Xung quanh 5 bài hát bị thu hồi giấy phép, Cục trưởng Cục NTBD: Chỉ thu hồi những bài hát cấp phép trước đó do vi phạm, không "cấm" hoặc "cấm phổ biến vĩnh viễn"

Xung quanh 5 bài hát bị thu hồi giấy phép, Cục trưởng Cục NTBD: Chỉ thu hồi những bài hát cấp phép trước đó do vi phạm, không "cấm" hoặc "cấm phổ biến vĩnh viễn"

VH- Việc ra quyết định thu hồi cũng đồng nghĩa tạm cấm phổ biến đối với năm bài hát sáng tác trước năm 1975 của Cục Nghệ thuật biểu diễn vào cuối tháng 3 vừa qua, đã gây nên dư luận nhiều chiều. Có những ý kiến còn cho rằng quyết định này của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) là “tùy tiện và vô lý”, tác động không nhỏ đến đời sống âm nhạc hiện nay.

* Muốn phổ biến trở lại, đơn vị và tổ chức biểu diễn đến gặp tác giả để ký cam kết…
Để rộng đường dư luận cũng như nhằm cung cấp cho bạn đọc có thêm thông tin xung quanh vấn đề “nóng” này, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD. Ông Chương cho biết:
 - Sau khi Cục ra quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 vào cuối tháng 3 vừa qua, bản thân tôi và nhiều cán bộ khác đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc từ phía báo chí, cơ quan Bộ, ngành. Gần đây còn có những ý kiến gay gắt nói rằng, việc làm này của Cục là tùy tiện và thiếu căn cứ. Chúng tôi cần phải nhấn mạnh lại, đây là quyết định thu hồi những bài hát đã được cấp phép phổ biến trước đó do vi phạm một số điều luật, Nghị định có liên quan chứ Cục NTBD không dùng từ “cấm” hoặc “cấm phổ biến vĩnh viễn” đối với những ca khúc nói trên như có báo đăng tải.
Sở dĩ có chuyện Cục NTBD tiến hành rà soát, thẩm định lại những bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến là bởi cách đây không lâu Sở VHTT thành phố HCM và một số cán bộ hưu trí, nhạc sĩ… có văn bản, đơn đề nghị với nội dung, trong số ca khúc được cấp phép phổ biến có những bài hát có nhiều ca từ sai lệch so với bản gốc. Ngay sau đó Cục đã thành lập Hội đồng thẩm định với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc và quản lý để tiến hành thẩm định lại các ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến. Trên tinh thần làm việc nghiêm túc, công tâm, Hội đồng thẩm định và Cục NTBD đã thống nhất ra quyết định thu hồi đối với 5 bài hát: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, Rừng xưa của tác giả Lam Phương, Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương, Con đường xưa em đi của Châu Kỳ - Hồ Đình Phương, Đừng gọi anh bằng chú ghi tên tác giả Diên An. Lý do thu hồi là, ca từ và tác giả sáng tác các bài hát trên chưa đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và Nghị định số 79/2012/ NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông có thể nói rõ hơn những bài hát trên bị thu hồi giấy phép vì chưa đúng quy định của pháp luật được thể hiện ở điểm nào?

 Đây là quyết định thu hồi những bài hát đã được cấp phép phổ biến trước đó do vi phạm một số điều luật, Nghị định có liên quan chứ Cục NTBD không dùng từ “cấm” hoặc “cấm phổ biến vĩnh viễn” đối với những ca khúc nói trên như có báo đăng tải.

- Trong quá trình làm việc, Hội đồng thẩm định và Cục NTBD nhận thấy đây không phải là vấn đề đơn giản vì có những tác giả bài hát đã mất, nhiều bản thảo không còn được cất giữ cẩn thận dẫn đến thất lạc… Nhưng qua cách làm việc thận trọng, công tâm cộng với nhiều tài liệu mà chúng tôi hiện đang lưu giữ và mới thu thập được thì nhận thấy những bài hát đã được cấp phép phổ biến trước đó so với tài liệu gốc có những sai sót hoặc bị sửa ca từ. Ví dụ như bài hát Cánh thiệp đầu xuân (tác giả Minh Kỳ-Lê Dinh) có chỗ bị sửa là: Để người anh yêu dấu quay về gia đình. Hoặc bài Chuyện buồn ngày xuân (tác giả Lam Phương) cũng có chỗ bị sửa ca từ: “Trùng dương sóng gào đưa anh vào tương lai ngày mới/ Em biết anh vì xôn xao trong phút giây huy hoàng.../ Để cho dù ngàn sau còn nhớ”. Hay bài Con đường xưa em đi (tác giả Châu Kỳ-Hồ Đình Phương) có chỗ bị sửa ca từ: “Lối mòn anh bước đi…/ Nơi đây thao thức canh dài”. Riêng bài Đừng gọi anh bằng chú được ghi tác giả là Diên An nhưng chính tác giả Diên An lên tiếng phủ nhận không phải là người sáng tác.
Dư luận rất quan tâm đến việc Hội đồng thẩm định và Cục NTBD dựa trên cơ sở nào để xác định những ca từ bị sửa ở trên là sai so với bản gốc thưa ông?
- Bản gốc của các bài hát đó do tác giả hoặc ủy quyền cho ai đó lưu giữ. Tuy nhiên chúng tôi có những tư liệu đủ cơ sở để chứng minh những nội dung của những bài hát bị thu hồi khác với bản gốc của các tác giả. Bên cạnh đó, Cục NTBD còn có những kênh tham khảo quan trọng khác để thẩm định. Riêng bài hát Đừng gọi anh bằng chú ghi tên nhạc sĩ Diên An thì nhạc sĩ Diên An đã khẳng định bài hát này không phải do ông sáng tác. Bài hát không có tên tác giả hoặc chưa xác minh được tên tác giả thì chúng tôi cũng không thể cho phép lưu hành tiếp.
Tôi khẳng định việc làm này của Cục NTBD là đúng chức năng theo quy định của pháp luật nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và sự lành mạnh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đây là việc làm để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khi các ca khúc bị sửa đổi ca từ. Việc sửa lời sai so với bản gốc là vi phạm bản quyền thì với vai trò cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi phải có những quyết định thu hồi là đương nhiên. Và cũng cần khẳng định rất rõ là chúng tôi không cấm, không thu hồi giấy phép các bài hát đảm bảo được bản gốc của các ca khúc nêu trên.

Trước phản ánh của báo chí bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác trước năm 1975 chưa được cấp phép, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết quan điểm của Cục NTBD là hoàn toàn ủng hộ việc cấp phép phổ biến bài hát Nối vòng tay lớn. Hội đồng Nghệ thuật đã thẩm định và nhận thấy đây là một bài hát hay, có nội dung tốt. Hiện nay Trường Đại học Y Huế đã gửi Hồ sơ xin phép nhưng còn thiếu “01 bản sao bản nhạc có chứng nhận của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm”, Cục NTBD đã hướng dẫn đơn vị và cấp phép ngay khi đơn vị xin phép nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Nếu với những lỗi sửa ca từ như vậy cộng với việc gắn tên tác giả không đúng vào bài hát thì có thể đưa ra quyết định cấm chứ không phải thu hồi, thưa ông?

"Tôi khẳng định việc làm này của Cục NTBD là đúng chức năng theo quy định của pháp luật nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và sự lành mạnh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Đây là việc làm để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan khi các ca khúc bị sửa đổi ca từ. "(Ông Nguyễn Đăng Chương)

- Như đã đề cập ở trên, những bài hát này đã được Sở VHTTDL địa phương hoặc Cục NTBD cấp phép từ trước đó dựa trên hồ sơ của đơn vị xin cấp phép. Nay có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng và đơn đề nghị của người dân thì với chức năng, nhiệm vụ của mình Cục cần phải vào cuộc xác minh thẩm định lại. Qua đó nhận thấy, việc cấp phép trước đó là chưa đúng với quy định của pháp luật nên Cục NTBD phải ra quyết định thu hồi. Nói cách khác, trước đó địa phương hoặc Cục làm chưa chuẩn thì nay phải sửa sai bằng cách tạm thời thu hồi giấy phép của mình đã cấp ra.
Thưa ông, ngoài ra trên dư luận vẫn còn tồn tại ý kiến, sở dĩ Cục NTBD đưa ra quyết định thu hồi giấy phép phổ biến 5 ca khúc trên là trong nội dung của những ca khúc ấy có những từ ngữ “đụng chạm” đến yếu tố chính trị, an ninh.
- Tôi xin khẳng định là 5 bài hát bị thu hồi giấy phép phổ biến vừa qua không hề có vấn đề về tư tưởng, chính trị như ai đó đã gán ghép. Lý do duy nhất đó là đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ và những Nghị định liên quan.
Có người thắc mắc là tại sao, song song với quyết định thu hồi thì Cục NTBD lại không làm động thái cung cấp các bản gốc của những bài hát này để tránh xảy ra những ý kiến trái chiều?
- Nếu Cục NTBD cung cấp những chứng cứ quan trọng của các ca khúc vừa bị thu hồi giấy phép trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Theo quy định hiện hành, chỉ có chủ sở hữu tác phẩm hoặc đại diện chủ sở hữu tác phẩm đó mới đủ quyền hạn công bố tác phẩm do mình sáng tác hoặc những tài liệu liên quan. Bởi vậy, nếu ai có thắc mắc thì nên tìm gặp tác giả là người sáng tác ca khúc hoặc người đại diện chủ sở hữu tác phẩm đó để tìm hiểu.
Một vấn đề khác rất được dư luận quan tâm là, 5 ca khúc vừa bị thu hồi giấy phép phổ biến có phải bị cấm phổ biến vĩnh viễn? Và nếu muốn các ca khúc ấy tiếp tục đến với công chúng yêu nhạc thì các cá nhân, đơn vị phải làm gì, thưa ông?
- Cảm ơn Văn Hóa đã nêu ra vấn đề này. Trước hết chúng tôi một lần nữa xin khẳng định, Cục NTBD không hề phát biểu là cấm vĩnh viễn các bài hát nói trên, mà đưa ra quyết định tạm thời thu hồi giấy phép phổ biến 5 ca khúc vì lý do vi phạm quy định. Điều này có thể đọc lại quyết định của Cục.
Tới đây, nếu có cá nhân, đơn vị và tổ chức nào muốn phổ biến, biểu diễn 5 bài hát trên, Cục NTBD trả lời: Các cá nhân, đơn vị và tổ chức đến gặp tác giả sáng tác ca khúc đó hoặc đại diện chủ sở hữu ca khúc để ký cam kết, xác định đâu là bản gốc của tác phẩm. Tiếp đó, đơn vị, tổ chức làm đơn xin phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền (có mẫu kèm theo được quy định tại Nghị định 15/2016-NĐ-CP của Chính phủ) gửi về Cục NTBD. Khi tiếp nhận đơn, Cục sẽ xem xét và có văn bản trả lời trong thời hạn quy định. 

 Thúy Hiền
(thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc