Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Họp báo công tác VHTTDL quý III/2018:  Bảo vệ, phát huy giá trị di sản đạt nhiều kết quả

Thứ Tư 17/10/2018 | 09:53 GMT+7

VHO- Trả lời về một trong những nội dung trọng tâm được báo giới quan tâm trong công tác VHTTDL quý III/2018 là thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình cho biết: Ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố chính thức, Bộ đã khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai kết luận này. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ triển khai chặt chẽ, nghiêm túc trong những ngày tới đây.

 Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, di sản văn hóa Việt Nam đang từng bước phát huy trong đời sống đương đại. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững (27.7.2018)  Ảnh: TRẦN HUẤN

 Nhiều nội dung quan trọng khác đã được Bộ VHTTDL thông tin và giải đáp tới báo chí trong cuộc họp báo diễn ra chiều qua 16.10, tại Hà Nội.

Kịp thời xử lý bất cập

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, trong quý III/2018, công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước là một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện. Bộ đã trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định; Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 7 Thông tư. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VHTTDL được triển khai chủ động, kịp thời xử lý những bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương tới địa phương. Thành lập 22 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 179 lượt tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động: Di sản văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và hoạt động quảng cáo, kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng được triển khai tích cực.

Một trong những điểm nhấn trong những tháng qua là công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tổ chức thành công Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng “Đề án đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”; Xây dựng hồ sơ “Tranh dân gian Đông Hồ” tỉnh Bắc Ninh và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tỉnh Ninh Thuận trình UNESCO xem xét, ghi danh. Đến nay, đã ban hành quyết định xếp hạng 11 di tích quốc gia; cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại 20 địa điểm và quyết định đưa 29 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, triển lãm thông tin cổ động từ Trung ương đến cơ sở phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục được đẩy mạnh, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Cũng trong quý III, Bộ VHTTDL đã tích cực chuẩn bị tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V; đã tổ chức thành công các hoạt động giao lưu hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực điện ảnh. Thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 12 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 64 phim truyện nước ngoài, 11 phim tài liệu kỹ thuật số và 20 phim ngắn; cấp 8 giấy phép đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim, nâng tổng số hãng phim được cấp giấy phép là 486 hãng.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL chủ trì buổi họp báo

“Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm. Xây dựng Quy chế Giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; nhiều triển lãm chuyên đề ấn tượng với công chúng như Ảnh Nude nghệ thuật, Triển lãm Tư liệu linh vật Nghê... là những kết quả nổi bật trong công tác VHTTDL thời gian qua”, ông Bình cho biết thêm.

Lĩnh vực TDTT, du lịch trong quý III cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý là con số tổng thu từ khách du lịch đạt 451.200 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành được tăng cường. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước...

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Trước những thông tin về việc TP Hồ Chí Minh thông qua Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vừa qua, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình cho biết, quan điểm của Bộ VHTTDL là luôn mong muốn có thêm các thiết chế văn hóa xứng tầm, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Bộ đã chỉ đạo Cục NTBD trao đổi với Sở VH&TT TP.HCM để thêm thông tin cụ thể hơn về dự án này.

Trả lời về một trong những nội dung trọng tâm được báo giới quan tâm trong công tác VHTTDL quý III/2018 là thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ có công bố chính thức, Bộ VHTTDL đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai kết luận này. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ triển khai chặt chẽ, nghiêm túc trong những ngày tới đây. “Công tác triển khai kết luận thanh tra sẽ được triển khai chặt chẽ, theo đúng các quy định pháp luật hiện hành...”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.

 Các phóng viên tham dự họp báo

Liên quan đến nội dung được quan tâm là quy định tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL vừa được Chính phủ ban hành, với một trong những điều kiện mới được bổ sung là chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là phải có trình độ đại học chuyên ngành, theo ông Trần Đình Thành (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa), Nghị định 142 bên cạnh quy định người kinh doanh cổ vật có bằng Đại học chuyên ngành còn có quy định “mở” là: “hoặc người đó là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật”. Do vậy, cần có cách hiểu đúng đối với quy định cụ thể tại điều khoản này.

Liên quan đến việc xây dựng Tổ hợp thể thao Hàng Đẫy để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình cho biết, đây là phương án cần thiết. Cũng theo Người phát ngôn của Bộ, sau khi được Chính phủ giao phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức sự kiện SEA Games 31, Bộ VHTTDL đã nỗ lực cho công tác chuẩn bị. Quan điểm trước hết là sẽ tận dụng các thiết chế thể thao có sẵn trên địa bàn TP Hà Nội và các khu vực lân cận để tiết kiệm nguồn ngân sách. “Về cơ bản là sẽ cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu thể thao, ngoại trừ những công trình bắt buộc phải đầu tư mới. Về kinh phí để tổ chức, sẽ tận dụng tối đa từ nguồn xã hội hóa...”, theo ông Nguyễn Thái Bình.

  Trước những thông tin về việc TP. Hồ Chí Minh thông qua Dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vừa qua, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình cho biết, quan điểm của Bộ VHTTDL là luôn mong muốn có thêm các thiết chế văn hóa xứng tầm, nâng cao chất lượng hoạt động của ngành. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thuộc thẩm quyền của TP.HCM. Bộ đã chỉ đạo Cục NTBD trao đổi với Sở VH&TT TP.HCM để thêm thông tin cụ thể hơn về dự án này.

 Du lịch Việt Nam chú trọng phát triển về chất

Cùng ngày, chủ trì phần họp báo về tình hình du lịch 9 tháng đầu năm 2018, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, thời gian qua khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng rất cao, đứng top đầu thế giới và nhận được nhiều giải thưởng du lịch danh giá. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, Du lịch Việt Nam cũng phát triển về chất lượng và phát triển bền vững”.

9 tháng đầu năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 11,7 triệu lượt khách quốc tế (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017); khách du lịch nội địa ước đạt 62,1 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 451.200 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục như: công tác quản lý chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng cao về khách quốc tế đến Việt Nam; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch vẫn còn nhiều tồn tại; tình trạng rác thải gây ô nhiễm tại một số điểm du lịch vẫn diễn ra...

Tại họp báo, đại diện TCDL đã thông báo tình hình phát triển chung của Du lịch Việt Nam và trả lời báo giới các câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý điểm đến, những vấn đề xung quanh tour giá rẻ, tổ chức Diễn đàn du lịch ASEAN ATF 2019 và Hội chợ TRAVEX 2019; chất lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; về tour du lịch mạo hiểm...

T.HÀ

 

 

 NGÂN ANH; ảnh: TR.HUẤN

 

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top