Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hà Nội): Không để di sản "đội nón ra đi"

Thứ Sáu 25/10/2019 | 10:35 GMT+7

VHO- Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, TS Phạm Quốc Quân nhấn mạnh, với những giá trị văn hóa, khoa học không thể “chối cãi” được nữa tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thì chúng ta cần biến nơi đây thành công viên văn hóa khảo cổ. Đừng để nó mất đi sau rồi phải hối tiếc…

Mộ táng thuộc văn hóa Đông Sơn được phát hiện ở hố H2, năm 2019

TS Quân đã nêu ra ý kiến này tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức - Hà Nội) vừa được Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức.

Nếu quyết tâm giữ thì không có gì khó

Những phát hiện mới nhất tại di chỉ khảo cổ học 3000 tuổi Vườn Chuối đã tiếp tục củng cố, bổ sung nhiều giá trị hiếm có của khu vực này. Các chuyên gia khảo cổ, nhà khoa học đều rằng, “nếu chúng ta không bảo tồn được di chỉ hàng nghìn năm tuổi này là có tội với tiền nhân”.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Giám đốc Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội), chủ trì khai quật di chỉ Vườn Chuối cho biết đợt thăm dò, khai quật khu vực này trong gần nửa năm qua cũng là đợt khai quật quy mô lớn nhất so với 8 lần khai quật trước đây. Theo đó, trong đợt khai quật thứ 9, từ tháng 4.2019 tới nay tại di chỉ Vườn Chuối, các nhà khảo cổ, nhà khoa học tiếp tục phát hiện nhiều mộ táng, một trong những di vật có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Vườn Chuối và thời tiền sơ sử ở TP Hà Nội. Việc tìm ra những tầng văn hóa mới, liên tục là một trong những minh chứng cho sự phát triển, kế thừa, tiếp nối xuyên suốt của thời đại kim khí ở Thủ đô Hà Nội và phía Bắc Việt Nam. Các nhà khảo cổ cũng tìm được những tư liệu vật chất quan trọng như gò bếp, than tro, di vật liên quan đúc đồng của cư dân Gò Mun, Đông Sơn... Di tích lớn và quan trọng khác là các mộ táng Đông Sơn, minh chứng cho sự phân chia giai cấp cũng như văn hóa tâm linh của thời đại kim khí ở cư dân sơ sử thủ đô.

PGS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học VN nhận định, từ di tích tới di vật như đồ đá, đồ đồng, di cốt xương và đặc biệt là đồ gốm đã chứng tỏ diễn trình cư trú, định cư của cư dân sơ sử ở Hà Nội. “Tất cả di tích, di vật giúp chúng tôi đánh giá những giá trị tiêu biểu, đặc sắc nhất của Vườn Chuối trong đợt khai quật này. Cùng với kết quả 8 đợt khai quật trước, cuộc khai quật này đi tới kết luận ban đầu về giá trị lịch sử, khoa học rất lớn của Vườn Chuối”, PGS Bùi Văn Liêm nói.

TS Phạm Quốc Quân, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, cứ nói là khó thì thành khó. Nếu Hà Nội quyết tâm giữ Vườn Chuối, biến thành một công viên di sản thì không có gì khó cả. “Nếu bây giờ chúng ta chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế thì chỉ một thời gian nữa thôi, khi ngoảnh lại chúng ta sẽ chẳng còn gì”, TS Phạm Quốc Quân nói.

 Nhiều loại hình di tích được phát hiện khi thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối

Sẽ làm hồ sơ xếp hạng để có cơ sở bảo vệ di tích

Trước khi có kết quả khai quật, các nhà khoa học từng hơn một lần kêu cứu cho di chỉ hàng nghìn năm tuổi này. Lo ngại nguy cơ xóa sổ vĩnh viễn di chỉ hàng nghìn tuổi bởi thực tế di chỉ Vườn Chuối nằm trong đất dự án phát triển đô thị, hiện con đường vành đai chạy cắt ngang gò Vườn Chuối với khu Dền Rắn và Mỏ Phượng. Trước nguy cơ này, các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án bảo tồn. Phương án tối ưu là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối với 12.000 m2 cùng với diện tích còn lại của Dền Rắn và Mỏ Phượng. Với biện pháp khoanh vùng bảo vệ, không xây dựng bất cứ công trình nào, các nhà khoa học tiếp tục khai quật, nghiên cứu làm rõ giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ xếp hạng. Tuy nhiên, theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, hạn chế lớn nhất của phương án này là sự xung đột gay gắt giữa di sản với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố.

