Đưa cồng chiêng đến với buôn làng

VH- Hiện nay, rất nhiều thôn, buôn người đồng bào dân tộc Bana, H’re, Chăm H’roi không còn lưu giữ được các bộ cồng chiêng nên vào các dịp lễ hội các già làng phải lặn lội đến các làng khác để mượn chiêng. Đó là một thực tế đáng buồn, việc tổ chức lễ hội không chỉ khó khăn mà còn trở nên nhạt nhẽo. Công tác bảo tồn cồng chiêng truyền thống tại các buôn làng ở Bình Định là một thách thức lớn.

Đưa cồng chiêng đến với buôn làng - Anh 1

 Đồng bào Bana biểu diễn cồng chiêng

 Chúng tôi đến nhiều buôn làng, thôn buôn các xã vùng cao Bình Định chứng kiến các già làng lặn lội đi mượn chiêng để tổ chức lễ hội là một thực tế. Nguyên nhân là do nhiều năm qua người dân các thôn, buôn đem bán hết cồng chiêng để mưu sinh, phần thì lưu lạc, thất lạc hư hỏng nên cồng chiêng mất dần và thiếu. Cứ vào dịp lễ hội, mọi người lại phải đi đến thôn buôn bên cạnh mượn thêm cồng chiêng để đánh trong dịp lễ.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, địa phương được xem là nơi gìn giữ văn hóa cồng chiêng khá tốt, sốlượng bộcồng chiêng cũng còn rất ít. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh cho biết: “Giờ đây Vĩnh Thạnh thiếu nhiều cồng chiêng lắm, phần vì hư hỏng mà không có nghệ nhân biết chỉnh sửa, phần vì trộm cắp, sang nhượng, mua bán cho nên cũng khó để vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa”.

Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Đinh Kim, một người tâm huyết với văn hóa cồng chiêng (tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) thổ lộ: “Đa số bọn con trai, con gái của làng tôi rất thích đánh cồng chiêng và múa xoang. Chúng nó ham lắm, nhất là những buổi biểu diễn cho mọi người xem. Nhưng mà muốn duy trì thì phải có cồng chiêng mới luyện tập thường xuyên được, nhưng cồng chiêng mai một mất hết, muốn đam mê cũng rất khó khăn”.

Còn tại huyện Vân Canh, số lượng cồng chiêng còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trao đổi với P.V, nghệ nhân Lê Văn Ru, ngụ tại làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, Bình Định khẳng định: “Hiện nay ở địa phương chỉ có vài làng còn cồng chiêng, nhưng cũng không đủ bộ, mỗi khi làng nào tổ chức lễ hội thì phải đi mượn từ nhiều làng khác gộp lại. Cũng chính vì phải gom góp cho đủ bộ để đánh tạm nên tiếng cồng chiêng lạc nhịp và không còn giữ được cái hồn, văn hóa cồng chiêng cứ thế mất dần, mòn dần trong đời sống người dân”.

“Làng nào cũng muốn có một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh, nhưng vì kinh phílớn mà dân làng thì còn nghèo, đành phải bóp bụng, rồi cam chịu đi mượn. Mà mượn chiêng có dễ đâu, lúc được lúc không. Lễ hội mà không có tiếng cồng chiêng thì nhạt nhẽo lắm”, già làng Ru thổ lộ.

Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, UBND tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, bảo tồn cồng chiêng tại các lễ hội. Trong đó, giao Sở Văn hóa – Thể thao phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, các Sở ngành liên quan triển khai chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện chương trình này, Sở VH-TT phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã khảo sát thực tế từng địa phương vùng đồng bào DTTS nhằm nắm tình hình cụ thể về số lượng cồng chiêng.

Ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: “Bình Định là địa phương có rất nhiều dân tộc anh em. Trong đó, dân tộc Bana, H’re, Chăm H’roi sống ở các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân có văn hóa đa dạng, cồng chiêng là nét văn hóa nổi bật nhưng do thời gian, lịch sử, việc gìn giữ cồng chiêng đã bị mai một, một số buôn, thôn cồng chiêng bị thất lạc và thiếu hụt”.

Theo ông Lại, Ban Dân tộc tỉnh đang khảo sát các địa phương để nắm được số lượng bộ cồng chiêng bị thất lạc, thiếu hụt cần hỗ trợ. Tiếp theo, tìm người sản xuất và thực hiện nghiệm thu bộ mẫu tại địa phương để người dân, đặc biệt là các già làng, người có uy tín góp ý trực tiếp vào sản phẩm văn hóa mà đồng bào họ sẽ sử dụng. Để cónhững bộcồng chiêng chuẩn, phùhợp với sinh hoạt văn hóa của đồng bào, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định phối hợp Sở VH-TT, các đơn vị có liên quan khảo sát nhiều cơ sở sản xuất cồng chiêng ở một số tỉnh còn giữ được nghề sản xuất cồng chiêng như Gia Lai, Quảng Nam đểtìm nhàsản xuất tốt nhất.

Theo khảo sát ban đầu, dự kiến sẽ sản xuất 119 bộ cồng chiêng và sẽ được trao cho 119 làng, thôn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Bình Định với tổng kinh phíđầu tư gần 4,5 tỉđồng.

“Cuối năm 2018, sẽ trao trước số bộ cồng chiêng với nguồn kinh phí2,7 tỉđồng do UBND tỉnh đã cấp, số cồng chiêng còn lại sẽ được cấp trong năm 2019. Đợt 1, chúng tôi cấp đều cho các địa phương của 6 huyện và linh hoạt cấp trước cho những địa phương thiếu và có bộ cồng chiêng cũ, hư hỏng quá nặng. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục trao cồng chiêng cho tất cả các làng”, ông Lại cho hay.

 XUÂN HƯỚNG

 

Ý kiến bạn đọc