Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nguyễn Bình An: Ngồi xe lăn bán vé số, nuôi mộng lớn vươn đến đỉnh cao

Thứ Sáu 19/06/2020 | 11:27 GMT+7

VHO-  Cuộc đời của Nguyễn Bình An - đô cử không may liệt cả hai chân khi còn nhỏ có thể gói gọn trong hai vế câu như tiêu đề chia sẻ. Những chuyến xe lăn với tấm vé số trên tay thường nhật là cách để anh nuôi dưỡng giấc mơ lớn lao với cử tạ. Đó là một giấc mơ không chỉ cho anh mà còn là cho niềm tự hào của thể thao khuyết tật Việt Nam.

 Bình An (thứ 2 từ trái qua) là một trong những VĐV nhận tài trợ dài hạn của Herbalife Việt Nam

Nỗi buồn này ai thấu

Nguyễn Bình An đã có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ tại Trà Vinh, nếu như không có cơn sốt bại liệt quái ác khi lên 6 tuổi. Cơn sốt ấy đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân khỏe mạnh của anh. Nhưng ngay cả trong nỗi đau mà ít ai có thể đồng cảm, sẻ chia, Bình An vẫn cố gắng để không là nỗi buồn, là gánh nặng cho gia đình, cho bố mẹ của anh.

Năm 14 tuổi, anh được một người quen giới thiệu lên tập luyện tại Trung tâm Chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh. Người con trai duy nhất trong gia đình thuần nông vốn dĩ đông anh chị em quyết định ra đi. Thực tế khi ấy, anh không nghĩ về một vận may, hay đây là một cơ hội để đổi đời. Chàng thiếu niên 14 tuổi lúc bấy giờ chỉ đơn giản nghĩ nếu lựa chọn ra đi, bố mẹ anh sẽ bớt đi một khoản chi phí dành cho mình.

Lên trung tâm, Bình An cố gắng tìm cho mình một cái nghề. Gần 2 năm sống ở trung tâm và học hành chăm chỉ, anh thành thạo được nghề may. Nhưng sự lạnh nhạt, định kiến đối với chàng trai khuyết tật khiến anh không thể mưu sinh với cái kim, sợi chỉ. “Nhưng tôi không muốn trở về để khiến bố mẹ bận tâm. Tôi quyết định bán vé số kiếm tiền, coi như là một cái nghề nuôi sống mình lúc ấy”, Bình An chia sẻ.

Bánh lăn số phận

6 năm trời, vòng quay của bánh xe lăn đưa Bình An đến nhiều điểm khác nhau ở Trà Vinh. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cuộc sống của An với vé số, với chiếc xe lăn cứ diễn ra như vậy. Rồi đến một ngày của năm 2008, bánh lăn của chiếc xe đưa anh đến phòng tập tạ và gặp HLV Nguyễn Hữu Nhân. Chứng kiến Bình An phải ngày ngày vất vả “lận lưng” bằng nghề bán vé số, lại thấy anh có tố chất với hai cánh tay rắn rỏi, HLV Hữu Nhân đã tạo điều kiện cho anh tập luyện miễn phí. Thậm chí, chính thầy Nhân luôn động viên và hướng dẫn nhiệt tình để Bình An đam mê thật sự với cử tạ.

Từ ước mơ trở thành một đô cử nhen nhóm qua một lần xem tivi trước đó 5 năm, Bình An đã có dịp được biến mong muốn của mình thành hiện thực. Điều quan trọng là ngay cả khi anh nản lòng, thầy Nhân vẫn luôn ở bên để động viên, tạo điều kiện hết sức có thể cho anh.

Mơ ước trên đỉnh thế giới

Bất cứ ai đều có quyền ước mơ. Và với Bình An, khát vọng của anh cũng lớn lao, thậm chí là vĩ đại chẳng kém cạnh những người khác. 9 năm qua, từ một chàng trai mới chỉ mơ được chạm vào tạ, Bình An đã trở thành một vận động viên tiêu biểu của Đoàn Thể thao khuyết tật người Việt Nam. Năm 2010, anh tham dự giải toàn quốc và giành ngay HCV hạng 52 kg với tổng cử là 154 kg. Ba năm sau, ở giải vô địch châu Á, đô cử người Trà Vinh tiếp tục giành HCV ở hạng 54 kg, với tổng cử 170 kg - con số giúp anh phá kỷ lục châu Á ở nội dung này.

Bình An bắt đầu được người ta nhắc đến như một lực sỹ cử tạ hàng đầu của thể thao khuyết tật Việt Nam. Thậm chí, sự hỗ trợ một cách trọng điểm về dinh dưỡng, đãi ngộ từ Herbalife Việt Nam còn giúp anh vươn tầm lên đẳng cấp thế giới. Cụ thể ở giải vô địch thế giới năm 2016, Bình An đoạt HCV với tổng cử 180 kg. Dù rằng với cá nhân An, đó chưa phải là cột mốc ấn tượng nhất mà anh có được như kỳ vọng.

Nhưng có một điều mà Bình An vẫn còn đau đáu. Đó là giành được một tấm huy chương ở Paralympic - Thế vận hội dành cho người khuyết tật. Và vì đỉnh cao chưa thể chinh phục ấy, anh vẫn miệt mài tự tập luyện hằng đêm, sau khi kết thúc một ngày bán vé số mưu sinh cuộc sống. “Tôi tâm niệm sẽ mang về huy chương Paralympic. Cũng vì thế mà tôi sẽ chơi đến chừng nào hết pin thì thôi. Không có giải tôi vẫn luyện tập bình thường”, Bình An bày tỏ niềm quyết tâm và niềm hy vọng to lớn. 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top