V-pop bước vào kỷ nguyên 4.0

VH- Trong những loại hình nghệ thuật, âm nhạc có lẽ là sân chơi áp lực nhất đối với nghệ sĩ, đặc biệt là những ai theo đuổi dòng nhạc trẻ.

Người ta có thể nói rằng V-pop chưa có được một nền âm nhạc chuyên nghiệp, chưa đủ tầm vươn ra thế giới bởi V-pop còn nhiều nhộn nhạo. Nhưng điều đó chưa hẳn đúng, âm nhạc cũng là một xã hội thu nhỏ, ở đây có những sản phẩm tốt, có cả sản phẩm chưa tốt, có những nghệ sĩ lao động nghiêm túc, nhưng cũng có không ít người chỉ mải chạy theo hào quang và lợi nhuận.

V-pop bước vào kỷ nguyên 4.0 - Anh 1

V-pop hiện nay không thiếu các tài năng trẻ, trong số đó có thể kể đến Vũ Cát Tường, Tiên Cookie, Soobin Hoàng Sơn… Họ là đại diện cho thứ âm nhạc hiện đại, văn minh và trong sáng  Ảnh: DZUNG TRẦN

Khi công nghệ gắn liền với cuộc sống

Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã dẫn đến sự hình thành, phát triển sôi động của ngành công nghiệp âm nhạc, kéo theo thay đổi về cả cách thức sản xuất và tiếp nhận, đánh giá âm nhạc. Không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, sự phát triển của kỹ thuật số còn mang tới sự thay đổi trong cách thức tiếp nhận, thưởng thức âm nhạc của công chúng. Thay vì tới một buổi biểu diễn hay căn giờ bật đài, tivi, chọn kênh phát sóng, giờ đây chỉ với điện thoại thông minh hay máy tính bảng, ở bất cứ nơi đâu, khán giả cũng có thể thưởng thức đa dạng những sản phẩm âm nhạc theo ý muốn, tự do phản biện, bày tỏ quan điểm, ý kiến… Sự tiện lợi này khiến ngày càng có nhiều người đăng ký nghe nhạc trên các trang nhạc trực tuyến. Thực tế cho thấy, lĩnh vực sản xuất băng, đĩa nhạc thời gian qua đang dần phải nhường lại thị trường cho âm nhạc trực tuyến bởi sự phát triển rộng rãi của Internet. Giờ đây, việc phát hành các MV âm nhạc trên mạng là “vũ khí” lợi hại giúp những người làm âm nhạc tiếp cận nhanh chóng công chúng, các nghệ sĩ V-pop đang tận dụng triệt để lợi thế này.

Bên cạnh việc quảng bá MV trên các trang âm nhạc trực tuyến, sự bùng nổ của Facebook live và Youtube Connect còn mang tới phương thức truyền tải nội dung trực tiếp giúp các sản phẩm âm nhạc ngay lập tức tiếp cận khán giả cùng thời điểm sản xuất sản phẩm âm nhạc...

Nghệ sĩ phải làm chủ công nghệ

Có thể nói, âm nhạc Việt Nam đã thật sự biết tận dụng thế mạnh của công nghệ số để phát triển. Ðây là xu hướng phát triển tất yếu, cũng là mảnh đất đầy hứa hẹn để đưa nhạc Việt ra thế giới. Nhờ sự phát triển công nghệ, không cần PR, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ mới vẫn có thể được đông đảo công chúng biết tới. Tuy nhiên, việc cùng lúc có thể tiếp cận nhiều sản phẩm âm nhạc cũng đặt ra thách thức, tính cạnh tranh cao hơn đối với những người thực hiện âm nhạc, đòi hỏi họ phải luôn làm mới, hoàn thiện mình để làm ra những sản phẩm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công chúng.

