Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá các tỉnh Nam Trung Bộ: Nếu địa phương thờ ơ thì...

Thứ Hai 03/06/2019 | 10:11 GMT+7

VHO-  Các tỉnh Nam Trung Bộ có đến hàng nghìn di tích, cụm di tích lịch sử văn hóa, trong đó phải kể đến cụm di tích đền tháp Chăm, thành cổ, làng gốm cổ nổi tiếng... Điều đáng nói, trong số hàng nghìn di tích, cụm di tích kể trên thì có rất ít di tích được bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả.

 Di tích đình Phước Thạnh (đường Phan Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bị cho thuê làm bãi giữ xe

Các chuyên gia về văn hóa cho rằng, công tác bảo tồn di sản văn hóa các tỉnh Nam Trung Bộ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và sự thờ ơ của các địa phương là nguyên nhân dẫn đến nhiều di tích bị xâm hại.

Hàng loạt di tích bị xâm hại…

Theo thống kê từ Trung tâm Di tích các tỉnh Nam Trung Bộ, trên địa bàn có trên 2.058 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, Bình Định có 234 di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt, 36 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh); Phú Yên có trên 200 di tích (18 di tích cấp quốc gia, 21 di tích cấp tỉnh); Khánh Hòa có 1.091 di tích (16 di tích cấp quốc gia, 174 di tích cấp tỉnh); Ninh Thuận có 239 di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt; 14 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh); Bình Thuận có 300 di tích (24 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh).

Thực tế cho thấy, có rất nhiều di tích tại các tỉnh Nam Trung Bộ đã, đang xuống cấp chưa thể trùng tu vì thiếu kinh phí, một số di tích còn bị xâm hại nghiêm trọng. Cụ thể, di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã bị nhiều hộ dân xâm hại, lấn chiếm xây nhà trong vùng lõi nhiều năm nhưng cơ quan quản lý dường như “bất lực” trong việc xử lý. Hay di tích đình Phước Thạnh (đường Phan Bội Châu, thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) lại bị chính cơ quan quản lý cho thuê làm điểm kinh doanh dịch vụ giữ xe, buôn bán đồ ăn. Không riêng ở Khánh Hòa, nhiều di tích ở Bình Định cũng bị xâm hại tương tự. Dẫn chứng như di tích lịch sử Gò Kho (thôn Xuân An, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 1996. Nhưng di tích này lại đang biến thành bãi tập kết phế liệu của một hộ dân trong thôn. Đáng buồn hơn là tình trạng chính cơ quan quản lý di tích cũng xâm hại di tích. Cụ thể, vào đầu tháng 5.2019, tháp Đôi (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) và cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) trong quần thể tháp Chăm cổ bị xâm hại. Cơ quan quản lý di tích Bình Định đã khoan lên tường gạch, mặt tháp, bắt vít sắt khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch.

Trong khi đó ở Ninh Thuận, di tích tháp Pô Klong Garai là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu (Đô Vinh – Tháp Chàm). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc quốc gia đặc biệt. Tuy công trình có quy mô như vậy nhưng việc khai thác thu hút du khách tại đây lại chưa hiệu quả, chưa tương xứng. Ngoài ra, còn có rất nhiều di tích ở khu vực này bị bỏ hoang không được trùng tu khai thác, gây lãng phí…

Nhiều khó khăn trong quản lý

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý di tích lịch sử, văn hóa ông Hồ Sĩ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Hiện nay, kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia được trích từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Trung ương, còn lại tất cả hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vẫn chưa có kinh phí để tu bổ, tôn tạo. Do đó, vẫn chưa được chỉnh trang, tôn tạo theo phương án đưa ra từ hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng”. Theo ông Sơn, một số địa phương có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Nhà nước, chưa chủ động thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Một số Ban quản lý di tích có vận động người dân đóng góp cho việc tu bổ, tôn tạo nhưng kinh phí hạn chế nên chỉ được tiến hành ở các hạng mục nhỏ. “Ngoài ra, các cụm di tích ở Ninh Thuận nằm cách xa thành phố, không ở gần các điểm vui chơi, giải trí nên việc thu hút người dân, du khách đến đây gặp nhiều khó khăn”, ông Sơn cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa khẳng định: Trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp lý liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phân cấp các đơn vị quản lý, bảo vệ, tu bổ, phục hồi, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở VHTT, Ban quản lý di tích tỉnh được giao quản lý các di tích cấp quốc gia. Các di tích được xếp hạng ở các cấp theo địa bàn nào thì chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và phát huy giá trị.

Nói là vậy, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn phát huy giá trị các di tích. Các Ban quản lý di tích tại các địa phương thường thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, chế độ chính sách cho người trực tiếp trông coi hầu như không có nên chưa khuyến khích được họ toàn tâm, toàn ý. 

 Các thủ tục pháp lý về trùng tu di tích hiện nay liên quan đến nhiều vấn đề và rất vướng. Trung tâm đã chuẩn bị được 72 tỉ đồng từ nguồn thu bán vé tham quan Tháp Bà Ponagar để sẵn sàng cho việc trùng tu Thành cổ Diên Khánh. Tuy nhiên, việc trùng tu công trình trên vẫn phải chờ thẩm định nên vẫn chưa thể thực hiện.

(Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm di tích tỉnh Khánh Hòa)

XUÂN HƯỚNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top