Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Kiều bào hiến kế phát triển du lịch Việt Nam

Thứ Tư 12/06/2019 | 09:16 GMT+7

VHO- Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất (OVECOF) 2019, diễn ra vừa qua tại Trung tâm triển lãm quốc tế Songdo Convensia (Incheon, Hàn Quốc), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đã có bài phát biểu với chủ đề “Phát huy sức mạnh mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu” trong Phiên tọa đàm chuyên đề Thương mại- du lịch- dịch vụ.

 Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ du lịch Hanatour

Tham dự Phiên tọa đàm Thương mại- du lịch- dịch vụ có Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam trên toàn cầu. Tọa đàm là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch Việt Nam.

Kiều bào quan tâm đến thị trường Việt Nam

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn Kinh tế kiều bào toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng đây chính là dịp để các doanh nghiệp kiều bào cùng chung tay, chia sẻ, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vô cùng to lớn, hội đủ những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế lớn mạnh. Trong suốt thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang có những bước tiến, phát triển vững mạnh, thể hiện ở những con số tăng trưởng về lượng khách, tổng thu từ du lịch, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp du lịch…

Trong năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tạo ra 800.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,5 triệu việc làm liên quan đến du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỉ đồng (tương đương 26,9 tỉ USD), đóng góp trực tiếp 8,39% GDP, xuất khẩu du lịch đạt giá trị 17 tỉ USD; số lượng các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ với 2.223 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hơn 25.600 cơ sở lưu trú với 508.000 buồng. Đặc biệt, rất nhiều tập đoàn, thương hiệu khách sạn cao cấp trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như: Accor, Hyatt, Marriott, Intercontinental, Hilton…; nhiều nhà đầu tư trong nước như: Vin Group, Sun Group, FLC, Mường Thanh, BIM, Tuần Châu, CEO… đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại tại nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng đạt chuẩn quốc tế đã góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Thời gian qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng cao đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị; tăng cường hiểu biết và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

“Đến năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu du lịch Việt Nam đón 32 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 1.400.000 tỉ đồng (tương đương 64,2 tỉ USD), đóng góp 11,6% trong tổng GDP cả nước, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết thêm.

Trong suốt chặng đường phát triển vừa qua, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt do kinh tế thế giới đang có sự tăng trưởng chậm, các nền kinh tế lớn trên thế giới căng thẳng trong thương mại, một số thị trường nguồn của du lịch Việt Nam suy giảm về kinh tế và đang tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trong khu vực…

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương đề cao vai trò tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kiều bào trên toàn thế giới, trong việc chia sẻ, ủng hộ, cùng tham gia phát triển du lịch Việt Nam. Qua đó, khẳng định ngành Du lịch Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp kiểu bào đầu tư về quê hương, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; phối hợp thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đã kiến nghị và đưa ra các giải đáp về vấn đề bảo vệ môi trường du lịch, tour giá rẻ, cơ hội đầu tư về du lịch, xúc tiến thương mại, về những giải pháp căn cơ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đột phá trong tương lai...

OVECOF 2019 đã diễn ra 3 phiên thảo luận trong các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ, tài chính, ngân hàng; thương mại-du lịch-dịch vụ. Diễn đàn đã truyền đi 2 thông điệp nổi bật: Đoàn kết là sức mạnh và chắp cánh vị thế Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Qua việc Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193, thể thao nước nhà cũng gặt hái được thành công cao nhất từ trước đến nay, Diễn đàn hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới cũng đạt được những bước tiến ngoạn mục, góp phần nâng tầm vị thế đất nước.

Ngay tại diễn đàn, đã có 33 thỏa thuận ghi nhớ hợp tác (MOU) được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có những hợp đồng có tổng giá trị lên tới 10 triệu đô la Mỹ.

Quảng bá Việt Nam tại Hội chợ du lịch lớn nhất Hàn Quốc

Cũng trong thời gian này, tại Trung tâm triển lãm quốc gia Kintex (thủ đô Seoul) đã diễn ra Hội chợ Hanatour Hàn Quốc 2019. Đây là hội chợ thường niên do doanh nghiệp du lịch Hanatour Service Inc Hàn Quốc tổ chức, có quy mô lớn nhất Hàn Quốc. Hội chợ Hanatour lần thứ 13 năm 2019 với quy mô hơn 900 gian hàng, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch… đến từ các châu lục trên thế giới. Đoàn Việt Nam còn có sự tham dự của đại diện một số Sở Du lịch, VHTTDL và các doanh nghiệp du lịch.

Tham dự hội chợ năm nay, đoàn Việt Nam đã xây dựng Gian hàng Du lịch Việt Nam rộng khoảng 45m2, cung cấp nhiều tài liệu quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam, cung cấp thông tin về chính sách, sự kiện du lịch Việt Nam sẽ tổ chức trong thời gian tới cho các đối tác nước ngoài và du khách.

Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế phát triển. Người dân Hàn Quốc có thu nhập cao và thích đi du lịch, đặc biệt là du lịch nước ngoài. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là một trong những thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam. Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của khách du lịch Hàn Quốc. Năm 2018, khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt trên 3,4 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm 2017. Năm tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón trên 1,7 triệu lượt khách Hàn Quốc, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

 MINH TÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top