Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Rơi nước mắt khi xem "Điều còn lại"

Thứ Bảy 08/06/2019 | 12:56 GMT+7

VHO-Thay vì đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự, những mâu thuẫn gay gắt của xã hội thì Điều còn lại (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Kiều Minh Hiếu) của Nhà hát Kịch Việt Nam lại khai thác một câu chuyện thời hậu chiến. Không có những xung đột kịch, không có tuyến nhân vật xấu chỉ có những nhân vật là người tốt…  và nhiều khán giả nước mắt cứ tuôn trào theo những tình huống và cảm xúc của các nhân vật trong kịch.

Éo le trước cảnh mẹ chồng phải đứng ra bênh vực con dâu trước cái lỗi tày đình 

Ở Làng Bòng, một ngôi làng nghèo ở đồng bằng Bắc Bộ ấy, có bà mẹ Muộn nhân từ.  Có chồng hi sinh khi bà còn rất trẻ nhưng bà đã quyết thủ tiết để nuôi con, giữ nếp nhà, nhưng bà lại sẵn lòng tha thứ và cưu mang cho lỗi lầm của cô con dâu không biết "nhịn" để chờ chồng khi anh đi bộ đội. Ở đó có cô con dâu Thuyến xinh đẹp đêm đêm vật vã với những cơn nhớ "hơi ấm và hương vị mồ hôi" của người chồng, một ngày, trong "giây phút mong manh", cô đã không thể vượt qua được cám dỗ quan hệ luyến ái với Bường - một người lính đi qua làng... Hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn, mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu, vì một lý do bao biện muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này…Người mẹ, người vợ mong ngóng Bân, con trai bà Muộn, chồng Thuyến suốt 15 năm trời và đinh ninh là anh đã mất. Nhưng rồi Bân đột ngột trở về, không thể tha thứ cho vợ, không chấp nhận con của Thuyến. Bà Muộn, người đứt ruột sinh ra Bân lại nói với anh “Giá như con đừng trở về…” chỉ vì nghĩ tới cảm xúc và hạnh phúc cho con dâu… Nói Điều còn lại là bi kịch của những con người tốt không sai, bởi kết kịch đầy bất ngờ khi Bân đã  biết lỗi lầm của vợ ngay khi còn ở chiến trường, và chuyến trở về của anh thực ra là một kế hoạch tử tế để thu xếp cho hạnh phúc của vợ...Mâu thuẫn trong nội tâm từng nhân vật lại tạo nên sức hấp dẫn, xung đột cho kịch.

Chày, cối và những khao khát được làm đàn bà của Thuyến khi gặp Bường

Điều còn lại là vở diễn đầu tay của đạo diễn trẻ Kiều Minh Hiếu, nhiều người cho rằng hội đồng nghệ thuật nhà hát cũng như đạo diễn đã quá phiêu lưu khi lựa chọn kịch bản của nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương bởi chắc chắn đây là một vở kịch khó dựng, không dễ ngay cả với một đạo diễn lâu năm. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Hội đồng nghệ thuật Nhà hát đã đọc và lựa chọn từ mấy chục kịch bản được rọc phách không đề tên tác giả. Tác phẩm của nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương được tìm trong “kho” kịch bản mà NSND Anh Tú lựa chọn để lại. Chúng tôi đánh giá cao kịch bản  và tin tưởng giao cho Kiều Minh Hiếu mong muốn tạo dựng một lớp đạo diễn mới, trẻ trung tạo sinh khí mới cho các tác phẩm của nhà hát. Tình yêu, sự đam mê và cả sự táo bạo của Hiếu đã không làm uổng lòng tin của nhà hát. Không chỉ khán giả mà nhiều nghệ sĩ sân khấu cũng đã phải khóc khi xem Điều còn lại”. 

Bao trùm lên tất cả để tạo nên những hình tượng nhân vật chính là các giá trị nhân văn, cho dù tất cả người tốt trong kịch đều rơi vào những hoàn cảnh hết sức éo le, trớ trêu và bi kịch, nhưng người ta vẫn chấp nhận nó, chấp nhận trong một niềm tin và khát vọng mãnh liệt vươn tới những điều tốt đẹp, để làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống… Đạo diễn Kiều Minh Hiếu đã mạnh dạn đề nghị tác giả cùng chỉnh sửa để làm sao mạch kịch, các tình huống và tâm lý của nhân vật thật hợp lý như việc đưa thêm một nghề truyền thống cho người mẹ, khi bà Muộn bao che tội lỗi cho con dâu thì bà không còn cầm chày để giã nghề cốm truyền thống của gia đình vì tự thấy hổ thẹn... Bổ sung thêm nhân vật ông Ánh cả một đời như chiếc bóng đi bên cạnh, chứng kiến bao nỗi đau của người mình yêu mà không thành đôi lứa. Có những người lính trở về từ chiến trường, mang theo bao vết thương sâu cả thể xác lẫn tâm hồn…

