Về Quảng Ngãi xem ca kịch miền Trung

Những ngày cuối tháng 10 này, ngay trước mùa mưa lũ miền Trung, Quảng Ngãi trở thành nơi hội tụ và tỏa sáng của những tinh hoa nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca kịch trong Liên hoan sân khấu tuồng, bài chòi và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc do UBND tỉnh Quảng Ngãi và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức từ 20 đến 28.10.2018.

Là Liên hoan chỉ mới được phát động từ giữa năm, trong tình hình khó khăn cùng cực của sân khấu truyền thống nói chung, nhất là của chính các bộ môn tuồng bài chòi và dân ca kịch. Nhưng thật bất ngờ khi có tới 9 đơn vị công lập và 2 đơn vị xã hội hóa đăng ký tham dự với 15 vở diễn khá công phu mới mẻ: Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định với “Chuyện tình làng Võ”; Nhà hát tuồng Đào Tấn với “Chàng Lía”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với “Hoa trinh nữ” và “Đường đến Tuần lễ vàng”; Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam với “Ký ức lửa”. Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh với “Lê Công kỳ án”; Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đà Nẵng với “Sơn hậu” và “Rực lửa hoàng cung”. Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với “Nước mắt đứa con út” và  “Quyền uy và tội ác”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa với vở tuồng  “Trảm Trịnh Ân” và vở bài chòi “Thiên địa”. Nhà hát ca kịch Huế với  “Những người mẹ”.  Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế với “Trò đời nghiệt ngã”. Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát hố Quảng Ngãi với “Núi rừng năm ấy”...

Về Quảng Ngãi xem ca kịch miền Trung - Anh 1

Cảnh trong vở " Rực lửa hoàng cung"

Liên hoan đã mở đầu không thể tuyệt vời hơn với vở tuồng “Rực lửa hoàng cung” của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tác giá trẻ Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn trẻ Phan Văn Quang và dàn diễn viên trẻ đầy khao khát khẳng định mình của nôi tuồng xứ Quảng lần đầu xuất hiện tại một Liên hoan sân khấu toàn quốc đã làm mê mẩn đồng nghiệp cùng khán giả Quảng Ngãi bằng một vở diễn dã sử mà đầy tính thời sự, kết hợp khá sống động giữa truyền thống và cách tân trong nghệ thuật biểu diễn, giữa yêu cầu lành nghề và sự tươi mới của cảm xúc trong thể hiện nhân vật, luôn hướng đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay để lao động sáng tạo.

 

Về Quảng Ngãi xem ca kịch miền Trung - Anh 2

Cảnh trong vở "Chuyện tình Làng Võ"

Sau sự chinh phục của sức trẻ Nguyễn Hiên Dĩnh trong vở tuồng “Rực lửa hoàng cung”, trong 3 ngày đầu Liên hoan, các vở bài chòi và dân ca kịch “Ký ức lửa”, “Chuyện tình làng Võ”, “Quyền uy và tội ác”, và vở tuồng “Trảm Trịnh Ân” đều là những vở diễn rất tươi trẻ, đẳng cấp, hấp dẫn và như đánh gái của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng, các vở diễn này đã thực sự đem đến cho khán giả Quảng Ngãi cơ hội được thưởng thức những bữa tiệc sân khấu đỉnh cao thịnh soạn với các vở diễn đầy chất nhân văn với các nghệ sĩ tài năng, yêu nghề đáng được ca ngợi, tôn vinh.

Chỉ mới qua 1/3 chặng đường, nhưng Liên hoan nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018 tại Quảng Ngãi đã phát đi những tín hiệu vui: Trong cơn “bĩ cực”, trước cuộc tổng sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập đầy thách thức gian nan, nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch đang “tự cứu mình trước khi trơi cứu” bằng một cuộc cách mạng lấy sức trẻ và yêu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay làm tiêu chí hành động một cách quyết liệt. Và kết quả của Liên hoan lần này sẽ phần nào cho ta chứng kiến cái quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông” đang diễn ra như thế nào ở nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc…

Điều ghi nhận trước tiên đó là sự hào hứng của khán giả đối với những vở diễn tại Liên hoan, Nhà văn hóa lao động tỉnh Quảng Ngãi, nơi diễn ra Liên hoan đã luôn đầy ắp khán giả và những tràng vỗ tay nồng nhiệt hưởng ứng chia sẻ tại các buổi diễn.

NGUYỄN THẾ KHOA

Ý kiến bạn đọc