“Chới với” tấm vé bay, ai chịu trách nhiệm?

THẾ TUẤN

VHO - Trước tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, Bộ GTVT đã lập đoàn kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá vé máy bay. Thời gian tiến hành kiểm tra là 3 ngày (từ ngày 7.5 đến 9.5).

 “Chới với” tấm vé bay, ai chịu trách nhiệm? - ảnh 1

 Vì giá vé máy bay đắt đỏ, nhiều du khách đã chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển

 Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không; báo cáo kết quả trước ngày 10.5.2024.

Lý giải từ phía Cục Hàng không Việt Nam

Thời gian qua, dư luận bức xúc tình trạng giá vé máy bay tăng cao. Vấn đề còn nóng hơn khi Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng từ 11% đến 49,6%. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, mức giá vé trung bình hiện vẫn chỉ ở mức từ 38,1% đến 77,6% so với mức giá tối đa theo quy định.

Lý giải nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao, Cục Hàng không cho biết đây là xu hướng chung trên thế giới với các nguyên nhân chính, gồm: Giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỉ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội máy bay khai thác, việc tiếp nhận các máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng...

Nếu tính đến ngày 2.5.2024, tổng số máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 máy bay so với năm 2023, trong đó số lượng máy bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 máy bay, giảm khoảng 40-45 máy bay so với bình quân máy bay khai thác trong năm 2023. Ngoài ra, kế hoạch nhận máy bay của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ máy bay nào. Vietnam Airlines sẽ chỉ nhận thêm 2 máy bay B787 vào tháng 6 và tháng 7. Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay, nên hiện Pacific Airlines không khai thác máy bay nào (giảm 10 máy bay so năm 2023) và Bamboo Airways chỉ khai thác 5 máy bay (giảm 25 máy bay so với năm 2023).

Bên cạnh đó, giá thuê động cơ và phụ tùng máy bay tăng cao. Giá thuê động cơ đối với Airbus A321 tăng lên 80-100 ngàn USD/tháng (năm 2019 là 48-50 ngàn USD/tháng); giá thuê máy bay Boeing B-787 tăng lên 370 ngàn USD/tháng (năm 2022 là 160 ngàn USD/tháng). Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019. Riêng về giá nhiên liệu, theo tính toán của Cục Hàng không, so sánh với năm 2019, giá nhiên liệu quý I.2024 tăng 28 USD/ thùng, tương đương 38,2%; làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỉ đồng. Tỉ giá bình quân trong quý II.2024 dự kiến tăng chi phí mỗi chuyến bay 23 triệu đồng.

Giá vé bay “cõng” thuế phí

Một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế phí hiện nay. Nhưng không phải ai cũng biết điều đó.

Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu 16 loại phí do Nhà nước quy định. Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá. Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không (tổng cộng là 20 khoản thuế phí trực tiếp và gián tiếp). Như vậy có thể thấy, chi phí “phụ” được tính dồn vào vé máy bay rất lớn. Để giảm giá vé bay, trước hết phải giảm các chi phí đó. Cũng cần biết rằng, năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép ACV giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa, nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Bộ Tài chính, hầu hết các khoản phí cấu thành trong giá vé máy bay là “giá dịch vụ chuyên ngành hàng không” theo quy định của Bộ GTVT. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành thì Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.

Trên thực tế, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 34 ngày 30.11.2023 (có hiệu lực từ ngày 1.3.2024) về khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa. Từ đó, đại diện Bộ Tài chính khẳng định việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cũng cho biết, việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua do phải gánh quá nhiều thuế phí. Các khoản phí là “giá dịch vụ” chuyên ngành theo quy định của Bộ GTVT, không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Đâu là giải pháp?

Việc người dân “chới với” vì giá vé máy bay quá đắt đỏ không phải bây giờ mới diễn ra. Hồi tháng 3.2024, phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Tài chính tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tăng giá vé máy bay nhưng các hãng bay vẫn lỗ là điều rất khó hiểu.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề nghị cho biết vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao và giải pháp nào để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại và kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới. Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), đây là việc của Bộ GTVT quản lý nhưng với chức năng quản lý chung, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính cân nhắc và có ý kiến thêm nội dung này. Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng việc giá vé máy bay tăng cao không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu. “Câu chuyện đặt ra là phải xác định được đầu vào, đầu ra, các chi phí. Vậy chúng ta đã tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch hay chưa”, đại biểu An đặt vấn đề.

Cũng về vấn đề giá vé máy bay, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM), trong bối cảnh khó khăn chung thì doanh nghiệp càng cần sẻ chia khó khăn để giảm bớt gánh nặng cho người dân đi máy bay. “Vé máy bay cao khách du lịch giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung”, ông Tống nhấn mạnh. Còn về giải pháp, ông Tống cho rằng thay vì phân ra quá nhiều loại phí thì chỉ cần quy thành 2 loại: Phí theo chuyến bay (gồm phí cất hạ cánh tại sân bay) và phí phục vụ hành khách tại sân bay.

“Ngoài ra, cần loại bỏ phí vào sân bay. Hiện nay, trên thế giới không có nước nào thu phí vào sân bay. Các sân bay trên thế giới chỉ thu phí đỗ ở sân bay. Do đó, Việt Nam cần có quy định khi vào sân bay bao lâu sẽ không mất phí để giảm gánh nặng cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc