Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Lý luận phê bình âm nhạc: Đến giờ vẫn yếu kém

Thứ Sáu 05/01/2018 | 09:17 GMT+7

VH- Lý luận phê bình âm nhạc cho đến giờ vẫn bị coi là yếu kém nhất trong thế kiềng ba chân sáng tác - biểu diễn - lý luận.

Muốn có một nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật vững chãi không thể xem nhẹ các khâu: đào tạo và sử dụng nhân lực, tài lực. Với đặc thù của nghệ thuật âm nhạc, lý luận phê bình âm nhạc còn có những điểm riêng biệt trong đào tạo và hoạt động mà không nói ra không phải ai cũng biết.

 Hiện nay, đào tạo chuyên ngành Lý luận âm nhạc mang tính chuyên nghiệp hơn và không chỉ có ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, mà có cả một số cơ sở đào tạo âm nhạc khác. Song đầu ra vẫn chỉ cung cấp nhân lực cho lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, chứ chưa một ai theo nghề phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.

Tác phẩm âm nhạc ra đời không được nhà phê bình lý luận âm nhạc ngó ngàng, ảnh minh họa

"Dân" lý luận âm nhạc thua xa báo giới

Về chất lượng đào tạo lý luận âm nhạc, không thể bỏ qua một điều đáng lo ngại mà tưởng như chẳng có gì liên quan: đó là cách dạy văn theo kiểu “đạo văn, đạo ý tưởng”. Từ tiểu học đến hết phổ thông đều tập làm văn theo mẫu, con trẻ buộc phải thuộc lòng dàn ý, thậm chí câu cú có sẵn, không được viết theo ý mình hay tập biểu hiện cảm nhận của riêng mình theo cách của mình. Tóm lại, học trò không được khuyến khích tư duy độc lập từ nhỏ, lên đại học cũng vẫn vậy. Lẽ ra phải được học trước tiên nguyên tắc đạo đức của người làm khoa học (cũng như sáng tạo nghệ thuật!), thì sinh viên lại được hướng dẫn làm luận văn theo kiểu copy - paste, thậm chí không hề chú thích trích dẫn từ đâu. Đáng buồn, đào tạo lý luận âm nhạc không ngoại lệ. Nhiều luận văn và tiểu luận mà tôi được đọc không khác mấy món xào xáo thập cẩm, cứ mong tìm được chút gì đó thôi thuộc cái tôi tác giả mà chưa thấy.

Ở trường chú trọng kỹ năng nghiên cứu nhiều hơn phê bình, đối tượng nghiên cứu luôn là nhạc hàn lâm nên có một khoảng cách không nhỏ giữa đào tạo kiểu tháp ngà với đời sống xã hội hiện chỉ nặng về nhạc giải trí, nó khiến các nhà lý luận chuyên nghiệp rất khó nhập cuộc. Muốn bài vở được đăng tải thì phải hiểu thấu về sinh hoạt âm nhạc đại chúng cộng thêm lối viết câu khách. Về khoản này “dân” lý luận âm nhạc thua xa báo giới.

Ngoài những điều kể trên còn vài lý do khác khiến các nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp không muốn “dây dưa” với phê bình. Môi trường chính của hoạt động lý luận phê bình là báo chí, vậy mà mối quan hệ giữa báo chí với lý luận âm nhạc rất thiếu tương tác. Báo chí chỉ cần sự nhanh nhạy đưa tin trước sự kiện và hoàn toàn quay lưng với những bài đánh giá chất lượng nghệ thuật sau sự kiện, có nghĩa là vai trò của phóng viên đắc dụng hơn nhà lý luận chuyên nghiệp.

Còn một điều khiến giới lý luận dị ứng với một vài tờ báo là người viết thiếu kiến thức sơ đẳng về âm nhạc, biên tập luôn chỉnh sửa thêm bớt sai lệch cả nội dung những bài phân tích công phu, thậm chí tệ hơn: từ chối đăng bài với lý do “không phù hợp”, sau đó “chế biến” lại đôi chút rồi đứng tên người khác (chắc để khỏi trả nhuận bút cho tác giả).

