Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Việt Nam sẽ tổ chức SEA Games 31 một cách tốt nhất

Thứ Tư 22/07/2020 | 10:04 GMT+7

VHO-  Diễn ra trong bối cảnh khi nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) và thế giới vẫn phải đối mặt với đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới phải lao đao, Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao ĐNÁ tổ chức tại trụ sở Bộ VHTTDL trong 2 ngày 21-22.7, được các nước trong khu vực đánh giá cao.

 Phiên họp trực tuyến của SEAGF do Việt Nam tổ chức đã được các nước trong khu vực đánh giá cao

 Trả lời phỏng vấn của Báo Văn Hoá, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết đây là Hội nghị quan trọng trong công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam.

P.V: Thưa Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, kết thúc phiên họp của Ban Thể thao và Luật do ông chủ trì, nhiều nước đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam, vậy chúng ta đã chuẩn bị những gì cho phiên họp này?

- Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn: Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tại các nước trên thế giới cũng như tại khu vực ĐNÁ vẫn có những diễn biến phức tạp. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng nhưng việc mời đại biểu quốc tế đến Việt Nam tham dự Hội nghị chưa thể khả thi do việc kiểm soát dịch bệnh tại các nước trong khu vực không giống nhau. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực ĐNÁ, số ca dương tính với Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng, đường hàng không qua lại giữa các quốc gia chưa khởi động lại bình thường, kể cả khi dịch bệnh đã được ngăn chặn thì tâm lý ngại tiếp xúc trực diện, ngại tập trung đông người, đặc biệt đối với quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị gặp rất nhiều rủi ro khi triển khai đón, tiễn số lượng khách quốc lên đến hàng trăm người từ 10 quốc gia khác nhau trong khu vực đến Việt Nam. Vì thế nước chủ nhà Việt Nam đã quyết định tiến hành phiên họp của Liên đoàn Thể thao ĐNÁ qua hình thức họp trực tuyến. Và quyết định này đã nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia khu vực ĐNÁ.

Các phiên họp đã được tổ chức đúng quy định, diễn ra xuôn xẻ. Chúng ta đã thiết lập đường truyền, thiết bị, phần mềm và kiểm tra chất lượng dịch vụ trước khi họp. Nước chủ nhà cũng đã cung cấp các hướng dẫn như tài liệu, video hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các nước thành viên tham dự phiên họp. Các điểm cầu tại các nước đã sử dụng tài khoản được cấp và mã các phòng họp để tham gia vào họp trực tuyến, thông qua ứng dụng cài đặt trên hệ thống máy tính, smartphone, tablet tại nước sở tại. Trước phiên họp này, Việt Nam cũng đã công bố dự kiến 36 môn đã được Chính phủ phê duyệt tổ chức tại Đại hội, còn 4 môn nữa, sẽ được cân nhắc theo đề xuất của các nước. Các quốc gia trong khu vực cũng đã gửi đề xuất về các môn muốn được đưa thêm vào chương trình thi đấu. Hiện BTC đã tổng hợp và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia trong thời gian sớm nhất.

Thưa ông, tại phiên họp quan trọng của Ban Thể thao và Luật, đại diện một số quốc gia đã hỏi nước chủ nhà về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 như thế nào cho việc chuẩn bị đăng cai Đại hội cũng như các phương án đưa ra khi tổ chức Đại hội?

- Đối với việc tổ chức các Đại hội thể thao, ngay cả Thế vận hội lớn nhất thế giới như Olympic trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đe doạ, quả là có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành, địa phương, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ làm tất cả những gì tốt nhất để tổ chức thành công Đại hội trong đó vấn đề cơ bản nhất là phải đẩy lùi, ngăn chặn đại dịch. Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã được các nước trên thế giới đánh giá cao. Sự trở lại của các hoạt động thể thao cũng là minh chứng cho thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch. Chính vì những lý do đó chúng ta tự tin rằng Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội một cách tốt nhất trên tinh thần ngăn chặn đại dịch, thực hiện tốt các khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh sẽ được triển khai mạnh mẽ. Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác của các quốc gia cùng với việc thế giới sẽ tìm ra vắcxin ngăn chặn đại dịch, để trong điều kiện có thể, chúng ta sẽ tổ chức SEA Games 31 một cách tốt nhất.

