Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Múa dân gian Việt Bắc: Phát triển và hội nhập nhờ vào bản sắc truyền thống

Thứ Sáu 14/06/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- Trong các loại hình nghệ thuật thì múa là nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc và cũng như dễ hoà nhập với quốc tế bởi ngôn ngữ tạo hình không gian động, lấy cơ thể con người là phương tiện biểu cảm trực tiếp.

So với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp thì Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc nổi trội hơn cả về những tiết mục múa. Điều này không hề lạ khi Nhà hát sinh ra ở một vùng Việt Bắc, thế nên các điệu múa được thể hiện đều tạo nên bản sắc dân tộc riêng.

Mang nhiều nỗi trăn trở để bảo tồn, phát triển nghệ thuật múa thế kỷ 21, NSND Nông Xuân Ái, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho biết anh và các biên đạo múa, các nghệ sĩ của Nhà hát luôn tìm những hướng phát triển mới cho nghệ thuật múa. “Chúng tôi luôn tự hỏi lĩnh vực nghệ thuật múa, lĩnh vực đào tạo và biểu diễn múa, hay lĩnh vực sáng tác múa sẽ làm gì trong thời đại mới để đạt chất lượng, hiệu quả nghệ thuật múa dân gian Việt Bắc. Đã đến lúc ngành múa nói chung và những nghệ sĩ múa vùng Việt Bắc phải đổi mới, thích nghi để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của xã hội. Việc đổi mới ấy phải dựa trên những đặc trưng, bản sắc của nghệ thuật truyền thống”, NSND Nông Xuân Ái bày tỏ.

Nhìn lại chặng đường dài của nghệ thuật múa khu vực Việt Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã bồi đắp, phát triển thật đáng mừng khi mà Việt Bắc đã đóng góp rất nhiều công sức vào thành tựu to lớn của ngành múa Việt Nam. Hiện nay, kho tàng nghệ thuật múa của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc lên đến con số hàng trăm làn điệu. Có thể kể những điệu múa tiêu biểu như múa Mông (múa trong sinh hoạt đời sống như: múa Khèn gặp gỡ nhau trong chợ phiên, những đôi trai gái tỏ tình, đua tài ném pao…), hay múa của người Dao Quần Chẹt (múa chuông trong lễ cấp sắc), dân tộc Dao Tiền (múa gậy tiền), dân tộc Cao Lan (múa tắc xình, múa trong lao động : tra hạt, phát nương, múa chim gâu, múa kiếm, múa đao trong những lần cúng giải hạn, vào nhà mới), dân tộc Tày (múa sinh hoạt và nghi lễ, chủ yếu là múa trong nghi lễ Then: múa quạt, múa cầu phúc, cầu an múa Sluông…), dân tộc Pà Thẻn có (múa nhảy lửa ở Hoàng Su Phì - Hà Giang), Lô Lô, múa lự (vẻ đẹp của người phụ nữ).

Cuộc sống của các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc còn rất nhiều khó khăn bởi sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường đã bùng nổ trên toàn cầu. Xong phải khẳng định rằng nghệ thuật múa củaViệt Bắc vẫn luôn phát triển, các nghệ sĩ diễn viên đã đáp ứng được nhu cầu của khu vực Việt Bắc nói riêng và toàn ngành múa nói chung. Những tấm huy chương Vàng, huy chương Bạc mà Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc giành được trong hàng chục năm qua đã chứng minh những khao khát sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp cho nghệ thuật múa dân gian Việt Bắc, phải kể đến những tác phẩm được đồng nghiệp đánh giá cao ở nhiều kỳ liên hoan, hội diễn như múa Cầu Phúc của dân tộc Tày, múa Lô Lô của dân tộc Lô Lô, múa Những bông đỏ của rừng. Thay vì dàn dựng các tiết mục múa đơn lẻ thì thời gian trở lại đây, Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc đã dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn mà múa là ngôn ngữ chủ đạo, trung tâm như: Tiếng vọng, Mỵ.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật múa, dù sáng tạo theo một xu hướng nào đi chăng nữa, thực tiễn đòi hỏi mỗi nhà biên đạo múa phải nắm vững 2 yếu tố: Dân tộc và hiện đại, hai yếu tố không thể tách rời trong một tác phẩm múa hiện nay. Dân tộc để không đánh rơi truyền thống, đánh mất chính mình, Hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại. Với những tác phẩm gần đây như Mỵ, đã thấy ý thức sáng tạo của các biên đạo múa và nghệ sĩ hướng tới khai thác và phát triển nghệ thuật múa theo những quy luật thẩm mỹ của dân tộc. Những tác phẩm như Tiếng Vọng, Mỵ đã bứt phá khỏi “ao làng” đưa nghệ thuật đến với khán giả trong và ngoài nước. Thậm chí sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng tác phẩm và tổ chức biểu diễn cho tác phẩm Mỵ diễn ở trung tâm sân khấu của Thủ đô đã cho thấy tác phẩm có chất lượng, tạo sức hấp dẫn với nhiều tầng lớp khán giả.

Mặc dầu cuộc sống cũng như hoạt động nghệ thuật đối với nghệ sĩ múa nói chung, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc nói riêng còn vô cùng khó khăn, đặc biệt là đồng lương của các nghệ sĩ quá thấp hàng chục lần so với cát sê của một diễn viên múa không chuyên với những show diễn thiếu chuyên nghiệp, hay nói đúng hơn chỉ là để khoe thân thể. Nếu không yêu nghề, đau đáu với nghệ thuật múa dân gian thì chắc chắn sẽ khó có nghệ sĩ nào trụ lại được với nghề.

Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tự hào đã và đang có một dàn diễn viên tài năng, am hiểu và đam mê nghệ thuật dân tộc. Sự hào hứng, cổ vũ của khán giả trong từng đêm biểu diễn là ngọn lửa thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo và tận hiến vì nghệ thuật dân tộc. 

 LƯƠNG NHI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top