Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Quan trọng là có bảo vệ được không?

Thứ Hai 17/06/2019 | 09:21 GMT+7

VHO- Chỉ trong vòng một tuần, tại TP.HCM đã liên tiếp diễn ra hai cuộc hội thảo khoa học quan trọng cùng chung một chủ đề về “Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị” của vùng đất được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Hai cuộc hội thảo dường như “không hẹn mà gặp” này đã quy tụ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý trên nhiều lĩnh vực và lại cùng bàn về một đối tượng: Di sản kiến trúc đô thị trước những thách thức.

 Vì sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy là có lẽ trong nhiều thập niên trở lại đây, nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn thời gian, như là những nhân chứng sống trong quá trình phát triển thành phố đã, đang và sẽ đứng trước những nguy cơ bị biến dạng, nặng hơn bị “xóa sổ” hoặc bị tan vụn, thay vào đó những khối bê tông lạnh ngắt, không tạo ra một tý “trí nhớ” gì cho người dân. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử đô thị, di sản, kiến trúc… đã nêu lên những ý kiến đầy bức xúc về sự mất mát của những công trình kiến trúc mà trong đó chứa đựng rất nhiều giá trị. Đến mức có vị chuyên gia về di sản đô thị và cảnh quan đã phải thốt lên, “nếu chúng ta phá di sản nói chung, di sản đô thị của thành phố nói riêng chính là “tự vẫn về văn hóa”…

Còn nhớ cách đây hơn mười lăm năm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học vể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có một chuyên đề đề cập đến bảo tồn di sản đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa. Sau cuộc hội thảo ấy, Ban tổ chức đã thống nhất có văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo TP.HCM về việc cần phải có những giải pháp quyết liệt, khả thi để gìn giữ những giá trị di sản lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố, trong đó đặc biệt lưu ý đến các công trình kiến trúc có niên đại hơn trăm năm. Nếu không làm như vậy thì khó lòng níu kéo, lưu giữ được trí nhớ của người dân về nơi mình đang sinh sống, khó lòng tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Những cuộc hội thảo vừa diễn ra trong tuần qua một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo đối với cấp có thẩm quyền và dư luận xã hội thấy được tính bức thiết, cấp bách phải có đề án tổng thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản đô thị của thành phố này. Qua đó tiến hành “nhẩm tính” hiện chúng ta còn lại được bao nhiêu công trình, trước đó đã mất đi bao nhiêu, rồi có kế sách “cứu lấy” cho bằng được. Tuy nhiên, sau những cuộc hội thảo ấy là gì, hay “ra khỏi phòng” là gió bay cũng là vấn đề rất đáng suy ngẫm. Vì nếu chúng ta tổ chức hội thảo rồi hội thảo nữa để cùng nhau nhận diện giá trị của di sản, song sau đó không có biện pháp gì hoặc có mà chỉ nằm trên giấy thì cũng bằng thừa. Quan trọng là có quyết tâm bảo vệ chúng không? 

NGUYỄN HÒA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top