Về việc phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975: Cần sớm xem xét, điều chỉnh điểm “nghẽn” trong quy định

Về việc phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975: Cần sớm xem xét, điều chỉnh điểm “nghẽn” trong quy định

VH- Liên quan đến việc cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài, Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục trở thành tâm điểm bức xúc trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định hiện hành trong việc cấp phép phổ biến sáng tác trước năm 1975 đang gặp phải những điểm “nghẽn”, khiến người chịu trách nhiệm thực thi cũng như đơn vị, tổ chức muốn khai thác, sử dụng rơi vào hoàn cảnh khó xử. 
 Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL diễn ra ngày 12.4, nhiều phóng viên đã liên tục “chất vấn” lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn về thực trạng cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài; Tại sao có những bài hát nổi tiếng, nằm lòng qua bao thế hệ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép; Cơ quan quản lý có dự định công bố danh sách những ca khúc cấm và cập nhật khi cần thay vì bắt người dân phải qua cửa “xin- cho”; Có những bài hát dù chưa được cấp phép phổ biến nhưng xuất hiện trong các chương trình biểu diễn nhiều năm qua, thậm chí đưa vào sách giáo khoa âm nhạc như Nối vòng tay lớn? Từ thực tế này, dư luận cho rằng dường như Cục Nghệ thuật biểu diễn đang gây khó cho cá nhân, đơn vị và nhà tổ chức trong việc tiếp cận, khai thác sử dụng những bài hát được sáng tác trước năm 1975. Qua đó, đặt câu hỏi: Phải chăng quy định hiện hành đang có những “nút thắt” cần được xem xét, tháo gỡ.

được xem xét, tháo gỡ.

“Đây không phải là những tác phẩm mới (5 bài hát tạm dừng lưu hành - P.V) mà là những tác phẩm từng được cấp phép lưu hành nên sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải cho lưu hành bình thường, chứ không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi”. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên) 

Trước những bức xúc của dư luận và chất vấn của phóng viên, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã viện dẫn những điều khoản trong các Nghị định liên quan để trả lời. Tính đến thời điểm này Sở VHTTDL ở địa phương và Cục Nghệ thuật biểu diễn mới chỉ cấp phép được hơn 2.500 bài hát, trong khi đó theo giới chuyên môn số lượng bài hát sáng tác trước năm 1975 là rất lớn. Theo quy định muốn cấp phép phổ biến một bài hát nào đó thì đơn vị, tổ chức phải làm đơn đề nghị.
Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định và Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xem xét, trả lời. Nếu bài hát A cho dù mọi người biết, từng được vang lên ở đâu đó nhưng không có đơn vị nào làm đơn đề nghị cấp phép, Cục Nghệ thuật biểu diễn không có sơ sở cấp phép. Bởi vậy hiện Cục cũng đang rơi vào tình thế bị “kẹt”. Cái sự “kẹt” ở đây được hiểu là, quy định đã rõ ràng như trên, nếu cơ quan chức năng tự ý làm theo hướng khác nhằm đảm bảo nhu cầu của công chúng, chắc chắn sẽ bị thổi còi.
Ngoài những vấn đề nêu trên, dư luận báo chí và giới chuyên môn cho rằng, nhằm hóa giải cơ chế “xin-cho” cấp phép cho ca khúc như hiện nay cơ quan chức năng nên có giải pháp theo hướng, những bài hát nào không đi ngược lại chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, không làm tổn hại đến phương diện nào của dân tộc thì nghiễm nhiên nó được phép phổ biến rộng rãi chứ không cần cấp phép mới được sử dụng.
Nếu cần có thể thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia để tiến hành rà soát, xem xét và thẩm định các ca khúc đó và công bố rộng rãi, bài nào được phép và ca khúc nào bị cấm. Nói cách khác, cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra danh sách những ca khúc bị cấm phổ biến trên cơ sở thẩm định của Hội đồng nghệ thuật đề xuất, thay vì các cá nhân, đơn vị đề nghị cấp phổ biến ca khúc như quy định hiện hành.
Lý giải về điều này, ông Đào Đăng Hoàn, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, rất khó có thể đưa ra được danh sách những bài hát bị cấm vì Cục không thể bao quát hết được số lượng tác phẩm sáng tác trước năm 1975 là bao nhiêu. Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàn là Cục sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ báo cáo tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
Trước sự quan tâm của dư luận xã hội về việc cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975, thiết nghĩ Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cơ quan chức năng cần sớm tiến hành rà soát, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trên cơ sở tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn, cơ quan báo chí để tổng hợp và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung theo hướng thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức muốn được phổ biến ca khúc.
Một trong những điểm nhấn quan trọng cần được quan tâm nghiên cứu đấy chính là quy định tại Điều 29 Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu thuộc Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016-NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: “Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp một hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn”. Hồ sơ này bao gồm đến 6 tài liệu liên quan. 


Lâm Sơn
 

Ý kiến bạn đọc