Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Băn khoăn về thời gian, lộ trình thay sổ hộ khẩu

Thứ Tư 17/06/2020 | 11:33 GMT+7

VHO-  Chiều qua 16.6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến đều đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật để đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; đổi mới hình thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý cư trú, bảo đảm tính khoa học, công khai, minh bạch và thuận tiện cho đăng ký, quản lý cư trú.

 

 Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) phát biểu góp ý dự án Luật Cư trú (sửa đổi) Ảnh: QUỐC HỘI

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật có những nội dung mới cơ bản như thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân. Một nét mới nữa trong dự thảo Luật là Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đề nghị làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu, theo lộ trình, nhất là với những vùng đặc thù như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào sống phân tán, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin… cần có thêm nhiều thời gian cho sự thay đổi này. Đánh giá rằng đây là thay đổi mang tính đột phá về cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) băn khoăn về tính khả thi của qui định này và đề nghị làm rõ hơn một số vấn đề. Bởi trên thực tế, sổ hộ khẩu là nhu cầu không thể thiếu, gắn liền với nhiều giao dịch, chứng minh nhân thân của người dân nhưng theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến đến tháng 6.2021 mới đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành trong khi mục tiêu đề ra lại là đến tháng 12.2020, sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Cho rằng sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới, bỏ cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại suốt 70 năm qua với những vai trò, ý nghĩa quan trọng với mỗi gia đình, quốc gia, bằng mã số định danh cá nhân là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng chung của thế giới, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nhấn mạnh, phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư; cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân. Bà Huyền cũng cho rằng để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai dự án luật khi luật có hiệu lực thi hành, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân mà Bộ Công an đang triển khai.

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và còn khoảng 80 triệu công dân trong khi mốc thời gian đề ra để hoàn thành là tháng 12.2020. Đại biểu Đức e ngại tiến độ này là khó khả thi, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị giao dịch pháp luật từ ngày 1.7.2021 có thể gây ách tắc, xáo trộn. Từ đó đại biểu Đức đề nghị dự luật cần xem xét lộ trình thực hiện, trong đó có giai đoạn quản lý điện tử không cấp mới nhưng vẫn công nhận giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và xác lập các giao dịch quan hệ của công dân trong thời gian nhất định.

Giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thành việc cấp mã số định danh cá nhân và sẽ hoàn thành đúng thời gian, lộ trình như trong tờ trình của Chính phủ.

  Theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và còn khoảng 80 triệu công dân trong khi mốc thời gian đề ra để hoàn thành là tháng 12.2020. Đại biểu Đức e ngại tiến độ này là khó khả thi, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì việc quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị giao dịch pháp luật từ ngày 1.7.2021 có thể gây ách tắc, xáo trộn.

THU SÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top