Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh

Thứ Sáu 07/06/2019 | 08:50 GMT+7

VHO- Nhìn vào con số 64 đại biểu chất vấn và đăng ký chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vào chiều 5.6 và sáng 6.6 đã không chỉ cho thấy sự sôi nổi mà hơn hết là sự quan tâm cũng như trăn trở của các đại biểu Quốc hội đối với một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Ảnh: TRẦN HUẤN 

 Những nội dung chất vấn và giải trình được đánh giá đã chạm đến nhiều vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thẳng thắn thừa nhận, lĩnh vực quản lý của ngành rất rộng, đa dạng và chạm đến nhiều nội dung nhạy cảm nên rất cần sự vào cuộc, đồng hành và quyết liệt của toàn xã hội. Ông đề nghị cần có nhiều hơn sự quan tâm, đầu tư cho các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 
“Mê tín dị đoan suy cho cùng là vì thiếu hiểu biết” 
Thực trạng hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi cùng những chất vấn về trách nhiệm quản lý của ngành VHTTDL là nhóm vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra đối với người đứng đầu ngành. “Xử phạt hành chính chùa Ba Vàng với mức phạt 5 triệu đồng có đủ sức răn đe?”, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, vụ việc ở chùa Ba Vàng đã vi phạm luật pháp và ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa, cần phải lên án, xử lý. Chính quyền địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa đối với bà Phạm Thị Yến với mức 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất được quy định tại Nghị định 158. “Phạt tiền 5 triệu hay lên đến 100 triệu thì cũng chỉ là một phần, rõ ràng chúng ta phải tăng nặng hơn hình thức xử phạt về quản lý nhà nước. Quan trọng hơn nữa là xã hội cần phải lên án, phê phán mạnh mẽ những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức kết hợp với xử phạt thì sẽ hiệu quả cao hơn...”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 “Bộ trưởng nắm chắc tình hình, thực trạng...” 
Phiên chất vấn diễn ra khá sôi nổi với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại hạn chế, đề xuất những giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, một số nội dung trả lời của Bộ trưởng còn dài và một số giải pháp còn chung chung nên phần nào chưa làm hài lòng một số đại biểu Quốc hội. Văn hóa, thể thao, du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân... 
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là vấn đề thể thao đã trở thành niềm tự hào, góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn làm rõ các vấn đề với mong muốn Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực phụ trách... (Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện) 

Nhấn mạnh việc xử lý lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi là vấn đề nhạy cảm, Bộ trưởng khẳng định, bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tự thân của người dân. Tuy nhiên, thực tế có một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. Những hành vi này pháp luật sẽ xử lý, dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Về giải pháp, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện một số văn bản về biện pháp phòng ngừa hiện tượng mê tín, dị đoan; nâng cao nhận thức của nhân dân; lên án, phê phán và xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan... Với chất vấn của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) về sự phối hợp giữa ngành VHTTDL và các địa phương trong quản lý, phòng chống mê tín dị đoan, Bộ trưởng nhắc lại vụ chùa Ba Vàng và cho rằng, nếu Sở Nội vụ, Sở VHTT và chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, phân công trách nhiệm trong việc phát hiện, làm rõ và xử lý sai phạm thì rõ ràng sẽ khắc phục được hậu quả hơn rất nhiều. 

 “Cần lên án đấu tranh chống mê tín dị đoan” 
Về vấn đề mà nhiều đại biểu đề cập, tôi muốn nói thêm về tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng ta đồng tình là phải phản đối, lên án đấu tranh chống mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi và các vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định, và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta phải hình dung vấn đề này không chỉ ở góc độ pháp luật mà còn liên quan tới tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò chính của các tổ chức tôn giáo. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc... 
Mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết. Chúng ta cần chú ý hơn tới giáo dục văn hóa, nâng cao dân trí để người dân hiểu rằng hành vi này đúng với tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hành vi kia không đúng; hành vi này trước đây đúng nhưng giờ không phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần có sự phân tích có tình, có lý của các nhà nghiên cứu về tôn giáo, người thực hành tôn giáo và những người nghiên cứu về văn hóa. 
Chính phủ đã yêu cầu Bộ VHTTDL cũng như các địa phương tăng cường công tác nêu gương người tốt việc tốt, việc phù hợp, việc chưa tốt, chưa phù hợp nhưng phải phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hóa để mọi người nêu cái tốt, giảm cái xấu. Tôi mong rằng đại biểu Quốc hội và nhân dân hãy gìn giữ và phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo mình đang theo, đồng thời cầu thị trên tinh thần khoa học để có ứng xử phù hợp với thời đại mới. 
(Trích ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện) 

Nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ngành VHTTDL sẽ nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cao công tác phòng ngừa, xử lý những hiện tượng trục lợi từ mê tín dị đoan; đồng thời sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và đôn đốc các địa phương để thực hiện. Đồng tình với phần trả lời về nhóm vấn đề này của Bộ trưởng, cùng tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mê tín dị đoan suy cho cùng là từ sự thiếu hiểu biết. “Điều này cần sự phân tích có tình, có lý của những nhà nghiên cứu tôn giáo, những người thực hành tôn giáo và đặc biệt là những người nghiên cứu văn hóa…”, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của ngành văn hóa đồng thời bày tỏ, các đại biểu Quốc hội và nhân dân hãy cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo để có ứng xử phù hợp. 
Cần tăng mức đầu tư, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tác 
Trong phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ 4, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm đối với việc quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh. Trước những băn khoăn của đại biểu về những bất cập trong các lĩnh vực này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như tạo điều kiện để đội ngũ này sáng tác. Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí cho các hoạt động sáng tác còn hạn hẹp, nhiều lĩnh vực hoạt động còn khó khăn, đặc biệt là các ngành nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... “Việc xã hội hóa ngành văn hóa đặc biệt là nghệ thuật truyền thống đang hết sức khó khăn. Với các nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống, cả đoàn đi diễn một đêm cũng mới thu được 20 triệu đồng, không bằng ca sĩ ở lĩnh vực khác chỉ hát một bài. Hoặc có ngành đào tạo VHNT qua 5 năm không tuyển được thí sinh nào...”, Bộ trưởng nêu rõ. Theo ông, Nhà nước cần có chính sách và quan tâm nhiều hơn nữa với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên các ngành nghệ thuật truyền thống. 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về các cuộc thi sắc đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, công tác quản lý lĩnh vực này trong thời gian qua luôn chấp hành nghiêm Nghị định 79 của Chính phủ. Trong tháng 10 tới Bộ sẽ trình Chính phủ một Nghị định mới về Nghệ thuật biểu diễn, trong đó có những biện pháp xử lý triệt để những vấn đề còn bất cập trong lĩnh vực này. “Ở một khía cạnh nào đó có thể nói rằng việc cử những người đẹp tham dự các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, những cuộc thi hoa hậu, người đẹp không nên quá nhiều...”. Về tình trạng phim ngoại lấn át phim nội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần tăng cường sự đầu tư của Nhà nước để sản xuất phim, đặc biệt là phim về đề tài lịch sử, phim cho thiếu nhi. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 240 phim trong khi trong nước chỉ sản xuất được 40 phim. Do không được quy định hạn ngạch nhập khẩu theo quy định của WTO nên cần phải dùng “hàng rào kỹ thuật” bằng cách kiểm duyệt phim; quy định phim Việt phải chiếu trên 20%. Bộ trưởng nhấn mạnh, giải pháp để tăng cường thị phần phim Việt theo đó cần sản xuất được những bộ phim Việt hay cũng như tăng cường chính sách đầu tư, thu hút đầu tư sản xuất phim… 

  “Trách nhiệm của địa phương rất quan trọng” 
Tôi đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Lĩnh vực văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo thuộc phạm vi phụ trách của hai Bộ là Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ. Phần trả lời của Bộ trưởng Thiện về nội dung này cùng với phần bổ sung của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã làm rõ hơn những băn khoăn của nhiều đại biểu. Tôi cũng đồng ý khi Bộ trưởng nói đến vấn đề trách nhiệm của các địa phương trong vấn đề phát triển du lịch. Đây là lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, đặc biệt là các địa phương nơi có các di sản, danh lam thắng cảnh…

(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội PHẠM TẤT THẮNG) 

