Quảng Nam: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật

VH- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có 4 cán bộ gồm người đứng đầu ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo một số đơn vị vừa bị kỷ luật liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh ( huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Trong đó có cán bộ chủ chốt bị cách chức.

Quảng Nam: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật - Anh 1

Quảng Nam: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật - Anh 2

Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh

Theo đó, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam- bị kỷ luật với hình thức khiển trách cả về Đảng và chính quyền. Lý do là vì chưa phát huy vai trò trách nhiệm, quản lý của lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc và chưa đề ra biện pháp cụ thể về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá, gây dư luận không tốt.

Ông Bùi Văn Tưởng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam- bị kỷ luật khiển trách cả về Đảng và chính quyền vì chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chưa phát huy tốt trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chưa tốt trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Huỳnh Ngọc Tân - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam phụ trách địa bàn huyện Tiên Phước- bị kỷ luật cách chức Chi ủy viên chi bộ Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, cách chức Hạt phó vì không thực hiện tốt vai trò trách nhiệm cấp ủy, còn chủ quan, không phát huy tốt trách nhiệm trong lãnh đạo quản lý, đề ra biện pháp để ngăn chặn triệt để các vụ việc phá rừng trái phép trên địa bàn huyện Tiên Phước nói chung và xã Tiên Lãnh nói riêng.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Tiên Lãnh và Tiên Hiệp ( huyện Tiên Phước)- bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng và chính quyền vì không phát huy hết trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ rừng tự nhiên tại xã Tiên Lãnh, tham mưu xử lý các vụ việc phá rừng trái phép chưa đến nơi đến chốn…

Được biết, từ nhiều năm qua, dư luận và các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh về tình trạng hàng trăm ha rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị chặt phá nghiêm trọng, đốt trụi để lấy đất trồng keo. Nhiều khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn Tiên Lãnh bị xâm hại nặng nề như: khu vực suối Nà Cau (tiểu khu 556), dốc Giằng Mặt (tiểu khu 557), Hòn Thông (tiểu khu 552), hố Chò Bà Lang (tiểu khu 553),…Vào khoảng tháng 8/2017, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng tại tiểu khu 556, 557 thuộc chức năng rừng phòng hộ với hàng trăm ha rừng bị tàn phá nặng nề, nhiều cây gỗ to bị đốt hạ, đốt cháy đen.  

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc điều tra, xử lý vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng tại Tiên Lãnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hai lần yêu cầu tỉnh Quảng Nam khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến các vụ vi phạm phá rừng ở đây. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam –đã trực tiếp tiếp cận hiện trường, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Quảng Nam, xã Tiên Lãnh có hơn 7.000ha rừng tự nhiên, trong đó rừng phòng hộ là hơn 2.500ha. Từ năm 2010-2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện, lập biên bản 54 vụ phá rừng phòng hộ để lấy đất sản xuất tại xã Tiên Lãnh với 124 hecta rừng bị tàn phá.

Quảng Nam: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật - Anh 3

Quảng Nam: Để xảy ra phá rừng phòng hộ, nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật - Anh 4

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- tiếp cận hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh

Riêng trong năm 2017 đã phát hiện, lập biên bản 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ, gây thiệt hại 24,790ha rừng (thuộc các tiểu khu 556, 557), trong đó có 21,996 ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý (BQL) trồng rừng huyện Tiên Phước làm chủ dự án.

Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này, Ban thường vụ Huyện ủy Tiên Phước cũng đã quyết định kỷ luật đối với tập thể Đảng ủy xã Tiên Lãnh và các cá nhân có sai phạm do buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Xử lý kỷ luật Đảng với hình thức cảnh cáo ông Lê Minh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã; cách chức vụ Đảng cơ sở ông Võ Hồng Nhiệm - Phó Bí thư Đảng ủy xã; khai trừ Đảng ông Võ Tấn Sỹ - cán bộ địa chính xã.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Phước cũng đã khởi tố một vụ án phá rừng ở tiểu khu 556 trong tổng thể vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, khởi tố bị can và tạm giam ông Phùng Văn Bảy ( SN 1978, trú thôn 9, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước)- người trực tiếp phá rừng ở tiểu khu 556- để mở rộng điều tra.

Theo điều tra, khoảng cuối tháng 3.2017, ông Phùng Văn Bảy phát hiện rừng ở khu vực Dội Lớn suối Nà Cau (thuộc khoảnh 5, khoảnh 6 tiểu khu 556) chưa bị ai khai thác nên nảy ý định dựng lán trại, phát cây rừng, sau đó đốt cháy diện tích rừng đã chặt phá để khai hoang trồng keo. Ngày 15.8, khi một nhóm nhân công được vợ chồng Bảy thuê đang trỉa dặm hạt keo trên diện tích đất đã khai hoang thì bị  lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án hình sự "Hủy hoại rừng" tại khoảnh 5, 6 tiểu khu 556 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Phước truy tố 2 bị can Phùng Văn Bảy và Nguyễn Thị Việt (vợ Bảy) về tội “Hủy hoại rừng” được quy định tại Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự.

Qua điều tra đã xác định tổng diện tích rừng bị hủy hoại tại khoảnh 5, khoảnh 6 tiểu khu 556 là 167.188m2, tổng trữ lượng gỗ (cây đứng) bị thiệt hại 1.124,646m3, tổng trữ lượng gỗ thương phẩm 674,788m3. Trong đó, diện tích rừng mà vợ chồng Phùng Văn Bảy đã hủy hoại là 36.367,5m2, trữ lượng gỗ bị thiệt hại 275,883m3, trữ lượng gỗ thương phẩm 165,530m3, có giá trị thiệt hại thành tiền 82,549 triệu đồng, giá trị về môi trường 330,196 triệu đồng; có 30.040m2 rừng đã trồng 7.951 cây keo con, có giá trị 23,853 triệu đồng.

Riêng nhóm người được vợ chồng Bảy thuê không tham gia vào quá trình hủy hoại rừng của vợ chồng ông Bảy nên công an không xử lý.

Cơ quan CSĐT xác định diện tích rừng mà Phùng Văn Bảy chặt phá là rừng phòng hộ đã được BQL trồng rừng huyện Tiên Phước hợp đồng giao khoán cho 14 hộ dân tại Tiên Lãnh quản lý và bảo vệ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kiểm lâm địa bàn cũng như BQL và các hộ dân đã không kịp thời phát hiện rừng bị hủy hoại; đến khi phát hiện đã không có các biện pháp ngăn chặn nên phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả.

         K. Chi- T.Hoài

Ý kiến bạn đọc