Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhường nhịn trong tham giao thông: (Bài 2) - Đừng là hai con dê qua cầu

Chủ Nhật 28/06/2020 | 10:00 GMT+7

VHO- Nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, vì vậy cần có những ứng xử có văn hóa đơn giản là việc đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường, chấp hành hiệu lệnh, nhường đường khi có thể…

Hơn 3.200 người tử vong vì tai nạn giao thông

Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có báo cáo số liệu về tình hình tai nạn giao thông trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15.12.2019 đến 14.6.2020), toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. Riêng trong tháng 6.2020 (từ ngày 15.5.2020 đến 14.6.2020) toàn quốc xảy ra 1135 vụ tai nạn giao thông làm chết 489 người và làm bị thương 871 người; đáng lưu ý, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 615 vụ, làm chết 476 người, bị thương 342 người.

Trung bình mỗi ngày có 18 người chết vì tai nạn giao thông 

Mới đây nhất, vào tối muộn ngày 25.6, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) khiến một nam nhân viên bán vé xe bus (sinh năm 1969) tử vong khi đang đi bộ sang đường. Ngay sau đó người gây tai nạn bỏ chạy, cơ quan đang điều tra vụ việc. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông chỉ cần chậm 1 giây thôi để dừng lại hay giảm tốc, nhường đường cho người đi bộ thì có lẽ điều tồi tệ nhất đã không xảy ra, cái chết đã không đến với người nhân viên kia, vợ con anh ấy không mất đi một chỗ dựa vững chãi trong gia đình.

Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã mất đi hơn 3.200 người, những mất mát đó thật kinh hoàng và vô nghĩa, khiến hơn mỗi ngày có hàng chục gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát và đau thương, những đứa trẻ mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi những người bố, người mẹ mất đi những đứa con bao năm nuôi dưỡng và xã hội cũng đã mất đi những công dân còn trong độ tuổi lao động… Những vụ tai nạn giao thông đau lòng này chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân thiếu ý thức chấp hành quy định, luật lệ giao thông, thể hiện ở việc lạng lách, đánh võng, uống rượu bia, lấn làn, vượt ẩu, dù đường chật hẹp nhưng không muốn nhường… của một bộ phận người tham gia giao thông.

Dù tắc đường nhưng mỗi người "đi theo cách của mình"

Trao đổi với Văn Hóa, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, phương tiện đi lại của ông chủ yếu là xe đạp điện. Nhận xét giao thông Thủ đô, ông cho rằng có quá nhiều phương tiện cá nhân, làn đường có phân chia rồi nhưng mọi người đi không tuân thủ một cách bất chấp, ngã tư nào không có cảnh sát giao thông thì vượt đèn đỏ, dần dần thành thói quen. So sánh với giao thông ở Mỹ, đại biểu Dương Trung Quốc kể: Dù ngã tư bị hỏng đèn tín hiệu giao thông nhưng lái xe vẫn nhìn xung quanh để điều khiển, nếu 2 xe đi ở luồng này đi thì 2 xe ở luồng bên kia không ai bảo ai tự dừng lại. Còn ở Việt Nam, khi tham gia giao thông, để an toàn cho mình, chỗ nào đông đúc thì ông tránh dù chậm 1 chút cũng được.

Hai con dê cùng rơi xuống vực...

Theo các chuyên gia, để có được giao thông tốt thì ngoài hệ thống hạ tầng cơ sở đáp ứng được phát triển thì phải có những con người tốt, và ứng xử tốt giữa con người với con người, biết nhường nhịn, biết chia sẻ.

Những hành vi đẹp là nhường đường cho người đi bộ qua đường, tỏ lòng cảm ơn khi được nhường đường, cái bắt tay hòa giải khi chẳng may va chạm giao thông và tuân thủ nghiêm luật lệ giao thông… “Giáo dục xã hội là một quá trình, nếu có những hành vi, ứng xử đẹp hình ảnh tốt thì cần khuyến khích, lan tỏa nhiều hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo dục các bạn trẻ, trong gia đình và nhà trường. Làm sao xây dựng được ý thức ứng xử có văn hóa là có lợi cho chính mình chứ không phải cho người khác”, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.

Đường chật hẹp nhưng không lái xe nào có muốn nhường

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nói đến văn hóa giao thông thì cốt lõi phải biết nhường nhịn. Nhưng tính cách của người Việt dường như là không ai chịu nhường ai cả, ai cũng muốn vượt lên, ai cũng muốn đi trước, thậm chí còn cho rằng nhường là yếu, là đuối hơn người kia. “Câu chuyện điển hình nhất là hai còn dê qua cầu, đi ngược chiều nhau, chỉ cần 1 con biết nhường nhịn thì cả 2 qua cầu sẽ nhất nhanh, nếu không thì sẽ đôi co và hậu quả là cả 2 cùng rơi xuống vực. Việc tham gia giao thông cũng như vậy, đừng là 2 con dê qua cầu”, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.

Giáo dục ý thức, văn hoá khi tham gia giao thông phải bắt đầu từ mỗi gia đình, ông bà, cha mẹ phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhắc nhở các thành viên trong gia đình có ý thức tham gia giao thông, đặc biệt người lớn phải gương mẫu, phải có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em noi theo. Đây cũng là môi trường giáo dục đầu tiên đối với mỗi con người. Anh Hà Kiên Trung (Hà Nội) – người thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi chia sẻ clip về thói quen nhường đường cho người đi bộ của mình cho biết, mỗi lần đang lái xe mà thấy anh dừng lại thì các con anh hỏi: Bố nhường đường cho người đi bộ à. Và anh tin rằng, khi lớn lên, các con anh cũng sẽ làm như vậy.

QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top