Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

28 Tháng Ba 2024

Vẫn còn nhiều băn khoăn về việc "trồng" cáp treo

Thứ Hai 15/10/2018 | 11:09 GMT+7

VHO-   UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Không chỉ lo ngại về mật độ xây dựng tập trung trên đỉnh Bạch Mã, nhiều chuyên gia còn băn khoăn về tuyến cáp treo số 2 lên đỉnh núi này.

 

 Vọng Hải Đài ngắm cảnh từ đỉnh Bạch Mã tuyệt đẹp

Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Bạch Mã do đơn vị tư vấn (Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Hoa Kỳ), đưa ra khoảng gần 390 ha, gồm 2 phân khu. Trong đó, khu A được thiết kế thành khu vực trạm cơ sở và hạ tầng giao thông với diện tích hơn 97 ha, bao gồm: tuyến giao thông tiếp cận dự án; trạm cơ sở nhà ga cáp treo và hệ thống tuyến cáp treo từ khu A lên đỉnh Bạch Mã (khu B). Khu B được quy hoạch là khu du lịch sinh thái ở đỉnh Bạch Mã, với diện tích khoảng 290 ha, với các phân khu chức năng gồm: Khu Làng du lịch đỉnh núi, làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, làng du lịch thung lũng thác nước, và khu cảnh quan tự nhiên.

Nếu tiếp tục làm đường sẽ phá vỡ cảnh quan

Với hệ thống cáp treo, đồ án quy hoạch này dự kiến sẽ xây dựng 2 tuyến cáp treo, trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B dài hơn 4 km với 83 cabin, công suất tối đa 1.750 khách/giờ; tuyến số 2 là từ đây xuống khu vực Ngũ Hồ với chiều dài 1,6 km. Cả 2 tuyến cáp treo sẽ chỉ có 34 trụ, khoảng cách giữa các trụ là khá lớn và diện tích mỗi trụ cũng nhỏ chỉ từ 20-30 m2 nên tiết kiệm diện tích quỹ đất. Đại diện của tập đoàn POMA - đơn vị tư vấn về xây dựng cáp treo khẳng định, việc xây dựng cáp treo lên Bạch Mã có lợi thế hấp dẫn khách, an toàn và không tác động đến môi trường xung quanh về tiếng ồn, ô nhiễm khí thải. Trong quá trình thi công sẽ không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Bạch Mã. Công nghệ thi công này cũng đã thực hiện khi xây dựng tuyến cáp treo ở Yên Tử (Quảng Ninh).

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến để phát triển du lịch ở vườn quốc gia Bạch Mã, trong đó có nhiều mối quan tâm đến việc xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh núi này.

 Bản vẽ dự kiến xây dựng 2 tuyến cáp treo lên đỉnh Bạch Mã của đơn vị tư vấn WATG

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đây là khu du lịch sinh thái và độ cao 1.450 mét là rất cao, mà tiếp cận lên bằng đường giao thông thì người Pháp đã làm từ thế kỷ trước. Nếu chúng ta tiếp tục làm đường giao thông theo tuyến đường ấy thì chúng ta phải mở rộng thêm 2-3 làn xe. Nếu như thế thì phá vỡ cảnh quan không gian rất nguy hiểm. “Do đó theo tôi, con đường hiện nay nên cải tạo lại để phát triển một số nhóm du lịch đi theo kiểu mạo hiểm; nhưng cáp treo vẫn là phương án giao thông để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở đỉnh Bạch Mã. Đây là phương án đúng đắn, ít ảnh hưởng đến tất cả những loại cây cối, sinh vật mà khách được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên tốt”, ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, đây là khu nghỉ dưỡng sinh thái đặc biệt nhưng khi nhìn vào bản vẽ quy hoạch thấy phối cảnh xây dựng hơi dày đặc. Không nên xây dựng nhiều căn hộ theo kiểu nghỉ mát mà phải tách ra theo kiểu biệt thự của người Pháp (từng xây dựng trên đỉnh Bạch mã đầu thế kỷ 20). Vấn đề quan trọng là cần phải bảo vệ môi trường sinh thái cho nên phải hạn chế mật độ giao thông, nên phương án cáp treo là phù hợp. Bạch Mã vừa gần với biển và đầm phá nên có lợi thế lớn, nếu quy hoạch và thực hiện dự án tốt thì Bạch Mã chính là một trong 3 khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng miền núi bậc nhất của Việt Nam. Bạch Mã cần phải làm khác với Bà Nà (Đà Nẵng).

 Vườn Quốc gia Bạch Mã, một trong những khu bảo tồn nổi tiếng của Việt Nam

Không nên xây cáp, làm loại hình giao thông khác

Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho rằng cần cân nhắc việc xây dựng tuyến cáp treo số 2, vì khu vực này thường có các đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện. Nếu nâng cấp, cải tạo lại tuyến đường sẵn có và xây dựng tuyến xe điện thì vừa giảm tác động đến môi trường, vừa phục vụ du khách ngắm được đàn voọc cũng như các loài chim muông ở đây.

Cùng ý kiến này, bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn Việt Nam, cũng nhận định rằng không nên làm tuyến cáp treo số 2, mà thay bằng loại hình giao thông khác. Theo bà Ngân, dự án cần phải đưa ra tiêu chí sử dụng đất theo hướng giảm (với tiêu chí thấp nhất); đồng thời giảm quy mô lưu trú, thương mại trên đỉnh núi, thay vào đó tập trung ở trạm cơ sở, khu vực vùng đệm để phân tán các hoạt động. “Cần phân tích rõ liên kết về giao thông, lưu trú giữa Bạch Mã và các điểm du lịch lân cận như biển Lăng Cô, biển Cảnh Dương… để ước lượng được quy mô lượng khách sẽ đến Bạch Mã”, bà Ngân nói.

Theo đồ án của nhà tư vấn, sau khi thực hiện dự án du lịch sinh thái ở Bạch Mã thì sẽ đón khoảng 1,2 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, con số này cũng khiến nhiều chuyên gia “băn khoăn”, lo ngại “sức chứa” lớn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của Bạch Mã.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, đồ án quy hoạch khá hiện đại nhưng có phần xem nhẹ khu A, chỉ tập trung ở khu B; trong khi ở đây (khu A) có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Nếu phát triển ở khu A sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt vì ngoài phạm vi vườn quốc gia Bạch Mã. Còn quy hoạch khu B trên đỉnh Bạch Mã như trên sẽ tạo ra sức chứa quá tải cho vườn quốc gia.

 Bạch Mã được công nhận là vườn quốc gia vào năm 1991, với diện tích ban đầu là 22.030 ha, chủ yếu nằm trên 2 huyện Phú Lộc Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định mở rộng diện tích vườn quốc gia Bạch Mã lên thành 37.487 ha, nằm thêm ở địa bàn huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Đỉnh Bạch Mã có độ cao 1.450 m so với mực nước biển. Vườn quốc gia Bạch Mã có tính đa dạng sinh học cao. Thực vật ở đây gồm 2.147 loài, động vật đã ghi nhận được 1.493 loài, đặc biệt có một số loài thú mới được phát hiện ở Việt Nam như sao la.

 

Thuỳ An

 

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top