Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những diễn viên chỉ “nổi hình” nhưng chưa “nổi tiếng”

Thứ Hai 17/06/2019 | 09:42 GMT+7

VHO- Để hoàn thành một bộ phim trước khi công chiếu dù là phim nhựa hay phim truyền hình, ngoài những diễn viên nổi tiếng chuyên đóng vai chính mà khi nhắc tới tên phim là khán giả biết ngay, thì có những diễn viên chỉ xuất hiện trong phim với những khoảnh khắc ngắn, thoáng qua, hoặc chuyên đóng vai phụ.

 Diễn viên Ngô Long Hồ (trái) trong phim “Rừng ngập mặn” Ảnh: LONG HỒ

 

 Dẫu họ góp phần rất quan trọng trong mỗi bộ phim, nhưng họ chưa bao giờ nổi tiếng. Bởi, ngoài mưu sinh, họ còn lao động với tất cả niềm đam mê máu thịt để cống hiến cho khán giả những thước phim hay nhất.

Cho đến bây giờ sau gần 10 năm lăn lộn với nghề, diễn viên Võ Minh Bảo, quê Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn không bao giờ quên những ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề. Đó là ngày cách đây 10 năm về trước, khi đó Bảo học trường cấp ba huyện Châu Đức. Cơ duyên đến với anh trong hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng ở xã. Bảo đóng vai anh bộ đội yêu cô gái làng trong một vở kịch ngắn “Bộ đội về làng”. Sau hội diễn, Bảo được ban văn hóa xã tặng giấy khen “hạt nhân văn nghệ xuất sắc”.

Những ngày sau đó Bảo không ngủ được. Hình ảnh anh bộ đội cõng cô gái vượt suối đến bệnh xá cấp cứu mà Bảo thể hiện trong vở kịch ngắn cứ hiện trong đầu anh. “Em nói với mẹ về ý định thi vào làm diễn viên điện ảnh, mẹ em gạt ngang: Mày có mà diễn nhậu với rượu chứ điện ảnh gì mày. Không ngờ năm sau, em thi vào Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM đậu thật”, Bảo nhớ lại. Nhà nghèo, bà Nguyệt phải bán hết mẫu rẫy cho Bảo lấy tiền đóng học. Ngày bắt xe đò lên TP.HCM nhập trường, hành trang là 3 triệu đồng và hai bộ quần áo. Làng xóm vui lây vì ở mảnh đất nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này lại có người làm diễn viên điện ảnh.

Sau hai năm đèn sách tại Trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM, vai đầu tiên Bảo đóng là nhân vật Sơn trong bộ phim “Kẻ di trú” của hãng phim TFS. Bảo chia sẻ: “Ngày mới vào nghề mình chỉ là tân binh mới, có rất nhiều bỡ ngỡ, nhất là cách thể hiện tâm lý nhân vật. Có nhiều đoạn thoại dài đến 6-7 trang giấy. Mình cứ lo diễn thì quên thoại và ngược lại. Phim đa số bối cảnh miền Tây sông nước nên em phải tự thân tập và diễn những cảnh chèo xuồng, nhảy sông, đánh nhau, đụng xe… mà không nhờ cascadeur. Cũng nhờ “tự thân vận động” như vậy mà khi xong phim, có cảm tưởng mình đã là dân miền Tây thứ thiệt”.

Sau những phút thăng hoa trong vai diễn, Ngô Long Hồ trở về với cuộc sống đời thường, nhưng nỗi lòng người nghệ sĩ cứ ám ảnh bởi nhân vật trong phim. Nhiều đêm Hồ không sao chợp mắt vì nhân vật cứ lơ lửng trong đầu. Bao lần tự nhủ xóa đi tất cả, nhưng hình ảnh “cầm dao rượt chém nhân tình” cứ ám ảnh trong đầu khiến anh phải xin đạo diễn nghỉ diễn một thời gian để lấy lại cân bằng tâm lý. Hồ tâm sự: “Để đem đến cho khán giả những thước phim hay, đắt, độc, diễn viên phải hóa thân vào nhân vật, diễn như thật, hóa thân sống với nhân vật. Cái khó nhất là lần diễn sau, không được lặp lại cảm xúc lần diễn trước. Diễn từ trong ruột, nội tâm diễn ra; không bị lẫn, không bị một màu. Những nhân vật khó diễn nhất thường bị ám ảnh nhiều nhất. Em đóng nhiều vai chính diện, phản diện, nhưng vào vai chuyện tình bi đát bao giờ cũng bị ám ảnh lâu nhất. Ngày mới đóng phim, nhiều đêm không ngủ vì nhân vật ám ảnh, còn bây giờ thì cũng đã quen rồi”.

