Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng: Góp phần đắc lực phát triển văn hóa đọc

Thứ Sáu 31/05/2019 | 10:21 GMT+7

VHO- Sáng qua 30.5, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội nghị Tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng nhằm đánh giá thực trạng hoạt động, thu thập dữ diệu, thông tin và tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện các quy định liên quan đến thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong Dự thảo Luật Thư viện.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của B trưởng Bộ VHTTDL cho đại din các tập thể có thành tích trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng xã hội học tập của Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thư viện tư nhân “phủ sóng” vùng miền

Hiện nay, trên cả nước mạng lưới thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã được hình thành rộng khắp. Theo số liệu báo cáo của địa phương, hiện nay trên cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Trong đó, 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân với hình thức của các thư viện do các gia đình, dòng họ. Đồng thời, cả nước cũng đã có hơn 20.000 thư viện/phòng đọc cơ sở tại UBND xã, điểm sinh hoạt của cộng đồng tại thôn, cụm dân cư, phòng đọc tại nhà văn hóa, trung tâm văn hóa thể thao của xã, thôn điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng… Nhờ đó, người dân ở địa phương có điều kiện đến đọc sách báo tại địa bàn.

Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, thư viện cơ sở đã trở thành quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Tại một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở, các thư viện không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em học sinh kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ. Nhiều thư viện cơ sở đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân...

Phương thức hoạt động của thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không ngừng được đổi mới. Số lượng các thư viện có áp dụng công nghệ thông tin đã lên tới 0.026%, người dân đã có điều kiện tiếp cận với máy tính và internet tại thư viện; gần 20% số thư viện xã được trang bị máy tính. Tỷ lệ này tuy chưa cao nhưng cũng là bước phát triển vượt bậc so với trước năm 2009.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động

Thực tế cho thấy, các thư viện tư nhân và thư viện cơ sở chưa được đầu tư đúng mức nên chưa tạo được sức hấp dẫn thực sự với người dân. Một số địa phương, thư viện được xây mới nhưng lại bố trí ở xa khu dân cư, không thuận lợi cho người dân đến đọc sách báo. Trong khi đó, nhân viên thư viện chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý thư viện và tổ chức phục vụ bạn đọc. Nguồn kinh phí hoạt động hằng năm không có hoặc không ổn định, chưa bổ sung sách mới được thường xuyên, thông tin không được cập nhật nên không thu hút được người dân địa phương lâu dài…

Theo chủ thư viện tư nhân Dương Liễu Phùng Bá Hưng (Hà Nội), để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện tư nhân thì cần giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến nhân sự; huy động nguồn sách báo, tài liệu; huy động quỹ và tài chính phục vụ hoạt động; duy trì các hoạt động ngoại khóa, sự kiện định kỳ. Hiện tại, thư viện Dương Liễu có hơn 50 tình nguyện viên với nhiệm vụ hỗ trợ mở cửa cho bạn đọc và duy trì các hoạt động thường kỳ. Số lượng đầu sách tại đây đã lên tới gần 4.000, với nhiều thể loại, phục vụ nhiều đối tượng người đọc khác nhau, trong đó 95% lượng sách do cộng đồng đóng góp thông qua việc sử dụng kênh truyền thông facebook, hay các sự kiện kêu gọi mọi người mang sách đến thư viện như “Tết sách”, “Tặng sách thư viện ngày sinh nhật”…

Thư viện Dương Liễu cũng đã duy trì đều đặn các hoạt động ngoại khóa, sự kiện hằng tháng nhằm giúp bạn đọc phát triển hơn về đời sống tinh thần, lan tỏa, kết nối tinh thần yêu sách của cộng đồng. Bên cạnh đó, để tạo nguồn quỹ hoạt động, thư viện Dương Liễu đã tổ chức gây quỹ tại chính các hoạt động hằng tháng và bán các sản phẩm từ chính thư viện làm ra.

Trong khi đó, để phát huy hiệu quả của một thư viện thôn, bà Lê Thị Ký, Chủ nhiệm thư viện thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ (Bắc Ninh) cho rằng cần lồng ghép hoạt động phong trào của chi hội khuyến học với việc phục vụ văn hóa đọc. Đồng thời, cần có sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền địa phương, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và vốn tài liệu cho thư viện; thường xuyên vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác xã hội hóa, góp phần xây dựng thư viện ngày càng lớn mạnh…

 Dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã tặng bằng khen cho 12 tập thể có thành tích trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2011-2019.

 

 QUÁCH NGA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top