Với thiện chí hợp tác liên ngành, Hội Nhạc sĩ VN và Hội Nhà báo VN đã đồng tổ chức Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí từ năm 2011, nhằm nâng cao chất lượng bình luận âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếc rằng Câu lạc bộ mau chóng biến thành “cổng thông tin một chiều” để các nhà báo săn tin, tới phần trao đổi kiến thức chuyên ngành âm nhạc thì họ lục tục bỏ về. Mong muốn “học hỏi lẫn nhau”, chia sẻ kinh nghiệm làm báo trong âm nhạc và quảng bá âm nhạc trên báo chí đã sớm tan thành mây khói.

Chính giới âm nhạc vẫn khẳng định với nhau, ở ta làm gì có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp Ảnh: Tr. HUẤN

"Mất đài, mất điện, mất tiếng"

Tóm lại, tiếng nói của lý luận âm nhạc, nhất là phê bình âm nhạc chuyên nghiệp bị lấn át hoàn toàn trong các chuyên mục âm nhạc trên báo chí - cả báo viết, báo tiếng và báo hình. Bài viết của các nhà lý luận âm nhạc đành chỉ âm thầm “đi đêm” trong các tạp chí chuyên ngành, phần nhiều là sản phẩm “cho không biếu không” nên bài lý luận phê bình dù đầu tư nhiều chất xám và thời gian, nhưng nhuận bút rất khiêm tốn. Đối tượng đọc hạn hẹp, hiệu quả xã hội không thấy rõ, lý luận phê bình âm nhạc luôn bị mang tiếng “mất đài, mất điện, tắt tiếng”.

Một món quà tuyệt vời cho các nhà lý luận phê bình âm nhạc mà thế giới công nghệ thông tin mang lại chính là diễn đàn ảo - ảo mà thật, thật về hiệu quả quảng bá kịp thời và lưu trữ lâu dài cho các bài lý luận phê bình âm nhạc vốn kén người đọc. Trong mấy năm gần đây, website Hội Nhạc sĩ Việt Nam là nơi đăng tải nhiều nhất những bài lý luận phê bình, trong đó có những chuyên luận bị báo giấy từ chối vì quá dài, quá học thuật và quá… nhạy cảm. Chẳng hạn có bài viết công phu về quốc nạn đạo văn trong âm nhạc bị báo giấy từ chối đăng vì lý do tế nhị: Đối tượng bị phê phán vẫn đương chức (!). Nếu không có báo mạng thì những bài phê bình quả cảm với đúng tinh thần khoa học như thế chẳng có cơ hội được biết đến.

Có lẽ xuất bản sách là niềm an ủi đối với các nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp trong thời buổi hoàn toàn không có diễn đàn riêng cho phê bình âm nhạc. Song niềm an ủi này cũng không trọn vẹn, bởi sách rất khó đến tay đối tượng cần đọc do khâu quảng bá kém.

Xin đưa vài dẫn chứng cụ thể vậy để nhấn mạnh thêm điều này thay cho lời kết: Dù có đào tạo số lượng nhiều mà không biết sử dụng nhân lực tài lực, thì rất khó nói đến chất lượng đội ngũ phê bình âm nhạc. Dù nỗ lực cá nhân mỗi người cầm bút không nhỏ, nhưng thiếu sự khích lệ tinh thần, thiếu hỗ trợ kinh phí kịp thời và xứng đáng thì phê bình âm nhạc thật khó có hiệu quả xã hội như mong muốn. 

 

 Cho đến giờ phê bình âm nhạc vẫn chưa có mã ngành đào tạo. Môn phê bình mới được thử nghiệm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia trong vài năm gần đây chưa thể nói là đã trang bị cho sinh viên đủ kỹ năng để tự tin làm nghề này sau tốt nghiệp. Muốn “hành nghề” phê bình, các nhà lý luận trẻ vẫn phải mất vài ba năm tự học trong “trường đời”. Vì thế, đội ngũ lý luận chuyên nghiệp tuy không nhỏ nhưng chủ yếu vẫn là cán bộ nghiên cứu thôi. Chính giới nhạc vẫn khẳng định với nhau: Ở ta làm gì có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp!

Nguyễn Thị Minh Châu

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top