Bà Muộn (nghệ sĩ Phương Nga) đứng giữa nỗi đau của con trai và con dâu 

Vở kịch vừa đẹp, vừa nhân văn. Làng Bòng có nghề làm cốm, chính vì thế sân khấu với ánh vàng, cùng những đon lúa óng ả, xanh non được tranh trí đẹp như một bức tranh. Chiếc chày và cối được dựng trên sân khấu, nó vừa tả thực tại công việc hàng ngày của người dân làng Bòng, nó vừa để đạo diễn ẩn dụ nỗi đau của những người phụ nữ - cứ vò võ chờ chồng đi chiến trận trở về. Có nhiều cảnh diễn rất xúc động, lấy những giọt nước mắt từ khán giả xuyên suốt toàn bộ vở kịch. Đó là cảnh Thuyến hùng hục giã cốm như diễn tả sự khao khát được yêu của một người đàn bà trẻ để rồi hít hà chiếc áo của chồng, chiếc bếp lửa rực lên như báo hiệu cảnh lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, dẫn đến việc Thuyến ngủ với người khác. Cảnh Bân nằm cô độc trên một chiếc xe cải tiến báo hiệu việc anh sắp rời xa khỏi cuộc đời. Cũng không khỏi thương xót cho Được, con trai Thuyến khao khát tình thương yêu của một người cha mà không có, thằng bé bị bạn bè phủ lên cái áo những dòng chữ không có cha… Và khó có thể ai quên được cảnh kết đầy ấn tượng khi hình ảnh người mẹ Muộn hằn trên phông, tần tảo, lủi thủi làm những công việc nhà nông như ẩn ý về sự ươm mầm cho cuộc sống.

Để tạo nên những cảnh diễn đầy ấn tượng và xúc động ấy phải kể tới bàn tay của hoạ sĩ thiết kế, nhạc sĩ đã cùng góp sức với đạo diễn để sáng tạo. Thiết kế sân khấu của vở cũng ấn tượng khi họa sĩ chỉ bằng vài đạo cụ không cầu kỳ mà công phu mang cả một góc làng quê Bắc Bộ xưa lên sân khấu. Và đặc biệt, âm nhạc là một phần rất thành  công của Điều còn lại vừa hiện đại nhưng vẫn mang âm hưởng dân gian, nhạc đồng quê với chất liệu mượt mà, trữ tình.

Thiết kế mỹ thuật đã đóng góp không nhỏ khi tạo nên một không gian làng quê đồng bằng Bắc Bộ đẹp 

Điều tạo nên sự thành công cho sự ra mắt lần đầu tiên với vai trò đạo diễn của Kiều Minh Hiếu phải kể tới những đóng góp tuyệt vời mà đồng nghiệp của anh, những người bạn đã từng diễn với Hiếu trước đây cùng góp sức. Đặc biệt là nghệ sĩ Phương Nga đã diễn rất tốt vai bà mẹ, tạo nên  hình ảnh người mẹ vị tha, tình thương của bà bao la, không chỉ dành cho con trai mình, mà cả cô con dâu và cả những người lính đồng đội của con mình.  Dàn diễn viên trẻ vừa trúng tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã chứng tỏ được những triển vọng khi xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu.

Lần đầu ở vai trò đạo diễn nhưng với Điều còn lại, Kiều Minh Hiếu đã chứng tỏ bản lĩnh và dấu ấn của một đạo diễn trên sân khấu không chỉ khán giả ghi nhận bằng những xúc cảm mà vở diễn mang lại cho họ, đồng nghiệp của anh cũng ghi nhận bởi sự nghiêm túc, kỳ công của anh với từng vai diễn, từng tình huống cho tới câu thoại trong kịch. Vở diễn đã chạm tới trái tim của người xem, khiến khi ánh đèn khán phòng sáng lên, ai cũng lấy tay lau vội khoé mắt, ai cũng gật gù nhắc nhớ mình sống tốt hơn ngày hôm qua.

Cuộc sống hiện đại, con người đặt lên trên hết và quên đi các giá trị nhân văn vốn là gốc rễ, là nền tảng của cuộc đời. Vì lợi ích người ta sẵn sàng đánh mất đi tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em, đồng nghiệp…Rất hiếm có những tác phẩm đề cập tới những điều tốt đẹp, biến những điều tốt đẹp thành ánh sao lấp lánh trong tâm hồn mỗi con người để xua đi những gì tăm tối… Chính vì vậy tôi đã viết ra kịch bản Điều còn lại với khát vọng về cuộc sống, về một xã hội trong tương lai chỉ có những điều tốt đẹp (Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương)

THÚY HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top