Quảng Nam: Kiểm lâm phải ký cam kết không tiếp tay với lâm tặc

VH- Sau hàng loạt vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn, ngày 6.4, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã kí văn bản gửi ngành chức năng và Chủ tịch UBND các huyện miền núi về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đặc biệt yêu cầu lực lượng kiểm lâm phải ký cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc. Đồng thời lập đoàn kiểm tra các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ để làm rõ có mối quan hệ với người thân làm việc trong các cơ quan chính quyền hay không.

Quảng Nam: Kiểm lâm phải ký cam kết không tiếp tay với lâm tặc - Anh 1

Hiện trường vụ phá rừng lim tại Nam Giang

Theo đó, yêu cầu UBND các huyện miền núi kiểm tra, rà soát và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.4.2018 về số lượng, địa điểm, tình trạng pháp lý và chủ các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ hoạt động trên địa bàn. Phải thống kê cụ thể những cơ sở hoạt động không đúng quy định. Nêu rõ nguyên nhân tồn tại của các cơ sở vi phạm và phải dừng hoạt động, di dời đến vị trí đúng quy định trước ngày 30.6.2018. Đồng thời yêu cầu chủ các cơ sở này ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ chấp thuận thu hồi giấy phép hoạt động vô điều kiện. Chủ tịch UBND huyện không cấp mới hoặc đề nghị cấp mới các cơ cở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn.

Sở NN&PTNT sẽ chủ trì tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác kiểm tra thực trạng các xưởng cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh trước ngày 14.4.2018 để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định điều kiện và tổ chức hoạt động của các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

          Ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lập Bản cam kết và trước ngày 20.4.2018 phải hoàn thành việc tổ chức cho tất cả cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; không mua bán, sử dụng các vật dụng lâm sản không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm cam kết sẽ tự nguyện chấp nhận xử lý kỷ luật ở khung hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị các cán bộ công chức, viên chức trong ngành đăng ký nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành hoặc xin chuyển sang công tác khác phù hợp nếu xét thấy không đủ năng lực, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

          Đề nghị Công an tỉnh trực tiếp lãnh đạo lập chuyên án điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán lâm sản trái phép, đặc biệt là các “đầu nậu” tại các địa phương miền núi. Khẩn trương hoàn thành hồ sơ, khởi tố các vụ án phá rừng, hủy hoại rừng, khởi tố bị can, kết thúc điều tra và đề nghị truy tố ở mức độ có tính răn đe cao, phù hợp với qui định của pháp luật.

Đề nghị UBMTTQVN các huyện miền núi phát động phong trào “Toàn dân tham gia tố giác các hành vi phá rừng, bao che, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng và nói không với việc tàng trữ lâm sản trái phép”.

Như Văn Hóa đã đưa tin, thời gian qua tỉnh Quảng Nam liên tiếp phát hiện và xử lý 3 vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn hai huyện Đông Giang và Nam Giang; trong đó có một vụ phá rừng lim ở tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335 (xã Chà Val, huyện Nam Giang) với khối lượng gỗ quý lên đến trên 235m3 nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa tìm ra đối tượng. Tại cuộc họp với các ngành chức năng sau khi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ ở huyện Đông Giang, ông Lê Trí Thanh đã công bố địa chỉ email cá nhân của ông thanhquangnam70@gmail.com nhằm kêu gọi báo chí, người dân, tổ chức tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Thanh cho biết sau khi công bố địa chỉ email cá nhân của mình, ông đã nhận được 9 email của các cá nhân, tập thể trong việc tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó có email tố giác nhưng việc tố giác không cụ thể một vụ phá rừng hay một cá nhân, tổ chức phá rừng nào mà nói về việc công tác cán bộ, quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, các ý kiến đóng góp trong công tác bảo vệ rừng rất hay. Dự kiến, vào đầu tuần tới tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá, tổ chức lại công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như trong công tác cán bộ của bộ máy bảo vệ rừng. Qua đó, giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn.

Cũng liên quan đến các vụ phá rừng tại lâm phận Rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và Rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang), mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã tiến hành kiểm điểm và quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 15 ngày đối với 6 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn để làm rõ trách nhiệm khi để xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn.

Khánh Chi

 

Ý kiến bạn đọc