Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tràn lan hàng giả trên mạng xã hội: Xử lý như thế nào?

Thứ Năm 11/06/2020 | 11:14 GMT+7

VHO-Việc kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng trên Facebook, Zalo trở nên phổ biến. Do đó, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang là mối lo đối với các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam.

 Hiện nay, hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các ứng dụng di động như Zalo và trên mạng xã hội như Facebook trở nên phổ biến.  Một số đối tượng kinh doanh đã lợi dụng bán hàng online để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu của các thương hiệu lớn trên thế giới.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng thành viên của Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ công tác 368) thành lập đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình, thẩm tra xác minh, cùng nhiều các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện làm rõ các sai phạm trong thương mại điện tử để tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời khẩn trương và nghiêm túc. Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép tại số 3 ngách 12, ngõ 82 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội do bà Trần Thị Thanh Duyên làm chủ, cơ sở này không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.  Chủ cơ sở sử dụng tài khoản Zalo có tên GIẦY với số điện thoại và tên của bà Duyên để kinh doanh. Tại cơ sở này, một số mẫu giày mang thương hiệu Stan Smith, hãng Adidas bày bán ở Việt Nam không dưới 2.300.000đ nhưng bà Duyên chỉ rao bán trên Zalo có giá 150.000đ. Theo khai nhận của bà Duyên, cơ sở kinh doanh mua trôi nổi giày dép các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, sau đó bán cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh, đặc biệt chỉ bán theo mô hình online (ứng dụng Zalo) và tại gian hàng của các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm giày dép, tất, lót giày mà cơ sở đang kinh doanh được đóng gói trong các túi ni lông hoặc có hộp giấy chưa được gập hoàn thiện đi kèm, trên hàng hóa và hộp giấy có các nhãn hiệu Adidas, Nike. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ 5.182 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas, Nike để tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở kinh doanh giày dép này để đảm bảo xử lý triệt để, đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Lạng Sơn, ngày 9..6, Đội QLTT số 1 phối hợp với Công an thành phố, UBND phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn tiến hành kiểm tra, xử lý 3 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Theo đó, tại cửa hàng thời trang nam do ông Nguyễn Mạnh Tuấn làm chủ hộ, địa chỉ tại số 153C đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, đoàn kiểm tra phát hiện có 24 cái áo phông nam người lớn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu GUCCI. Hộ kinh doanh thường xuyên quảng cáo, bán hàng qua trang mạng xã hội Facebook, Zalo “Vũ Tuấn Anh”. Tại cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn do ông Tô Thanh Long, Ki ốt số 132 - 134 chợ đêm Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu GUCCI gồm 10 bộ quần áo phông nam, 13 chiếc áo phông nam cộc tay. Hộ kinh doanh thường xuyên quảng cáo, bán hàng qua trang mạng xã hội Facebook “Tô Thanh Long”. Tại cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn do bà Vũ Thị Huyền làm chủ hộ, chỉ chỉ số 25 đường Thân Công Tài, phường Hoàng Văn Thụ, đoàn kiểm tra phát hiện có 13 cái áo thể thao nam cộc tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE. Hộ kinh doanh thường xuyên quảng cáo, bán hàng qua trang mạng xã hội Facebook “Huyền Vũ”…

Đây chỉ là một vài vụ việc bị phát hiện, xử lý chỉ trong mấy ngày gần đây. Hiện nay, hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường và  chủ yếu được bán qua mạng xã hội đang trở thành mối lo cho người tiêu dùng và gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý. Hiện tại, có hàng trăm nghìn người ngày đêm bán hàng trên mạng xã hội, trong đó có những mặt hàng hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoá mỹ phẩm, dược phẩm… không đảm bảo chất lượng đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng. Đặc biệt, những mặt hàng trên giả hiệu các thương hiệu lớn trên thế giới kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ thương mại của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, nhất là khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với các đối tác lớn.  

Một đôi giày Adidas chính hãng có giá khoảng vài triệu đồng, thì trên mạng chỉ bán vài trăm nghìn đồng. Một chiếc đồng hồ chính hãng có giá khoảng chục triệu đồng, thì trên mạng chỉ bán cũng chỉ vài trăm nghìn đồng. Các mặt hàng này thường có giá rẻ giật mình, đánh đúng vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Mua bán hàng hóa trên mạng xã hội nhiều người biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn mua. Cũng có nhiều trường hợp thật giả, vàng-thau nhiều lẫn lộn, hàng nhái, hàng giả nhưng bán giá hàng…xịn, chỉ rẻ hơn 20 – 30%,   người bán khăng khăng là hàng chính hãng khiến người tiêu dùng dính những cú lừa, khi khi về sử dụng mới phát hiện hàng kém chất lượng. Mua hàng qua mạng, người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo thường ngậm bồ hòn làm ngọt vì  nhiều những địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với các cơ quan chức năng nên không biết địa chỉ tại đâu. Nhiều trường hợp bị phản ánh, người kinh doanh lập tức khóa tài khoản là… xong.

Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tình trạng mua bán trên các mạng xã hội rất phổ biến. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng là rất khó khi mà việc trao đổi, mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán không thông qua đơn vị kiểm soát chất lượng nào. Do đó, rất khó để xử lý các trường hợp gian dối.

Để hàng giả, hàng nhái hết đất sống trên mạng xã hội, cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua bán hàng online. Đồng thời, có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi gian dối, trục lợi, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng. Với những cơ sở kinh doanh có địa điểm cụ thể, lực lượng chức năng như công an, QLTTcòn phải căng mình ra để kiểm soát, xử lý thì với hàng trăm nghìn, hàng triệu người bán hàng online như hiện nay, việc kiểm soát, xử lý không khác nào bắt cóc bỏ đĩa, đặc biệt bán hàng online đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và là xu hướng tất yếu thay cho các hình thức bán hàng thông thường.

Q.XƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top