Cầu treo ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông- Nghệ An): Đừng để người dân phải bơi qua sông

VHO- Cầu treo Phà Lài bắc qua thượng nguồn sông Giăng thuộc địa bàn xã biên giới Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) nằm trên tuyến đường độc đạo vào 2 bản người Đan Lai đã bị xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp tính mạng người dân.

Cầu treo ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông- Nghệ An): Đừng để người dân phải bơi qua sông - Anh 1

 Thành cầu, lan can bị hư hỏng rất nghiêm trọng

Anh La Văn Tiến, bản Xiềng vừa dẫn chúng tôi đi trên cầu vừa cho biết nên đi chậm khi mặt cầu này đã bị mục, nhiều mảnh ván đã rơi xuống sông để lại những lỗ hổng lớn trên mặt cầu. “Hằng ngày, tôi và bà con trong bản phải đi lại qua cầu này, ai đi qua cầu cũng sợ lắm, nhưng bà con trong bản vẫn phải đi qua cầu vì đây là tuyến đường độc đạo. Mỗi lần di chuyển người dân chỉ sợ trượt chân rơi xuống sông, nên khi đi qua cầu cần phải đi thật chậm để cầu không bị lắc mạnh”, anh Tiến nói.

Cầu treo Phà Lài được đưa vào sử dụng từ năm 2013 là tuyến đường độc đạo vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát và đến hai bản Cò Phạt và Khe Búng. Sau vài năm đưa vào sử dụng, chiếc cầu đã xuống cấp nghiêm trọng và nhiều lần phải sửa chữa. Thực trạng cho thấy, nhiều thanh sắt bảo vệ 2 bên lan can cầu đã bị kẻ gian lấy cắp, gây mất an toàn cho người và phương tiện khi đi qua cầu. Những tấm gỗ dùng để lát mặt cầu nay đã bị mục, nhiều mảnh ván đã rơi xuống sông để lại những lỗ hổng lớn trên mặt cầu. Hàng trăm đinh ốc, vít sắt cố định các tấm gỗ lát mặt cầu đã bị mất chỉ còn trơ lại khung, nhiều nẹp sắt bật lên gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Cầu treo ở xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông- Nghệ An): Đừng để người dân phải bơi qua sông - Anh 2

 Cầu treo xuống cấp

Nói về vấn đề này, ông Lương Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Cầu treo khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay giải quyết việc đi lại cho người dân, tuy nhiên đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng là do ý thức bảo vệ chưa tốt. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp giao cho bản Xiềng quản lý, bảo vệ nhưng trong quá trình quản lý còn buông lỏng, bên cạnh đó một số đối tượng phá hoại gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Do kinh phí của xã hạn hẹp nên kiến nghị cấp trên hỗ trợ xã để tu sửa lại cầu đảm bảo an toàn cho người dân...”.

Mỗi ngày, cây cầu có hàng nghìn lượt người tham gia lưu thông. Chính vì vậy, việc cầu xuống cấp nghiêm trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Hiện cây cầu đang trong tình trạng báo động, đe dọa an toàn tính mạng của người tham gia giao thông nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc