Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Lại chuyện tranh giả, tranh nhái: Còn quá nhiều lỗ hổng

Thứ Hai 20/07/2020 | 10:35 GMT+7

VHO- Vụ “đạo nhái” tranh cổ động mới đây chưa kịp… lắng xuống thì giới nghề lại xôn xao trước thông tin một tác phẩm ở Cần Thơ bị thu hồi giải thưởng năm 2019 cũng vì sao chép ý tưởng.

 M thut Vit li nhc nhi vi nn xâm phm bn quyền

Tuy nhiên, cả hai vụ việc xâm phạm bản quyền mỹ thuật này không thuộc diện hiếm hoi giữa một thị trường đầy rẫy tranh giả, tranh nhái. Có điều, sau mỗi vụ việc xảy ra như vậy, giới nghề và dư luận lại tiếp tục băn khoăn trước những lỗ hổng về định hướng, về thẩm định tranh thật - giả.

Ngây ngô về bản quyền

Ngược thời gian một chút, công chúng và các nhà sưu tập mỹ thuật đã chứng kiến vô số những vụ việc xâm phạm bản quyền gây nên những nhức nhối. Dư luận hẳn chưa quên cuộc triển lãm đình đám “Những bức tranh trở về từ châu Âu” với 100% là những tác phẩm giả, đạo, nhái. Dư luận hẳn cũng chưa quên vụ việc hàng loạt tranh cổ động của các giảng viên được trao giải trong một cuộc thi bị tố đạo, nhái hồi năm ngoái. Rồi vụ việc hàng loạt tác phẩm của các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền đưa lên áo dài để bán kiếm lời...

Giới nghề mỹ thuật vô cùng bức xúc khi liên tiếp bắt gặp những “đứa con tinh thần” của mình bị sao chép vô tội vạ. Một group đã được thành lập với tên gọi “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” đến nay đã có trên 1.300 thành viên tham gia. Thế nhưng, tựa như hai đường thẳng song song, một bên vẫn là những tiếng nói lên án vấn nạn xâm phạm bản quyền và một bên là sự tiếp diễn chưa thấy điểm dừng của ngàn lẻ câu chuyện đánh cắp chất xám, bản quyền tranh. Có điều, sau bao vụ đạo tranh bị phát giác thì đến nay gần như chưa có một sự vụ nào được giải quyết một cách thấu đáo về vấn đề tranh xâm phạm bản quyền tác giả.

Vụ việc họa sĩ Dương Ngân Hải thừa nhận đã vi phạm bản quyền nhưng vẫn gửi tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền – Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một trong những ví dụ điển hình. Điều đáng nói là, lời xin lỗi dư luận của tác giả này lại khiến cho người nghe càng thấy rõ một thực trạng đáng báo động về ý thức tôn trọng bản quyền của không ít nghệ sĩ hiện nay. Trước đó, tác giả Dương Ngân Hải cũng đã bị phát hiện một tác phẩm tranh cổ động đạo, nhái và đoạt giải tại một cuộc thi khác. Khi thông tin về vụ việc tranh cổ động xâm phạm bản quyền dự thi còn chưa kịp lắng, dư luận lại xôn xao khi tiếp tục một tác phẩm tranh đoạt giải Nhất cuộc thi mỹ thuật năm 2019 do Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ tổ chức bị thu hồi giải vì nghi sao chép từ ảnh chụp của người khác. Tuy nhiên, tác giả này không thừa nhận và gửi đơn ra tòa. Tiếp nhận thông tin và có phản hồi gửi tới Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ về vụ việc, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, tác phẩm tranh lụa đoạt giải tại cuộc thi này có hình tượng chính giống ảnh chụp đến 90%. Tác giả đã lấy ý tưởng, hình tượng nhân vật của ảnh, chỉ thêm một vài chi tiết nhưng không thay đổi bố cục chung.

Bc nh ca tác gi người Pháp chp năm 1961

Theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, sự vi phạm bản quyền là rõ ràng trong việc sao chép ảnh của tác giả người nước ngoài để thực hiện tác phẩm. Ban Kiểm tra Trung ương của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, tác giả là người lười suy nghĩ, sao chép ảnh tác phẩm của người khác để thể hiện tác phẩm tranh lụa của mình, nhưng không chịu thừa nhận sai phạm, không tiếp thu ý kiến của Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi là không thực hiện đúng với Luật Bản quyền tác giả. Cuộc thi nào cũng vậy, việc thẩm định, chấm chọn các tác phẩm đều được triển khai các bước theo quy trình. Theo Cục Văn hóa cơ sở, ở những cuộc thi sáng tác tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền đều thành lập BTC, Ban giám khảo và Tổ tư vấn. Quy trình chấm giải cũng được đảm bảo chặt chẽ. Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra những vụ việc tác phẩm vi phạm bản quyền dự thi.