Phương án thứ hai, dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để dựng bia dẫn tích giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Các đơn vị chủ đầu tư xây dựng đường vành đai và chủ đầu tư dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần thực hiện khai quật di dời trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hóa. Phương án thứ 3, mong muốn bảo tồn một nửa di chỉ Vườn Chuối với khoảng 6.000m2 phía Đông di chỉ, khai quật nửa còn lại ở phía Tây. Song hành với khai quật nghiên cứu là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng kịp thời. Đây là phương án kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ với phát triển kinh tế, giao thông của thành phố. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho hay, tới nay Hà Nội gần như không có địa điểm khảo cổ học tiền sơ sử nào được bảo tồn, khai thác giá trị một cách hữu hiệu. Ngoài Hoàng thành Thăng Long, có lẽ đã đến lúc báo động tình trạng các di sản lần lượt “đội nón” ra đi. Là người trực tiếp khai quật 8/9 di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, GS Lâm Thị Mỹ Dung đề xuất phương án bảo tồn nguyên trạng. Bà cũng chỉ ra cần đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

 Các nhà khảo cổ, nhà khoa học tại di chỉ Vườn Chuối

Đồng tình phương án bảo tồn nguyên trạng, TS Phạm Quốc Quân đã nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự Hội nghị bảo tồn di sản rằng, cái gì cũng có thể làm lại được nhưng di sản thì không bao giờ, nhất là di sản chứa đựng nhiều tầng văn hóa rất đặc trưng của thời kỳ kim khí như di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. TS Quân đề xuất nên biến di chỉ Vườn Chuối thành công viên khảo cổ học, tạo ra không gian xanh cho đô thị.

Ông Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng, với giá trị lịch sử văn hóa to lớn đã được chứng thực qua nhiều lần khai quật nghiên cứu từ trước đến nay, cụm di chỉ Vườn Chuối xứng đáng được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và xếp hạng là di tích khảo cổ học của TP Hà Nội. Đặc biệt hơn, dạng di chỉ tiền sơ sử phản ánh nhiều giai đoạn phát triển văn hóa liên tục từ tiền Đông Sơn đến Đông Sơn như vậy trên đất Hà Nội không nhiều, hầu như đã bị xâm hại và “xóa sổ”. “Đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án bảo tồn hợp lý, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của Thành phố”, ông Đối kiến nghị.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Trần Đình Thành cho biết, với các kết quả khai quật và nghiên cứu vừa qua, Cục sẽ kiến nghị để tiếp tục mở rộng khai quật khảo cổ địa điểm này, tiến tới cần làm hồ sơ xếp hạng để có cơ sở bảo vệ di tích. Ông Thành cũng đề nghị BQL di tích, danh thắng Hà Nội tập hợp tư liệu, tài liệu để có cơ sở hình thành, chứng minh giá trị độc đáo của di chỉ khảo cổ này, từ đó trình TP Hà Nội xem xét. Trước mắt, trong khi chờ làm hồ sơ, tài liệu để kiến nghị xếp hạng di tích, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực cũng như có các biện pháp ngăn chặn nạn đào trộm cổ vật. Bộ VHTTDL sẽ cùng BQL di tích, danh thắng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội sớm làm việc với chính quyền địa phương để có những định hướng phù hợp. 

Trong khi chờ làm hồ sơ, tài liệu để kiến nghị xếp hạng di tích, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực cũng như có các biện pháp ngăn chặn nạn đào trộm cổ vật. Bộ VHTTDL sẽ cùng BQL di tích, danh thắng Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội sớm làm việc với chính quyền địa phương để có những định hướng phù hợp.

(Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa TRẦN ĐÌNH THÀNH)

 

 PHƯƠNG HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top