Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Chương trình nghệ thuật Quà tháng 5 dâng Người: “Sẽ hát như rừng núi Tây Nguyên nhớ Bác”

Thứ Hai 14/05/2018 | 10:33 GMT+7

VH- Sở hữu giọng ca sáng khỏe và dầy dặn xúc cảm, chàng ca sĩ đến từ Tây Nguyên Ploong Thiết hào hứng kể, được tham gia chương trình nghệ thuật Quà tháng 5 dâng Người, sáng nào ngủ dậy Thiết cũng nhẩm nhẩm nhịp điệu và lời bài hát cho... nhuyễn. “Ca sĩ Tây Nguyên mà được hát trên sân khấu lớn về Bác Hồ, chỉ nghĩ như vậy thôi cũng đã vui lắm rồi. Ngày nào mình cũng tâm niệm phải hát sao cho thật cảm xúc, để nói thay cho cả rừng núi và con người Tây Nguyên tình cảm yêu mến, nhớ thương Người...”, Ploong Thiết (ảnh) chia sẻ.

 “Hát về Bác đã thay đổi cuộc đời tôi!”

Mộc mạc giản dị như chính hơi thở núi rừng, chàng ca sĩ người dân tộc Pa Cô, giọng ca trưởng thành từ Sao Mai điểm hẹn 2003 Ploong Thiết nói, giới trẻ bây giờ thường chỉ thích nhạc nhẹ, remix, bolero..., còn anh thì lại mê và chỉ thích các bài hát về Bác Hồ, về Tây Nguyên. “Sinh ra và lớn lên trên dãy Trường Sơn, âm hưởng Tây Nguyên từ ngày nhỏ đã ngấm vào dòng máu, để cứ hễ ở đâu vang lên những nhịp phách, giai điệu nồng hậu và chân thành của núi, của rừng là tôi lại hát, mê mải như ăn cơm, uống nước hằng ngày!”, chàng ca sĩ có gương mặt sậm màu nắng gió cười nói.

Ploong Thiết bộc bạch, cùng với những ca khúc về Tây Nguyên ruột thịt, cuộc đời, sự nghiệp của anh cũng có nhiều ngã rẽ gắn với những nhạc phẩm về Bác Hồ. “Ploong Thiết rất thích và đã hát nhiều bài về Người như Miền Trung nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh… Ca khúc nào tôi hát cũng may mắn được khán giả nhiệt tình đón nhận. Có lẽ bởi cái tình trong giọng hát Tây Nguyên mà Ploong Thiết đã cố gắng thể hiện một cách chân thành đã mang lại màu sắc riêng trong từng ca khúc. Và ngược lại, Ploong Thiết cũng được đón nhận những ân tình trĩu nặng khi hát những nhạc phẩm về Người. Cho đến bây giờ, khoảnh khắc hạnh phúc từ sau khi hát ca khúc Miền Trung nhớ Bác từ 20 năm về trước vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của tôi…”, Sao Mai Ploong Thiết nhớ lại.

Đó là dịp diễn ra cuộc thi văn hóa văn nghệ thể thao các trường Phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc tại tỉnh Thanh Hóa, năm 1998. Trước đó, tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại Thừa Thiên Huế mà Ploong Thiết theo học, thấy anh có năng khiếu và đam mê ca hát, thầy cô và bè bạn động viên anh mạnh dạn tham gia các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường, của tỉnh. Đại diện cho trường tham gia cuộc thi toàn quốc  các trường Phổ thông Dân tộc nội trú năm đó, Ploong Thiết đã đoạt giải đặc biệt với bài hát Người con gái Pa Cô.

Ploong Thiết cũng không ngờ ngã rẽ cuộc đời của mình lại bắt đầu từ đây. Sau cuộc thi, Trưởng BGK là nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (khi đó là Cao đẳng) đang trong cuộc chiêu sinh những người có khả năng ca hát, đã gặp riêng Thiết. Ông bảo, nhìn cậu bé dân tộc người bé tẹo teo, da lại ngăm đen màu nắng mà nghe tiếng hát lại rất có tố chất. Ploong Thiết hát thêm bài hát Miền Trung nhớ Bác để nhạc sĩ An Thuyên nghe. Nghe xong, ông hỏi: “Con có muốn đi học, theo nghề ca hát chuyên nghiệp không?”. Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, Ploong Thiết ngập ngừng, “con rất thích, nhưng không có cơ hội”.

Mấy tháng sau, khi đang đi lên rẫy cùng bố mẹ thì anh trai Ploong Thiết chạy bộ cầm tới tờ giấy báo Ploong Thiết đã được tuyển thẳng vào trường. “Tôi vui sướng quá, cảm giác như muốn bay lên, rồi nhảy đến ôm chầm lấy bố mẹ và hét vang cả núi rừng. Đó là lý do vì sao tôi nói hát về Bác đã mang đến cơ hội thay đổi cả cuộc đời tôi…”.

