọa bằng bom đạn đủ loại để áp đặt dân tộc ấy, theo cái “gậy chỉ huy” của mình. Chúng ta còn nhớ, vào những ngày tháng Chạp năm 1972, Nhà trắng hung hăng tuyên bố “sẽ đưa Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc trở lại “thời kỳ đồ đá”(!) Dự đoán được mưu toan thâm độc từ lâu ấy của kẻ thù, ngày 17.7.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đanh thép tuyên bố: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Khát vọng hòa bình và độc lập, tự do ấy, tự nó đã là sức mạnh vô song cổ vũ cả dân tộc ta tiếp nối khí thế thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7.5.1954, để rồi sau 21 năm ròng rã với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng quyết giành bằng được độc lập, tự do” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, với ý chí đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta đã lần lượt đánh bại chiến lược “pháo đài bay” của Mỹ, buộc đối phương phải ký Hiệp định ở Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào tháng 1.1973. Song, một nửa đất nước vẫn còn quằn quại dưới ách thống trị của Mỹ - ngụy, cả dân tộc lại tiếp tục sát cánh, bền gan chiến đấu để có ngày 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông liền dải. Cần nói thêm rằng, trước khi nổ ra hai cuộc kháng chiến trường kỳ nói trên, chúng ta luôn thể hiện ý thức đàm phán với đối phương để tìm cách kiến tạo hòa bình, tránh đổ máu xương từ hai phía. Trong Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp ngày 7.12.1946 cũng như lời phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa II ngày 8.5.1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân ta đã thể hiện khát vọng hòa bình đó, song kẻ thù không hề thay đổi mưu toan thống trị Việt Nam, buộc chúng ta phải cầm súng với ý chí: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”! Ngày 30.4.1975 là dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc ta thể hiện sinh động tâm nguyện của Bác Hồ và mọi người Việt Nam yêu nước là giành bằng được hòa bình, độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là nền tảng để chúng ta tiến hành đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986, để “chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hôm nay” - đúng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định. Về đối nội cũng như đối ngoại, chúng ta kiên trì thực hiện phương châm “khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai”, “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, trong đó có 12 nước là đối tác hợp tác toàn diện hoặc là đối tác chiến lược toàn diện. Sức mạnh của đường lối hòa bình, hợp tác và phát triển cùng có lợi cho cả hai phía đã và đang là cực nam châm có sức hút lớn các quốc gia có thiện chí hợp tác và làm ăn với Việt Nam. Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng mấy năm qua các lực lượng quân đội, công an Việt Nam đã lần lượt cử nhiều đoàn quân thiện nguyện đến nhiều nước ở châu Phi, Tây Á đang có chiến tranh hoặc bị thiên tai dữ dằn để tham gia cứu chữa bệnh nhân và hỗ trợ lương thực, thuốc men… Đó cũng là việc làm nhân đạo rất thiết thực, góp sức trực tiếp hoặc gián tiếp vào sự nghiệp lập lại hòa bình trên hành tinh này. Với tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, nhưng chúng ta vẫn có cơ sở tin rằng, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong thời đại ngày nay

Tháng 4.2024 

Ý kiến bạn đọc