Có lẽ khán giả trẻ không còn lạ lẫm với chàng kiến trúc sư trẻ Nguyễn Thanh Minh. Anh từng bước ra từ cuộc thi Sing my song và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả cũng như giới chuyên môn. Là cái tên còn khá mới trong làng nhạc Việt nhưng Nguyễn Thanh Minh lại đủ sức gây bất ngờ, thú vị cho người yêu nhạc với những sáng tác có ca từ đẹp, giai điệu trong trẻo. Album Cổ tích - một dự án âm nhạc mới được anh công bố lấy cảm hứng từ chất liệu cổ tích. Album này đã góp phần mở đường cho việc sản xuất và phát hành âm nhạc của những nghệ sĩ trẻ chưa có nhiều năng lực tài chính dựa trên nền tảng kêu gọi vốn cộng đồng. Điểm đặc biệt, đây không phải loại album in vật lí bình thường như những album vẫn thấy tại các cửa hàng. Cổ tích được đưa vào dạng một chiếc USB được mã hóa nhằm bảo vệ bản quyền tác phẩm. Đây là công nghệ mã hóa mà hiện tại chỉ có một studio trên thế giới có thể sản xuất được. Với công nghệ này, nhạc chơi trên album USB bản quyền có chất lượng âm thanh cao gấp 3 lần so với khi bạn nghe từ các đĩa nhạc CD thông thường.

Xét ở một khía cạnh khác, xã hội càng phát triển, mọi thứ xung quanh chúng ta càng trở nên đáng sợ, thay vì tin tưởng, chúng ta nghi ngờ và canh chừng nhau, bởi thế những cử chỉ tốt đẹp, những việc làm nhân văn lại trở nên lạ lẫm, thậm chí kỳ dị. Khi ra đường, bạn không dễ dàng ăn những thứ được mời từ một người lạ, cũng không dễ đi theo sự chỉ dẫn của ai đó chỉ vì bạn đang lạc đường. Sự hoài nghi bủa vây cuộc sống của chúng ta, âm nhạc cũng vậy. Có thể nói, khó khăn của người làm nghệ thuật đều bắt nguồn từ chính sự hoài nghi. Và ngay lúc này, một bộ phận khán giả nghi ngờ rằng, khi thực sự bước vào kỷ nguyên 4.0, V-pop sẽ có được bao nhiêu nghệ sĩ đủ vững vàng để làm chủ được công nghệ?

V-pop hiện nay không thiếu các tài năng trẻ, trong số đó có thể kể đến Vũ Cát Tường, Tiên Cookie, Soobin Hoàng Sơn… Họ là đại diện cho thứ âm nhạc hiện đại, văn minh và trong sáng. Nhưng công việc họ đang làm chưa bao giờ dễ dàng bởi họ đều là những nghệ sĩ cầu toàn. Và điều khiến họ khổ sở, vất vả hơn nhiều người khác chính là sự hoài nghi, sự chưa hiểu thấu từ khán giả đại chúng.

Vũ Cát Tường trước kia từng được biết đến với biệt danh nghệ sĩ tạo hit, đỉnh điểm có năm cô đoạt 11 giải thưởng cao quý. Gần đây âm nhạc của cô đã thay đổi rất nhiều, sản phẩm của cô ngày càng thư giãn và hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được trọn vẹn giá trị nguyên bản. Những khán giả tinh tế đều có thể nhận ra cô đang trưởng thành hơn trong âm nhạc, không ngừng làm khó và thử thách bản thân bằng những trải nghiệm mới. Nói cách khác, Vũ Cát Tường luôn khao khát mang đến thứ văn hóa thưởng thức âm nhạc thực sự nghiêm túc cho khán giả. Tuy nhiên, sự quá mới mẻ và chau chuốt ấy trở nên xa lạ với số đông. Bản thân Vũ Cát Tường từng nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề thay đổi tư duy trong âm nhạc, đa phần là sự hoài nghi, rằng cô có sợ sản phẩm của mình khó tiếp cận số đông?

Câu hỏi trên xin phép được để ngỏ, bản thân người nghệ sĩ có câu trả lời cho riêng mình, nhưng khán giả cũng phải có giải đáp thỏa đáng cho chính sự hoài nghi của họ. Âm nhạc cũng như con người, chúng ta không ngừng thay đổi, nhưng sự đổi thay ấy phải hướng đến điều tích cực và hiện đại. Chúng ta không thể nghe những bản nhạc sầu thảm, những lời ca vật vã cả đời. Cái tài của nghệ sĩ là biến những cảm xúc đau buồn trở thành sự xoa dịu, an ủi và hi vọng. Nói cách khác, sự văn minh trong âm nhạc là mang đến sự thư giãn và hướng người nghe nghĩ đến những điều tốt đẹp. Có như thế, dù xã hội bước vào kỷ nguyên 4.0 hay 5.0 thì V-pop cũng không sợ bị âm nhạc thế giới bỏ xa.

KIỀU BÍCH HẬU

 

 

Ý kiến bạn đọc