Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sân khấu hóa diễn xướng Hầu đồng

Thứ Hai 20/07/2020 | 10:35 GMT+7

VHO- Vừa qua, chương trình Quan Tuần giá ngự đã được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam công diễn tại 71 Kim Mã, Hà Nội. Sân khấu hóa nghi lễ Hầu đồng, các nghệ sĩ đã đưa khán giả tiếp cận gần hơn với Đạo Mẫu Tứ phủ, một trong những tín ngưỡng bản địa của văn hóa dân gian Việt Nam.

 Th trưởng T Quang Đông và Quyền Cc trưởng Cc Ngh thut biu din Nguyn Quang Vinh tng hoa động viên các ngh sĩ sau đêm diễn

Những màn trình diễn thăng hoa là sự tổng hoà từ âm nhạc, diễn xướng, ca hát, đã mang đến cho khán giả một đêm thưởng thức nghệ thuật đầy hưng phấn và xúc cảm.

Sân khấu hóa tín ngưỡng dân gian

Quan Tuần giá ngự là công sức và tâm huyết của đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan cùng sự tham gia của các thanh đồng, cung văn nổi tiếng trong Nhà hát Chèo Việt Nam như: NSƯT An Chinh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ tài năng trẻ Thục Hiền, NSƯT Lê Chử Long, Hoàng Điệp, Thái Sơn, Văn Phương, Thành Lê, Mẫn Đức Kiên cùng hơn 70 nghệ sĩ, cán bộ và những người làm kỹ thuật tham gia.

Chia sẻ lý do đưa tín ngưỡng nghi lễ Hầu đồng lên sân khấu chèo, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhà hát Chèo Việt Nam đã sân khấu hoá không gian diễn xướng sinh động này để khán giả trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm những nét độc đáo từ văn hoá tâm linh và nghệ thuật dân gian. Trước đây, rất nhiều người lầm tưởng nghi lễ Hầu đồng mang màu sắc “mê tín dị đoan”. Thực ra, các nhân vật trong mỗi “giá đồng” đều có những huyền tích về sự xuất hiện của họ, thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang bờ cõi nơi họ hiển linh. Vì vậy, việc tôn vinh tín ngưỡng Hầu đồng là việc rất nên làm”.

Quả thực khi xem Quan Tuần giá ngự, khán giả sẽ có thêm những hiểu biết về loại hình văn hoá dân tộc đặc sắc trong tín ngưỡng này. Qua lăng kính nghệ thuật, các nghi thức diễn xướng Hầu đồng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Một sân khấu rực rỡ, sôi động, nhiều cung bậc sống động đã tái hiện trọn vẹn đời sống tâm linh, văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt. Khán giả sẽ thấy bàn tay dàn dựng “có nghề” mang thương hiệu riêng của Nhà hát bởi sự công phu, kỹ lưỡng từ trang trí sân khấu cho tới trang phục biểu diễn của thanh đồng, cung văn và những người “hầu dâng”, tấu nhạc phụ họa. Những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của thương hiệu Chèo trung ương đã thỏa sức đua tài khi thay nhau nhập vai từng nhân vật trong các giá đồng như các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu với những cử chỉ, ánh mắt đầy chất “nhập đồng” đến mê hoặc.

Một giá hầu trong chương trình “Quan Tuần giá ngự”

Cả khán phòng Nhà hát Chèo Việt Nam rộn rã những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt suốt chương trình, hơn thế, rất nhiều khán giả đã “live stream” để “khoe” với bạn bè trên mạng xã hội về lĩnh vực nghệ thuật độc đáo mà mình đang được thưởng thức. Trong số những người trẻ có Vũ Thị Hồng Hảo, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài, bạn chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở Nam Định nên ngay từ bé đã được nghe Chầu văn và Chèo. Ở dưới quê em, nghi lễ Hầu đồng được thực hiện ở nhiều địa điểm như nhà thờ tổ, đền, phủ và trong các dịp lễ hội. Em thường xuyên theo dõi fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam và biết tới sự kiện này nên đã rủ bạn trai cùng đi xem. Bạn em lần đầu được thưởng thức và đã rất ngỡ ngàng vì không ngờ chương trình lại hay, hấp dẫn đến thế”. Được biết, Hảo và bạn cô đã mua 300.000 đồng cho một đôi vé theo hình thức mua 1 tặng 1 mà Nhà hát đang áp dụng, nhằm thu hút khán giả trở lại sau đại dịch Covid-19. Nhà hát đã dành tặng những ghế trống còn lại cho người thân, bạn bè để tạo sự hưng phấn cộng hưởng cho nghệ sĩ và cả khán giả khi xem.

Sẽ có “đầu ra” cho nghệ thuật Chèo

Tới thưởng thức Quan Tuần giá ngự có rất nhiều đối tượng khán giả, nhưng phần đông là những người lớn tuổi. Anh Thanh Sơn, một cán bộ nhà nước chia sẻ: “Đây là một chương trình nghệ thuật rất hay, hấp dẫn và nếu được quảng bá tốt sẽ có đất sống lâu dài. Khán giả đến xem đa phần là những người đã nghỉ hưu nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lo toan về kinh tế hay chuyện cơm áo gạo tiền. Họ đến để được thư giãn và chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc. Tôi cho rằng khi con người ta đã nhẹ bớt gánh nặng đời thường thì việc trở về nguồn như thế này sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu”.

Với khán giả là vậy, còn các nghệ sĩ cũng cảm thấy vô cùng hào hứng. NSƯT Kim Liên chia sẻ: “Khi tham gia diễn chương trình này, chúng tôi đều rất phấn khởi. Nghi thức Hầu đồng là một di sản văn hoá phi vật thể gần gũi với nghệ thuật Chèo. Nghệ sĩ được diễn đa dạng về tính cách qua từng giá đồng. Thông qua chương trình, Nhà hát chúng tôi có cơ hội khoe với khán giả những giọng ca và những nghệ sĩ tài năng của mình”.

Quan Tuần giá ngự là sự tổng hoà của ca hát - diễn xướng - múa dân gian vô cùng đặc sắc và chắc chắn sẽ là một sản phẩm độc đáo để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Vấn đề là làm thế nào để những sản phẩm như thế này được lựa chọn diễn phục vụ khán giả trong các tour du lịch. Trao đổi với Văn Hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: “Chắc chắn sẽ phải có sự kết hợp giữa ngành du lịch và ngành nghệ thuật biểu diễn để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn. Cuối tháng 7 này, Bộ VHTTDL sẽ mời một số nhà hát trong đó có Nhà hát Chèo Việt Nam để cùng bàn bạc, xây dựng các chương trình nghệ thuật kết hợp với du lịch. Đã đến lúc nghĩ tới việc cần phải lựa chọn một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đưa vào chương trình mang tính bắt buộc để tạo nên tính chuyên nghiệp trong một tour du lịch Việt Nam. Chúng ta cần những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc như Quan Tuần giá ngự với những giọng ca và nhạc công Chèo hàng đầu của cả nước để giới thiệu với du khách chứ không thể lựa chọn những chương trình thiếu tính chuyên nghiệp, đơn giản chỉ để đỡ tốn kinh phí đi tour như hiện nay”.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông thì việc trước mắt là các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam cũng như các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc cần phải có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao để có thể sẵn sàng “tác chiến” phục vụ khách du lịch vào bất kì địa điểm cũng như thời gian nào. Đây cũng làmột trong những giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung. 

 THUÝ HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top