Báo động tai nạn lao động:

Lỗ hổng lớn trong quy trình sản xuất an toàn

NGUYÊN KHANG

VHO - Hôm nay 26.4, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng công nhân năm 2024. Đáng nói, trước thềm sự kiện này là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương.

 Lỗ hổng lớn trong quy trình sản xuất an toàn - ảnh 1

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ NLĐ trong vụ tai nạn ở Yên Bái Ảnh: N.CHINH

 May mắn sống sót sau vụ tai nạn, anh Nông Văn Tuân (29 tuổi, trú tại xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn chưa hết bàng hoàng và bị chấn động tâm lý sau vụ tai nạn.

Anh Tuân chia sẻ, nhóm đã tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền được 15 ngày. Đầu giờ chiều ngày 22.4, các anh tiếp tục thực hiện công việc. Ba công nhân sửa chữa bên ngoài máy nghiền; 7 công nhân vào bên trong máy nghiền (hình trụ dài 7m, cao 5m) để thay các tấm lát bị mòn. Công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần sự phối hợp giữa người bên ngoài với bên trong để bắt vít cố định tấm lát. Theo quy định, có bộ phận thông báo bằng bộ đàm về trung tâm điều khiển để ngắt nguồn điện cấp cho máy nghiền. Khi có hiệu lệnh xác nhận, nhóm công nhân mới bắt tay vào bảo dưỡng, sửa chữa.

Nhưng hôm đó không như thường lệ, máy nghiền số 3 đang dừng hoạt động để sửa chữa thì bất ngờ chạy. Ba người sửa chữa bên ngoài bị hất văng xuống đất. Hàng nghìn viên bi sắt bên trong văng tung tóe ra ngoài, bụi xi măng bay mù mịt. 7 công nhân ở bên trong máy nghiền trở tay không kịp, sau đó đã tử vong. Thời gian diễn ra nhanh đến nỗi anh Tuân chỉ kịp nhìn thấy anh Long và anh Dương nằm bất động trên mặt đất còn máy nghiền thì vẫn đang quay. Anh chỉ kịp hô to kêu cứu. Sau đó, anh cố dùng sức của mình lết về trung tâm điều khiển, tìm công tắc nhằm ngắt nguồn máy nghiền. Tuy nhiên, phải mất 30 phút, sau khi lần mò tất cả các công tắc, anh mới tắt nguồn được.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Yên Bái đã vào cuộc, khởi tố và bắt tạm giam bị can, khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1980, trú tại tổ 8, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái), là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng, bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”, quy định tại Khoản 3 Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Lỗ hổng lớn trong quy trình sản xuất an toàn - ảnh 2

Nhà máy xi măng Yên Bái, nơi vừa xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng

Trước đó cũng xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động khác tại nhiều địa phương như vụ tai nạn ngày 15.4 tại công trình cao 7 tầng, rộng 148m2 (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được chủ đầu tư tự thuê thợ vào sửa chữa mái kính khu vực giếng trời. Sau đó, phần kính bị vỡ, nhóm công nhân bị rơi xuống khiến 2 người tử vong và 2 người bị thương. Ngày 9.4 tại Công ty cổ phần Giấy Hưng Lợi xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 công nhân dọn dẹp vệ sinh khu nhà xưởng thương vong (1 người tử vong). Nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do nổ hố ga. Công ty cổ phần Giấy Hưng Lợi đã bị xử phạt 320 triệu đồng do không có giấy phép môi trường theo quy định. Cơ quan chức năng yêu cầu đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường trong thời gian 4,5 tháng từ tháng 1.2024. Trong quá trình tạm dừng này thì tai nạn xảy ra…

Nói riêng về vụ tai nạn tại Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái, PGS.TS Nguyễn Đức Ngọc, Phó Trưởng khoa Cơ khí, Trưởng bộ môn Kỹ thuật ô tô, Đại học Thủy Lợi cho biết, mặc dù mỗi nhà máy có quy trình vận hành máy móc khác nhau nhưng đều có nguyên tắc chung là khi thực hiện bảo trì dây chuyền bắt buộc phải ngắt toàn bộ điện của các loại máy trong chuyền, không chỉ riêng máy nghiền. Trước khi vào trong máy nghiền để thao tác, phải đảm bảo rằng tất cả các máy móc trong dây chuyền đều đã tắt nguồn hoàn toàn. Người lao động (NLĐ) cũng cần chắc chắn đã ngắt nguồn điện, đảm bảo máy không thể quay được. Đồng thời, máy nghiền cần được xả hết nguyên vật liệu, bi ra ngoài. “Đơn vị phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, xác định tổng thể dây chuyền an toàn mới được vào bên trong các bộ phận cần sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng. Đặc biệt, mỗi cá nhân phải luôn cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi lao động”, PGS Nguyễn Đức Ngọc nói.

Theo lời công nhân Nông Văn Tuân, dù không phải chức năng nhiệm vụ nhưng vì sinh mạng của 7 người trong máy nghiền nên anh đã lết cái chân đau về khu vực điều khiển để cố gắng tắt nguồn điện. Nhưng vì không biết nên phải trải qua 30 phút anh mới bấm được nút dừng máy nghiền. Nếu sự việc diễn ra đúng như vậy cho thấy lỗ hổng lớn về quy trình sản xuất an toàn tại Công ty. Một nguồn tin không chính thức cho biết, thời điểm đó, người trực bộ phận điều khiển vắng mặt nên nhờ bị can Trần Mạnh Hùng, nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng “trực hộ”. Trong vụ việc này, TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã đặt dấu hỏi về công tác huấn luyện ATVSLĐ. Yếu tố lỗi do con người cần được xem xét, từ chủ doanh nghiệp đến đơn vị huấn luyện, NLĐ... “Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân của hàng chục năm trước đây trong ngành sản xuất xi măng cũng như ngành chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng. Sau này, nước ta đã ứng dụng những công nghệ sản xuất rất tiến bộ, đặc biệt là những quy trình, quy định pháp luật về an toàn chặt chẽ; chỉ cần tuân thủ đầy đủ, chắc chắn sẽ phòng ngừa được tai nạn”, TS Nguyễn Anh Thơ cho hay.

Theo ông Thơ, để đảm bảo an toàn, không chỉ doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng phương án khẩn cấp, có cán bộ giám sát an toàn lao động đứng bên cạnh để khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay, mà NLĐ còn phải nắm vững các phương án, có kỹ năng, hiểu quy trình một cách thuần thục. “Một doanh nghiệp hoạt động rất lâu năm, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, các cơ quan chính quyền đánh giá, giám sát cũng phải kiểm soát về mặt hiệu quả hoạt động, ATVSLĐ. Với sự cố nghiêm trọng này, trách nhiệm của doanh nghiệp, các cấp quản lý là rất lớn. Cần xử lý và nghiêm túc rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm phòng ngừa không xảy ra những việc tương tự”, Viện trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ nhận định. 

 Giảm tỉ lệ nhưng số lượng vẫn cao và báo động

Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ,TB&XH), so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng. Tuy nhiên, tính về số lượng vẫn ở mức cao và đáng lo ngại. Cụ thể, năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ và người bị nạn.

Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho rằng, nhiều chủ sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ...

VÕ ÂN

Ý kiến bạn đọc