 Trưởng Ban Thể thao và Luật Trần Đức Phấn chủ trì phiên họp Ban Thể thao và Luật Ảnh: TRẦN HUẤN

Theo thông lệ tại nhiều kỳ SEA Games, nước chủ nhà sẽ đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn, nội dung là thế mạnh của nước chủ nhà mà gạt bớt các môn, nội dung là thế mạnh của các nước. Vậy SEA Games 31 ở Việt Nam sẽ thế nào, thưa ông?

- Theo tinh thần chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, chương trình thi đấu của SEA Games 31 sẽ được xây dựng trên cơ sở là các môn, nội dung thi đấu tại Olympic, một số môn, nội dung thi đấu của Asian Games và SEA Games. Trên tinh thần fair-play, muốn tổ chức một kỳ SEA Games đẹp trong mắt bạn bè khu vực, Việt Nam sẽ không đưa vào nhiều môn thế mạnh của mình mà gạt các môn thế mạnh của các nước, để các nước đều có cơ hội cạnh tranh như nhau. Khi xây dựng dự kiến số môn, chúng tôi đã lấy căn cứ là số môn thi đấu tại các kỳ SEA Games, nhất là tại các kỳ SEA Games gần đây, tổ chức ở Singapore, Malaysia, Philippines. Chính vì thế dự kiến 36 môn thi đấu trong đó có 2 môn ở nhóm 1, 29 môn ở nhóm 2 và 5 môn ở nhóm 3 của chúng ta đã nhận được sự hưởng ứng từ các nước trong khu vực.

Theo khẳng định của ông, thì chương trình thi đấu tại SEA Games 31 sẽ không có các môn là thế mạnh của Việt Nam như Võ cổ truyền?

- Đúng như vậy, Võ cổ truyền sẽ không có trong chương trình thi đấu của SEA Games 31. Theo nguyên tắc tổ chức Đại hội, ngoài việc đưa vào các môn thi đấu của Olympic, Asian Games và SEA Games, sẽ đưa thêm một số môn là bản sắc riêng của một số nước khu vực ĐNÁ để khuyến khích người dân ĐNÁ, tập luyện giữ gìn bản sắc riêng. Vì thế giống như các nước chủ nhà khác, chúng ta cũng đưa môn Võ cổ truyền vào trong Điều luật tổ chức SEA Games, chứ không đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 31.

Vậy mong muốn của nước chủ nhà là gì trong việc tổ chức SEA Games 31?

- Như tôi đã nói, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan, chúng ta mong muốn tổ chức thật tốt kỳ SEA Games lần này, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế cũng như người dân cả nước. Thông qua việc tổ chức Đại hội sẽ khuyến khích, đẩy mạnh phong trào tập luyện thể thao của nhân dân cả nước vì mục tiêu dân cường, nước thịnh. Thể thao đỉnh cao cũng sẽ có những bước tiến bộ sau kỳ SEA Games này. Và đặc biệt, việc tổ chức Đại hội cũng sẽ là dịp để Việt Nam giới thiệu một điểm đến an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần kích thích sự phát triển của Du lịch, nâng cao vị thế của đất nước…

Xin cảm ơn ông!

 

 Ngày 21.7, Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao ĐNÁ (SEAGF) với sự tham gia của các quốc gia khu vực ĐNÁ đã tiến hành 3 phiên họp của Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao. Hôm nay 22.7, phiên họp sẽ tiếp tục với 2 phiên họp quan trọng của Ban chấp hành SEAGF và Phiên họp Hội đồng SEAGF. Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện sẽ chủ trì phiên họp của Hội đồng SEAGF. Nội dung của phiên họp này là tập trung vào thảo luận thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành SEAGF, Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao, Văn phòng SEAGF; Thảo luận báo cáo về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam; Dự kiến số lượng môn thể thao trong Chương trình thi đấu SEA Games 31; Xem xét, bổ sung Điều lệ SEAGF; Báo cáo kết quả tổ chức SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines; Báo cáo tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia; Thời gian và địa điểm họp Hội nghị SEAGF lần tiếp theo.

THU SÂM (thực hiện)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài

VHO - Ngày 28.3, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Chi tiết
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top