Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tâm nguyện của người Anh hùng

Thứ Hai 27/05/2019 | 10:29 GMT+7

VHO-  17 tuổi vào Trường Sơn, trở thành “Tuấn mã Trường Sơn”, được phong Anh hùng khi mới 23 tuổi, Phan Văn Quý sớm là gương sáng của tuổi trẻ Trường Sơn thời chống Mỹ. Là dân cầm bút may mắn có duyên với bộ đội Trường Sơn, nhiều lần tôi nảy ý định viết điều gì đó về anh. Thay trả lời, anh nói ở Trường Sơn ngày đó có nhiều thủ trưởng và đồng đội của anh không những rạng danh Anh hùng mà còn xứng đáng được dựng tượng đài…

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương (người cầm tờ giấy) cùng Ban lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam bàn giao bức tượng đồng “Thực địa chiến trường” - chân dung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Hưng - con trai cả của tướng Đồng Sỹ Nguyên (người đứng thứ 2 từ bìa trái ảnh)

Từ cách ứng xử tế nhị và khiêm nhường đó, tôi càng thấm thía điều mà nhiều người gần gũi anh thường nói: Luôn nghĩ về người khác cũng là một trong những tố chất Anh hùng của Phan Văn Quý. Rồi hơn một năm trở lại đây tôi hiểu việc tạc tượng những người anh ngưỡng mộ, kính trọng là tâm nguyện, khát khao và anh âm thầm, quyết liệt thực hiện.

Với anh, nhân vật đầu tiên của Trường Sơn được anh ngưỡng mộ, kính phục là tướng Đồng Sỹ Nguyên. Anh cho tôi là người may mắn được “tạc tượng” bác Nguyên bằng bộ ba cuốn hồi ký của bác. Rồi anh trăn trở: Nếu dựng tượng bác Nguyên thì chọn hình mẫu, tư thế nào có tính tổng thể; khắc họa được thần thái, bản lĩnh, tâm hồn của một vị Tướng được xem như “linh hồn” của đường Trường Sơn…

Nhớ lại, khi giúp bác Nguyên viết cuốn hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn”, tôi có mô tả hình ảnh bác vào tầm tuổi ngoài bốn chục, rất phong độ trong bộ quân phục vải Tô Châu gọn ghẽ, đầu đội mũ sắt, vai khoác ống nhòm và chiếc xắc cốt da Liên Xô, chân đi ủng…, phăm phăm thị sát từng trọng điểm, từng cung đường “lửa”… Bộ đội nam nữ thanh niên xung phong… gặp bác khi đó đều ngưỡng mộ, mê tít. Tôi tin nhiều lần anh được gặp Tư lệnh của mình trên đường Trường Sơn với khuôn hình như vậy, nên anh bảo sẽ suy nghĩ thêm.

Trong bộn bề công việc của người chủ trì một công ty tư nhân đang triển khai cùng lúc nhiều dự án với vốn liếng hàng chục nghìn tỷ, lại là nhà tài trợ cho rất nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, tôi nghĩ tâm nguyện đúc tượng tướng Đồng Sỹ Nguyên sẽ được anh thực hiện vào một dịp khác. Nhưng rồi, tôi nhận được liên tục tín hiệu mừng từ anh; rằng anh đã cùng nhà điêu khắc tài hoa Nguyễn Phú Cường - nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao vàDu lịch (tác giả của công trình tượng đài Bộ đội Trường Sơn và nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị khác) dày công nghiên cứu, phác thảo tượng tướng Đồng Sỹ Nguyên. Đặc biệt, phác thảo đã được bác Nguyên, các con của bác cùng nhiều tướng lĩnh, sĩ quan gần gũi bên bác hồi ở Trường Sơn góp ý và sau năm lần anh giám sát đúc, tượng đã hoàn thành mỹ mãn. Tượng đồng có tỷ lệ 1/1 (bằng người thật), tạc dáng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong tư thế ngồi, mũ sắt úp trên đầu gối, tay phải cầm ống nhòm, quan sát một trọng điểm, một cung đường để vạch định một kế hoạch chiến dịch vận tải mới.

 Bức tượng “Sáng tác tại trọng điểm Seng Phan” - chân dung nhà thơ Phạm Tiến Duật được trưng bày trong không gian văn hóa, nghệ thuật của Tập đoàn Thái Bình Dương và trong thời gian tới sẽ được đặt tại Hồ công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Điều giá trị, thiêng liêng nhất theo tôi, anh Quý đã thực hiện được tâm nguyện của mình, dựng được tượng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khi bác còn sống trên cõi đời này. Được bác Nguyên chứng kiến tâm nguyện của anh đã thành hiện thực, cũng là niềm hạnh phúc lớn của anh.

Sinh thời, tâm nguyện của tướng Đồng Sỹ Nguyên là sau khi mất, được về gần với đồng đội ở Trường Sơn. Anh Quý cùng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam và gia đình tướng Đồng Sỹ Nguyên đang nỗ lực hiện thực hóa di nguyện đó của ông bằng việc đặt tượng tướng Đồng Sỹ Nguyên bên cạnh những chứng tích của Trường Sơn. Hiện nay, tượng tướng Đồng Sỹ Nguyên đang được đặt trong nhà của ông tại số 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thần tượng và yêu quý Phạm Tiến Duật, nên khi nhà thơ lâm bạo bệnh rồi mất, anh Quý là người nhiệt thành ủng hộ xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ. Chưa dừng ở đó, từ “thần tượng” anh đã cho đúc tượng đồng nhà thơ. Bức tượng thể hiện nhà thơ ngồi giữa trọng điểm, cuốn sổ tay đặt trên đầu gối, đôi mắt sắc sảo nhuốm màu thơ đang dõi theo “Tiểu đội xe không kính”, hay những mảnh “khăn xanh phơi đầy lán sớm”…

Trong khi chờ được chọn đặt ở một vị trí phù hợp tại tỉnh Phú Thọ - quê hương Phạm Tiến Duật, anh Quý đặt tượng nhà thơ tại Phòng Tranh - không gian văn hóa của Tập đoàn Thái Bình Dương, 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Cùng với một chuỗi Chương trình tài trợ, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn, anh Quý đã âm thầm, quyết liệt thực hiện được tâm nguyện của mình, dựng được tượng đồng, tri ân hai nhân vật tiêu biểu của đường Trường Sơn huyền thoại. Hỏi mấy ai có được nghĩa cử đó ngoài con người luôn nghĩ đến người khác, làm vì người khác như anh?”. 

 

 Ngày 22.4.2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 1643/UBND-KGVX V/v tiếp nhận nhà tượng nhà thơ Phạm Tiến Duật, theo văn bản này UBND tỉnh Phú Thọ đã đồng ý tiếp nhận và đặt tượng nhà thơ Phạm Tiến Duật tại Hồ công viên Văn Lang (TP Việt Trì, Phú Thọ).

 

 Cùng với một chuỗi Chương trình tài trợ, thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn, AHLLVTND Phan Văn Quý, chiến sĩ lái xe Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương đã âm thầm, quyết liệt thực hiện được tâm nguyện của mình, dựng được tượng đồng, tri ân hai nhân vật tiêu biểu của đường Trường Sơn huyền thoại là tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng huyền thoại của Trường Sơn, Nhà thơ Phạm Tiến Duật - Con chim lửa của Trường Sơn và một số hoạt động tri ân của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.


 

 Đại tá, Nhà báo NGUYỄN DUY TƯỜNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top