Cũng bị ám ảnh như Ngô Long Hồ, Võ Minh Bảo luôn bị những nhân vật trong phim làm tim thao thức. Từ khâu nhận kịch bản, đọc thuộc lời thoại, đến hóa thân vào nhân vật luôn áp lực, khiến sau những cảnh quay, anh như người mất hồn bởi nhân vật trong phim ám ảnh. “Nhiều khi phải khóc, phải cười, nói một mình như người tâm thần. Tĩnh lại mới hiểu rằng, mình đang nhập vai. Những vai đóng phản diện, ác độc luôn bị ám ảnh em một thời gian dài, dù đã cố tình xóa đi khỏi bộ nhớ”, Bảo chia sẻ.

Khi quay phim ở giữa rừng già, hay miền đất lạ, hoặc lăn lộn với cát trên bờ biển, cái khắc khoải nhất của diễn viên là nhớ nhà. Quay ở thành phố thì chọn khách sạn rẻ tiền, quay ở biển thì nhờ ghe ngư dân, quay ở rừng dựng lều ở tạm. Nhưng cái đó chưa buồn bằng không hợp gu đạo diễn. “Chỉ cần sai sót, hoặc thiếu ý thức diễn xuất, hoặc không vừa ý là đạo diễn mắng liền. Nhưng vì niềm đam mê, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều khi phải cắn răng chịu đựng. Nếu không, phim sau đạo diễn không mời mình nữa”, Bảo trải lòng.

Nhiều người cứ nghĩ là diễn viên phim thì nhiều tiền và sung sướng, được đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ, đi đâu cũng có fan hâm mộ vây quanh, nhưng điều đó chỉ có ở những diễn viên có tên tuổi như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… Còn diễn viên chuyên đóng vai phụ thì hằng ngày vẫn phải tằn tiện chuyện “cơm áo gạo tiền”. Sau những ngày tháng chạy đua với vai diễn, lên rừng xuống biển quay phim, Ngô Long Hồ trở về căn nhà trọ của mình cùng 2 đồng nghiệp khác ở quận 5 (TP.HCM). “Ba chàng ngự lâm” tự đi chợ nấu ăn, tự dọn dẹp nhà cửa. Khác với những diễn viên nổi tiếng như Lý Hùng, Lâm Minh Thắng đến trường quay bằng xe ô tô xịn, hoặc lãng tử trên chiếc mô tô khủng đắt tiền, còn Ngô Long Hồ, Võ Minh Bảo tự đến trường quay bằng xe máy. Với tiền cát-sê như hiện nay, sau khi đã chi phí tiền ăn, tiền nhà trọ, số còn lại chẳng đáng là bao. Hồ tâm sự: “Điều cấm kỵ nhất đối với diễn viên, nghệ sĩ là không được tiết lộ thật về tiền, tình và tuổi. Trong giới diễn viên chúng em gọi là “3 T”. Với diễn viên nổi tiếng như các anh Lý Hùng thì một bộ phim có thể họ hưởng thù lao cao, còn diễn viên vai phụ thì trả tiền thù lao theo phân đoạn. Ví dụ, em đóng 40 phân đoạn trong một bộ phim thì được đạo diễn trả 2-3 triệu đồng/phân đoạn, tùy vào vai diễn đó quan trọng đối với bộ phim mà thù lao cao hay thấp”.

Đa phần những người dấn thân theo nghề diễn viên điện ảnh thường lập gia đình muộn so với tuổi tác. Ngoài suốt ngày tháng bận bịu với những cảnh quay, phim trường, thì họ muốn giữ hình ảnh của họ trong lòng công chúng. Chàng trai xứ hoa sen Đồng Tháp Mười Ngô Long Hồ đã vượt qua tuổi ba mươi, nhưng vẫn “đi về đơn lẻ”. 10 năm lăn lộn với nghề, anh trải qua 3 mối tình lãng mạn, nhưng rồi duyên tình chưa đặng, đành phải chia tay. Sau mối tình đầu tiên không nên duyên chồng vợ, anh si mê cô gái ngành tài chính ngân hàng. Rồi chuyện tình yêu của Hồ cũng “đứt gánh giữa đường” khi cô bạn gái đi du học nước ngoài và định cư luôn bên đó. “Nhiều bữa đi quay phim về, em cảm thấy cô đơn quá. Nhìn người ta có đôi có cặp mà thấy thèm. Công việc như một guồng máy không có thời gian để thở. Bây giờ em cũng tìm được tình yêu mới rồi”, Hồ chia sẻ. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top