Nhạc sĩ Y Phôn Ksor: Nhiều lúc muốn bỏ nghề…

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor: Nhiều lúc muốn bỏ nghề…

VH- Gặp Y Phôn Ksor ở Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 tổ chức tại Thanh Hóa, nơi anh xuất hiện với vai trò vừa là một trong những người chịu trách nhiệm nghệ thuật cho chương trình biểu diễn của đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, vừa là nghệ sĩ biểu diễn và đặc biệt, là tác giả của một vài tác phẩm khí nhạc tham gia Liên hoan. Đa năng là vậy, nhưng anh nói: “Nhiều lúc muốn bỏ nghề, vì làm nghệ thuật dân tộc ở tỉnh lẻ khó quá!”. Và, câu chuyện tác giả Đôi chân trần chia sẻ, có lẽ không phải là câu chuyện của riêng Đắk Lắk.

P.V: Nổi tiếng và lại đa năng như Y Phôn Ksor mà còn kêu khó, thì ai làm được nghệ thuật dân tộc ở địa phương bây giờ, thưa anh?
- Nhạc sĩ Y Phôn Ksor: Khó thật chứ! Lượng tiêu thụ về mặt âm nhạc ở tỉnh lẻ ít lắm, âm nhạc dân tộc càng ít, nên cuộc sống của nghệ sĩ rất vất vả. Ở các tỉnh có du lịch phát triển thì sẽ đỡ hơn, có thể liên kết với các công ty du lịch để biểu diễn phục vụ khách, có thêm thu nhập mà lấy ngắn nuôi dài. Nghệ sĩ phải có đời sống ổn định mới phát triển được tài năng. Anh em nghệ sĩ ở Đắk Lắk muốn theo được nghề đều phải đi làm các công việc khác, như làm nông nghiệp, trồng cà phê.
Nhưng Đắk Lắk cũng được biết đến với tư cách là địa điểm du lịch hấp dẫn nhất nhì của Tây Nguyên?
- Đắk Lắk có nhiều cảnh đẹp, nhưng chưa có những khu du lịch lớn, khách đến chủ yếu là khách du lịch nhỏ lẻ, đi theo kiểu gia đình nên chúng tôi rất khó tiếp cận. Đoàn cũng xoay xở nhiều cách, liên kết với nhiều công ty du lịch, nhưng có khi một hai tháng mới có được một buổi biểu diễn. Nếu như đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk có được một địa điểm biểu diễn cố định, là nhà hát hoặc theo mô hình nhà sàn, đảm bảo về mặt không gian văn hóa thì chúng tôi có cơ hội để tiếp cận với khách du lịch nhỏ lẻ hơn. Nhưng hiện giờ chưa có. Đoàn làm hồ sơ lên Nhà hát thì cũng không được, vì lực lượng không đủ. Khó lắm! Nhiều khi mệt mỏi, muốn bỏ nghề. Nhưng nếu mình bỏ đi thì ai là người dìu dắt mấy đứa trẻ? Chúng nó học trong nhà trường nhưng ra xã hội thì thực sự cần người dìu dắt. Đành cố gắng bơi vậy!
Anh nói nhiều về khó khăn, nhưng Đắk Lắk đã giành được không ít giải thưởng, huy chương tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ 2017, điều mà không phải đoàn nghệ thuật nào cũng làm được?
- Tất nhiên có giải thưởng thì mình cũng vui, anh em vui. Nhưng mình cũng biết mình đang ở đâu. Thật lòng, chỉ mong những người làm nghệ thuật dân tộc ở địa phương được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển nghề nghiệp nhiều hơn.
Ở Liên hoan lần này, có vài lời than phiền về việc lạm dụng kỹ thuật, cải biên quá nhiều. Anh đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Mình cũng có chung mối lo lắng này. Mình luôn tự hỏi sau này âm nhạc Tây Nguyên sẽ như thế nào? Với mình, mình vẫn muốn giữ lấy cái gốc, đi đâu cũng muốn quay về cội nguồn. Khi viết, mình cũng muốn đưa vào trong tác phẩm những nét mới nhưng thôi không bao giờ để mất đi cái gốc của mình. Âm nhạc đương đại nhiều quá thì dễ mất đi tính dân tộc, mất đi giá trị của mình. Đúng là các nghệ sĩ bây giờ chuộng những kịch tính, cao trào để khoe kĩ thuật biểu diễn. Cái đó cũng tốt nhưng đừng lạm dụng. Cũng giống như khi viết về Tây Nguyên, hát về Tây Nguyên, người ta cứ lạm dụng hú hét. Lửa Tây Nguyên nó nằm ở nội tâm, khi câu hát vang lên là đã thấy “cháy lửa” rồi.
Xin cảm ơn anh! 


Ngọc Mai

Ý kiến bạn đọc