Cần lên án những hành vi lệch chuẩn 
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là giải pháp xây dựng đạo đức, lối sống, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian qua Bộ đã đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục chỉ đạo xây dựng một cách có hiệu quả các văn bản quy định về vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống; rà soát và điều chỉnh các hệ thống văn bản pháp luật, ban hành nhiều bộ quy tắc ứng xử trong các lĩnh vực... 
“Vì sao nhiều tấm gương người tốt việc tốt lại không được biết đến, trong khi không ít hiện tượng “lệch chuẩn” lại được tung hô?”, Bộ trưởng cho biết, ngành văn hóa sẽ tiếp tục nỗ lực, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người, biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực. Đối với gia đình, nhà trường cần giải pháp đồng bộ, nêu gương vai trò của ông bà, cha mẹ. Đối với truyền thông, phải tuyên truyền, phản ánh được những tấm gương người tốt, việc tốt; phê phán những hiện tượng xấu, tạo hiệu ứng tích cực cho cả xã hội. “Xã hội cần nhân rộng những điển hình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từ đó góp phần xây dựng những chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện 

Về một số hành vi lệch chuẩn của một số cá nhân nói chung và trong các lĩnh vực VHNT nói riêng, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đó là các hành vi cần phải phê phán mạnh mẽ hơn nữa. Với trách nhiệm của mình, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục ban hành quy chuẩn về đạo đức của những người hoạt động trong lĩnh vực này. Bộ cũng sẽ xem xét, rà soát lại các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến Nghị định xử phạt các hành vi phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục. 
Thế giới 7 tỉ người, mỗi người đến Việt Nam một lần trong đời đã tốt lắm rồi 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trong phạm vi quản lý của ngành mình, với những hiểu biết của mình, trước những câu hỏi của đại biểu đã là xác đáng, đầy đủ. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nêu câu hỏi về những giải pháp đột phá để sớm cải thiện thứ hạng, đưa du lịch Việt Nam vào nhóm đầu các nước ASEAN, và đâu là “nút thắt” dẫn đến du lịch Việt Nam bị xếp hạng thấp... Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh năm 2017, Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tức là trung bình nhưng là thấp hơn nhiều nước trong ASEAN. “Điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam chính là hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, quá tải ở nhiều sân bay, thời gian làm thủ tục lâu; yêu cầu khắt khe về thị thực; kinh phí dành cho quảng bá xúc tiến du lịch quá ít. Bộ trưởng cũng đưa ra những giải pháp như cần cải thiện về cơ sở hạ tầng, cởi mở về thị thực, phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân và các cấp chính quyền để giải quyết các vấn đề mà du lịch Việt Nam đang còn hạn chế. 

 “Đã trả lời đúng, trúng vấn đề đại biểu nêu” 
Theo tôi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cơ bản đã trả lời đúng, trúng câu hỏi mà các đại biểu đã đặt ra, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng dành lời khen Bộ trưởng Thiện trong một số nội dung trả lời. Tuy nhiên, là một Bộ trưởng phụ trách đa lĩnh vực nên việc nắm sâu các nội dung ở những lĩnh vực này không phải dễ, vì nó luôn biến động. Đã thế lại có rất nhiều vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan trong xã hội, từ tôn giáo, tín ngưỡng rồi đến văn hóa, du lịch. Để trả lời cho đầy đủ, sát thực và đáp ứng nhu cầu của đại biểu là rất khó. Có thể còn có những điểm đại biểu chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng nhưng bản thân tôi cảm thấy hài lòng.

(Đại biểu NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG, Quảng Bình) 

 Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) về việc làm thế nào để đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế như Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện du lịch Việt Nam đạt khoảng 9% GDP. Nếu để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đóng góp GDP trên 10%) thì phải đến năm 2030. Bộ trưởng cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ và khắc phục những hạn chế của du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến, cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…

Nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Bộ trưởng nêu rõ, phát triển du lịch phải theo hướng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa. Dẫn lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về công tác bảo tồn di sản văn hóa: “Tất cả mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển, vì bất cứ giá nào”. Mặc dù luôn luôn phải lưu ý đến bảo tồn di sản trong quá trình phát triển, nhưng thời gian vừa qua, vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển vẫn còn có những tồn tại, chưa được chú trọng trong công tác quy hoạch hoặc chưa được giám sát chặt chẽ.

