Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Các doanh nghiệp sản xuất lao đao vì dịch bệnh

Chủ Nhật 29/03/2020 | 12:54 GMT+7

VHO - Không chỉ các doanh nghiệp thuộc khối du lịch, dịch vụ, vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid–19, mà nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác cũng đang gặp khó khăn. Cắt giảm nhân lực, thu hẹp quy mô và sản lượng sản xuất, thậm chí tính đến đóng cửa nhà máy, đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.

Nỗi lo đơn hàng bị huỷ

Anh Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty chè Chiềng Đi (Sơn La) cho biết, đại dịch đã khiến nhiều đơn hàng xuất đi các nước của Công ty bị hoãn từ Tết đến nay. “Ban đầu là những đơn hàng xuất đi Đài Loan (TQ), Australia bị hoãn hồi tháng 2, sang đến tháng 3, khi có quyết định hoãn tổ chức Olympic 2020 tại Nhật Bản thì hầu hết các đơn hàng xuất đi Nhật để phục vụ Olympic đã bị hoãn. Dự tính, tình hình hiện tại, chắc khoảng 50% đơn hàng sẽ bị huỷ trong vòng 1 đến 3 tháng kế tiếp”, anh Trường cho biết.

Cũng theo anh Trường, với 30ha đồi chè thuê của 96 hộ gia đình tại các bản ở Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), công suất 200 tấn/ năm chè sạch xuất đi các nước, đợt dịch bệnh này khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Khác với các doanh nghiệp thương mại, sản phẩm của Công ty chè Chiềng Đi có thời gian từ khi bắt đầu sản xuất đến khi ra thành phẩm phải mất tầm 2 tháng và phải ứng toàn bộ tiền vật tư nông nghiệp và một phần tiền mặt cho dân nên việc không xuất được hàng là rất khó khăn. “Thu nhập của nông dân chỉ trông vào đồi chè, nên dù Công ty có bị ảnh hưởng, cũng phải tìm mọi cách để người dân ít bị ảnh hưởng nhất”.

Vườn chè của Công ty Chiềng Đi đang vào mùa thu hoạch nhưng đơn hàng đang bị huỷ

Cùng chung khó khăn do đại dịch gây ra, anh Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Hà Linh ở Thanh Oai, Hà Nội cũng cho biết, ngay khi dịch bùng phát trên diện rộng và số ca nhiễm ở Việt Nam tăng lên thì lượng hàng hoá của Công ty tiêu thụ bị sụt giảm rõ rệt. “Chưa bao giờ doanh số sụt giảm  như thế này. Công ty chúng tôi sản xuất phào chỉ trang trí nội thất, tấm ốp trần, ốp tường, mâm trần, hoa văn trang trí nội thất, khung tranh bằng nguyên liệu nhựa PU, PS  nên khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu trang trí nội thất ít đi, khiến sản phẩm bán ra bị sụt giảm”.

Cầm cự chờ thời

Đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, việc sản xuất mang tính cầm cự để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.

Đối với Công ty chè Chiềng Đi, anh Trường cho biết: Tình hình chung rồi nên phải chấp nhận thay đổi cơ cấu, thay bằng sản xuất theo kiểu có bao nhiêu nguyên liệu sản xuất bấy nhiêu thì giờ chỉ sản xuất những mặt hàng trọng điểm. Trước mắt, nhà máy cũng giảm từ 3 ca/ ngày xuống còn 2 ca và công nhân có thể luân phiên nghỉ. Công ty cũng phải xây kho lạnh giữ hàng để hỗ trợ khách hàng.

Mức tiêu thụ nhiều sản phẩm phào chỉ của Công ty Hà Linh đang bị sụt giảm

Anh Trần Hoàng, công nhân một công ty đinh blong, ốc vít ở Bắc Ninh cho biết, Công ty anh cũng đã cho 70% công nhân nghỉ việc, dưới các dạng: nghỉ tạm 2 tuần hưởng lương cơ bản, nghỉ phép năm, một số công nhân thì xin nghỉ hẳn hoặc nghỉ không lương để về quê, giảm được chi phí thuê nhà và ăn uống đắt đỏ ở thành phố.

Nhiều chủ doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn vì nguyên liệu đầu vào khan hiếm, sản phẩm đầu ra lại khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, nếu cho người lao động tạm nghỉ thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đảm bảo mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật, ngoại trừ thoả thuận được với người lao động về việc nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng.

Anh Trường đề nghị, để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, Nhà nước cần giảm các loại thuế, nhất là giá trị gia tăng vì đầu vào là phải đóng luôn rồi trong khi đầu ra là sản phẩm thì chưa bán được. Thuế giá trị gia tăng tính ra đã bằng 10% doanh thu. Do đó, nếu không miễn giảm được thì trước mắt nên hoãn khoản này để giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các khoản thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng cần được gia hạn để doanh nghiệp còn xoay sở vốn liếng, cầm cự chờ dịch bệnh qua.

HOÀNG HƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top