Ở đây, phải nói đến vấn đề trách nhiệm của những người có tác phẩm tham gia. Bởi các cuộc thi sáng tác đều đưa ra thể lệ yêu cầu các họa sĩ, người có tác phẩm tham gia phải thực hiện và tuân thủ, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến bản quyền tác giả. “Để khắc phục và đẩy lùi những hành vi vi phạm về quyền tác giả trong các cuộc thi tranh cổ động thời gian tới, yếu tố đầu tiên vẫn là vấn đề về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm đối với cộng đồng của mỗi nghệ sĩ...”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh.

Lỗ hổng thẩm định

Một câu chuyện cũng được đặt ra là, ngoài sự cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp thì công tác thẩm định tranh thật- giả dường như cũng đang tồn tại những lỗ hổng. Tại buổi làm việc mới đây của Bộ VHTTDL về vấn đề bản quyền mỹ thuật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh vấn nạn tranh giả đang tồn tại như một “ung nhọt” làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nền mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, để giải quyết còn có nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành phần của thị trường mỹ thuật phải liên kết với nhau, quyết liệt, rốt ráo, hổng chỗ nào phải tìm giải pháp lấp chỗ đó.

Một trong những lỗ hổng dẫn đến việc kéo dài thực trạng tranh giả làm rối thị trường mỹ thuật Việt là vấn đề thẩm định. Ở các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, theo bà Ninh Thị Thu Hương, việc kiểm soát hình ảnh của các tác phẩm nghệ thuật trên toàn cầu để đảm bảo không còn hiện tượng vi phạm quyền tác giả là một thách thức rất lớn. Vì vậy, trong bước rà soát cuối cùng, BTC cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật hình ảnh, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, xác định hình ảnh bị sao chép trong các tác phẩm do Ban giám khảo đã lựa chọn trước khi công bố và trao giải thưởng.

c phm tranh la Ngày thơ” ca tác gi Võ Th Xuân Ca

Ngoài ra, tại nhiều cuộc thi sáng tác hay các triển lãm mỹ thuật nói chung đang diễn ra thường xuyên trong cả nước, bên cạnh vấn đề trách nhiệm người làm nghề, dư luận cũng đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của những người “cầm cân nẩy mực” trong các cuộc thi, hoặc tuyển chọn tác phẩm để bày triển lãm ở đâu? Triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” là một ví dụ điển hình về lỗ hổng thẩm định tác phẩm trưng bày tại các nhà triển lãm, bảo tàng. Theo lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam, nâng cao trình độ của các nhà thẩm định cũng đang là một vấn đề nhằm khắc phục tình trạng thiếu minh bạch trên thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Mặt khác, nhu cầu và thói quen thẩm định tranh cũng chưa hình thành ở đa phần công chúng. Nhiều người còn chấp nhận việc mua những tác phẩm tranh chép với giá tiền vừa phải mà không quan tâm đến vấn đề bản quyền tác phẩm, với lý do tranh xịn... quá đắt. Ví như mới đây có người nhờ mua một bức tranh sơn mài để tặng vị khách nước ngoài, khi nghe giá một bức vừa vừa, của một tác giả vừa vừa với giá khoảng 4-5.000 đô đã ngay lập tức “cụp vòi”, rồi nói “thôi ra ngoài kia mua cho nó rẻ”. Họa sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh chia sẻ, nhằm khắc phục vấn nạn tranh giả, Bộ VHTTDL đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám định với vai trò như một “trọng tài” xác định tính chất thật- giả của các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Nhưng trên thực tế, số khách hàng có nhu cầu thẩm định tìm đến Trung tâm rất… nhỏ giọt. Nhiều người đưa tranh đến rồi lại ra về, lý do là không muốn thông qua giám định lại phát hiện ra đã mua phải tranh giả. Trong khi đó, rất nhiều trong số những tranh được đưa đến Trung tâm được làm giả lộ liễu, nhìn qua bằng mắt cũng phát hiện ra chứ chưa cần đến sự hỗ trợ của máy móc.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ sự tồn tại của một thị trường tranh thiếu định hướng, không chuẩn mực. Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Ngô Quang Dương cho biết thêm, nhiều người, bao gồm cả họa sĩ đã và đang sống rất khỏe qua việc làm tranh giả, tranh nhái. Đặc biệt, nhận thức thiếu hụt của các nhà sưu tầm, chơi tranh khi cho rằng đỉnh cao của hội họa Việt Nam chỉ có tác phẩm của các danh họa thời kỳ mỹ thuật Đông Dương đã dẫn đến những câu chuyện “dở khóc dở cười” của nền mỹ thuật, kiểu như nhiều họa sĩ sau khi qua đời còn bán tranh hơn rất nhiều lần khi còn sống... 

 Sự vi phạm bản quyền là rõ ràng trong việc sao chép ảnh của tác giả người nước ngoài để thực hiện tác phẩm. Ban Kiểm tra Trung ương của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định, tác giả là người lười suy nghĩ, sao chép ảnh tác phẩm của người khác để thể hiện tác phẩm tranh lụa của mình, nhưng không chịu thừa nhận sai phạm, không tiếp thu ý kiến của Ban giám khảo và Ban tổ chức cuộc thi là không thực hiện đúng với Luật Bản quyền tác giả.

 THANH PHƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top