Đồng tình với những giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm: “Thế giới có 7 tỉ người, nếu chúng ta làm ra những sản phẩm hấp dẫn, cuốn hút để mỗi người đến Việt Nam một lần cũng đã là tốt lắm rồi”.

Du lịch biến tướng: Tái phạm sẽ xử lý hình sự

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) về hiện tượng “tour du lịch 0 đồng” đang là một vấn nạn. Với trách nhiệm quản lý nhà nước Bộ đã tính toán cụ thể thiệt hại hằng năm của vấn nạn này gây ra, giải pháp khắc phục tình trạng này ra sao? Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đây là vấn đề mà ngành du lịch đã có nhiều giải pháp. “Tour du lịch 0 đồng” có nghĩa là một tour giá rẻ, dưới giá thành rất nhiều. Tuy nhiên, tour du lịch giá rẻ ở đây nói chung là có những hành vi tiêu cực, có thể cắt, giảm chương trình của khách du lịch, đưa khách du lịch vào những nơi mua sắm chứ không phải đi du lịch thuần túy. Quan điểm của Bộ là kiên quyết dẹp bỏ các kiểu “tour du lịch 0 đồng”. Ngoài việc tuyên truyền để khách du lịch nắm được những tiêu cực của các “tour du lịch 0 đồng” thì cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các công ty, hướng dẫn viên thực hiện các loại “tour du lịch 0 đồng” này. Đồng thời cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để xử lý tận gốc “tour du lịch 0 đồng”.

 “Không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm” 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã giải đáp gần như đầy đủ các vấn đề được các đại biểu đặt ra, không hề né tránh và thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành, cũng như đưa ra giải pháp trong thời gian tới. Đây là mảng rộng và tôi xin chia sẻ với Bộ trưởng về những khó khăn của ngành khi có nhiều mảng nhạy cảm, được xã hội quan tâm. Về vụ việc chùa Ba Vàng, phần giải trình của Bộ trưởng theo tôi là thỏa đáng. Bộ trưởng đã nêu những quy định về xử lý vi phạm hành chính theo luật định ở mức nào, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đó còn là cả một chuỗi vấn đề chứ Bộ trưởng không thể khẳng định những hành vi đó là có tội hay không có tội. Cách trả lời đó là phù hợp. (Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Đà Nẵng) 

Việc tổ chức hoạt động du lịch biến tướng, theo Bộ trưởng không những gây thiệt hại trực tiếp cho người dân, đa phần là đối với những người có thu nhập khó khăn mà còn gây tổn hại uy tín của các đoàn thể, quần chúng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Các cá nhân, đơn vị này tới làm việc với các Hội, các địa phương, tập trung vào hội viên, tuyên truyền về các chương trình du lịch giá rẻ, đi du lịch “tour 0 đồng”, sau đó là bán hàng giá cao. “Tôi xin khẳng định hiện tượng này là lợi dụng du lịch để lừa đảo, cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Tôi cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc xử lý dứt điểm hiện tượng này”. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Bộ sẽ yêu cầu các Sở Du lịch, Sở VHTTDL tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lí nghiêm các trường hợp này. Nghị định số 45/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch do Chính phủ vừa ban hành tháng 5.2019 sẽ là “cây gậy” để xác định, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và nhấn mạnh: “Những hành vi lừa đảo nói trên cần phải nghiêm trị. Nếu đã xử lý hành chính rồi nhưng vẫn tái phạm thì sẽ phải xử lý hình sự”.

  “Nắm vững vấn đề mà mình quản lý” 
Tôi cũng thống nhất với ý kiến đánh giá của Chủ tịch Quốc hội trong phần kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở nhóm vấn đề thứ tư. Bản thân tôi nhận thấy Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nắm vững các vấn đề mà mình quản lý. Tuy nhiên, văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, bao trùm mọi hoạt động của đời sống xã hội, vì thế để nắm bắt, giải quyết một cách căn cơ, khoa học thì cần phải có thêm thời gian. 

(Đại biểu TRIỆU THẾ HÙNG, Lâm Đồng) 

 

PHƯƠNG ANH- THUÝ HÀ- ĐÌNH TOÁN; ẢNH: TRẦN HUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top