Sau này, khi đã vững bước trong sự nghiệp của mình, với dấu ấn là giải Á quân trong cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2003, Ploong Thiết vẫn lặng lẽ đi theo một lối riêng trên con đường nghệ thuật của mình. Giọng ca Tây Nguyên tiếp tục say mê hát nhiều ca khúc về Bác Hồ, về quê hương, đáng nhớ nhất là những kỷ niệm khi anh miệt mài hát trên những sân khấu đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, nơi có bộ đội đóng quân mà Ploong Thiết luôn có mặt với tư cách nghệ sĩ- người lính của Nhà hát Quân đội.

“Sẽ hát như cả rừng núi Tây Nguyên nhớ Bác

Sao Mai Ploong Thiết tâm sự: “Ca khúc Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên mà tôi sẽ hát trong chương trình Quà tháng 5 dâng Người sắp tới cũng là bài hát đã mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm,nhiều khoảnh khắc thăng hoa. Thực sự hạnh phúc khi khán giả đã nhiều lần yêu cầu Ploong Thiết hát ca khúc này. Họ thích vì chất giọng Tây Nguyên của tôi phù hợp với âm hưởng, ca từ cũng như ý nghĩa của ca khúc…”, anh nói.

Ploong Thiết cũng kể chuyện, trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tình cảm và sự tôn kính đối với vị Cha già dân tộc luôn được đặt ở một vị trí vô cùng trang trọng. Các gia đình ở Tây Nguyên đều có bàn thờ Bác. Gia đình anh cũng vậy. “Ấn tượng luôn rõ nét trong tâm trí tôi là hình ảnh bàn thờ Bác được đặt trang trọng trong mỗi ngôi nhà, khi cánh cửa mở ra đều nhìn thấy. Trong tâm thức và cuộc sống thường ngày, những con người Tây Nguyên mộc mạc, chân thành, vốn chỉ quen cuộc sống trên nương rẫy nhưng vẫn luôn luôn thành kính tưởng nhớ tới Người…”, Ploong Thiết chia sẻ.

Lặng lẽ khiêm nhường, chân thành và mộc mạc, tự nhận mình không phải giọng ca đình đám trong showbiz, Ploong Thiết mỗi ngày đều đau đáu với những ca khúc âm hưởng Tây Nguyên. Album Khởi nguồn, sản phẩm âm nhạc ra đời sau hơn 11 năm Thiết ấp ủ, dành dụm không chỉ là dấu mốc quan trọng trong hành trình nghệ thuật mà đó còn là món quà được một người con dành tặng cho quê hương Tây Nguyên nghĩa tình của mình. Trên sân khấu Quà tháng 5 dâng Người, ca khúc Bác Hồ sống mãi cùng Tây Nguyên cũng là nhạc phẩm mang đậm dấu ấn, âm hưởng và nét văn hóa đặc trưng của vùng đất nắng gió mà Ploong Thiết đã luôn gắn bó. Bởi vậy, anh sẽ hát không chỉ với tất cả những chân thành vốn có mà còn hát như để cất lên những âm hưởng hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên khi nhớ Bác. “Cảm xúc của một ca sĩ, một người dân tộc Tây Nguyên được đứng trên một sân khấu lớn để hát về Bác Hồ, với Ploong Thiết thực sự rất thiêng liêng. Vì thế, từ khi nhận lời của đạo diễn Hoàng Cầm mời tham gia đêm nhạc, sáng nào ngủ dậy Thiết cũng nhẩm lại nhịp điệu, ca từ của bài hát cho thật… nhuyễn. Phải hát sao cho có thể chuyển tải được cảm xúc trong lòng một cách chân thật nhất, suy nghĩ ấy cứ khiến tôi đau đáu như thể mới ngày đầu đứng trên sân khấu…”, giọng hát Pa Cô bộc bạch.

Trong đêm nhạc Quà tháng 5 dâng Người, Ploong Thiết sẽ lên sân khấu trong trang phục Tây Nguyên truyền thống. Từng đường nét, họa tiết mang dáng dấp núi rừng, hình ảnh nhà sàn, đàn voi, hoa dã quỳ, cồng chiêng… được khắc họa trên trang phục cũng là những chi tiết giúp Ploong Thiết thêm tự tin khi cất lên tiếng hát để ca ngợi Bác Hồ trong nỗi nhớ và tình cảm của những con người Tây Nguyên thuần phác: “Con chim nhông, con chim kơ-tia, con công tung cánh. Này chim có hay rằng. Ai thương ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên…”. 

 TÂM NHI

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top