Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sân khấu kịch nhìn từ Liên hoan: Rằng hay thì thật là hay…

Thứ Tư 18/04/2018 | 09:38 GMT+7

VH- Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc mới đi được gần một nửa chặng đường, nhưng những vấn đề của sân khấu kịch đã dần hé lộ. Những tràng vỗ tay có, những tiếng thở dài cũng có. Sân khấu kịch hôm nay đúng là đang tồn tại những chuyện không hề nhỏ nằm trong chính bản thân nó. Đang diễn ra “thi thố” nên nhiều đạo diễn, tác giả… ngại nêu tên vì tế nhị.

 Vở “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch VN nhận được nhiều lời khen từ khán giả

 Với lực lượng tham đông đảo các đoàn từ công lập đến xã hội hóa với hàng ngàn diễn viên. Điều mừng là lực lượng làm nghề vẫn còn đông đảo. Thế nhưng để tìm ra những “sao” lấp lánh trong bầu trời này quả là khó. Sân khấu kịch rõ ràng không thể tự ru ngủ mãi. Nhìn từ thực tế liên hoan sân khấu kịch qua các năm có thể khẳng định, sân khấu kịch đang mắc “bệnh”… lùi.

Xem kịch mà cứ nghiến răng

Một nhà phê bình có mặt tại Liên hoan nhận định, bao nhiêu năm nay, hội diễn, liên hoan diễn ra quanh đi quẩn lại vẫn là những đề tài quá cũ. Dù chiến tranh, lịch sử hay những vấn đề của cuộc sống hiện đại… thì cách đặt vấn đề cũng là cũ. Đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề của cuộc sống đáng nhẽ sẽ là chất liệu ngồn ngộn cho tác giả, thế mà sân khấu kịch đang truyền tải những thứ cũ mà chỉ cần mở đầu câu chuyện khán giả đã biết ngay diễn biến và kết thúc.

Chưa nói đến tính dự báo, mà cả sự hấp dẫn cũng khó khăn. Ngay cả những tên tuổi lão làng trong làng kịch khiến người xem hoang mang “không biết mình vừa xem gì”. Một vở diễn mang nội dung về “cuộc chiến” của người lính trong đời sống hiện đại, chống lại thói tham ô, nhũng nhiễu, bòn rút của đất nước… Đề tài đáng nhẽ sẽ rất hấp dẫn và đầy tính thời sự đối với người xem. Đáng tiếc, cách dàn dựng nhân vật, sự logic của câu chuyện lại không ăn nhập gì. Đến khi kết vở khiến cho người xem hụt hẫng.

Một tác giả kịch bản sân khấu sau khi xem xong đã bức xúc: “Coi kịch mà nghiến răng trèo trẹo. Không gì uất ức bằng vở kịch đầy rẫy sự vô lý, những vấn đề đưa ra không giải quyết, nhiều nhân vật lên sân khấu không biết để làm gì. Bê lên sân khấu một cuộc họp cơ quan, lễ tổng kết với những câu hô khẩu hiệu…”. Đem thắc mắc này hỏi chính tác giả kịch bản, ông chắp tay, lắc đầu, “đây không phải là tác phẩm của tôi”. Đó cũng là vấn đề của sân khấu hiện nay. Nhiều đạo diễn quá “tự tin” vào tay nghề của mình tự tay chỉnh sửa kịch bản. Thêm bớt theo ý mình mới thành ra vỏ một đằng mà hồn một nẻo. Vở diễn bị phá vỡ, thông điệp rối rắm không thực tế. Sự “tham lam” của đạo diễn thể hiện rõ hơn ở nhiều vở diễn khi đưa quá nhiều nhân vật, câu chuyện mà cái nào cũng “nhạt”, đều đều. Không kịch tính, không giải quyết vấn đề. Khán giả ngồi xem không nhận ra đâu là chủ đề chính của câu chuyện. Không biết có phải vì vậy mà nhiều diễn viên cứ “hét” lên một cách vô lí trong vở diễn…

Một giám khảo của liên hoan đã phải thốt lên, có những vở xem xong muốn… nhức đầu. Tấu hài vừa lê thê, vừa nhảm và nhạt, không có nội dung rõ ràng. Rõ ràng, trong một cuộc chơi chuyên nghiệp có những thứ không phù hợp để “bày” món ăn quá tầm thường. Nó khiến cho những người dễ dãi nhất cũng phải nhăn mặt.

 Quang Thắng trong vai bà mẹ vở “Thiên đường” bị cho là không phù hợp, gượng ép

Nhưng đầy ắp khán giả

Tuy nhiên, điểm cộng ở Liên hoan kịch năm nay là dù diễn ra thời gian và thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng vở diễn nào cũng đầy ắp khán giả. Có những vở khán giả đi trễ sẽ không còn ghế ngồi. Đây là điều an ủi rất lớn cho nghệ sĩ. Bởi điều mà sân khấu hướng đến chính là khán giả.

Khách quan nhìn nhận thì trong một “mâm cỗ” nhiều món của Liên hoan cũng có những “món” ăn được. Gọi là được chứ bảo “ngon” thì chắc chắn chưa. Đáng tiếc nhất là các vở diễn đã bỏ qua những đề tài “hot” của cuộc sống xã hội ngày nay. Sân khấu kịch đã quên chức năng dự báo của chính mình. Chức năng khiến khán giả phải gật gù tâm đắc. Tất nhiên, các đạo diễn đều cố gắng đưa “thời sự” vào vở diễn song người xem chỉ có cảm giác những vấn đề ấy được “nhét” vào miệng diễn viên bằng vài ba câu nói nghe có vẻ hợp thời. Mà thiếu hẳn những câu chuyện, những vấn đề khiến người xem khóc và cười đó.

Một đạo diễn chia sẻ: “Không chỉ ở Liên hoan mà vấn đề của sân khấu kịch rõ ràng ai cũng nhìn thấy. Chúng ta đang đổ lỗi cho cơ chế thị trường, sân khấu phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí. Thế nhưng, ngay trong chính bản thân sân khấu cũng đang có… bệnh. Khi sân khấu đứng ngoài, hoặc chỉ quẩn quanh vài đề tài cũ, hoặc nếu có cũng né đề tài nóng, sợ đụng chạm… Tư duy không thay đổi thì sân khấu kịch vẫn mãi chỉ chạy theo chứ mất dần chức năng dự báo về thời cuộc”. 

 ​Điều mà chúng tôi trăn trở chính là về tác giả. Rõ ràng qua nửa chặng đường Liên hoan, những vấn đề tác giả đặt ra nó vẫn chưa đạt yêu cầu của sân khấu. Kịch bản sân khấu đang ở tình trạng báo động. Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ tổ chức sáng tác và đặt ra yêu cầu. Ví dụ sân khấu nên đi thẳng vào vấn đề, đề tài nóng bỏng của cuộc sống hôm nay. Đặc biệt, sân khấu phải có tính tiên phong, dự báo tạo ra những vấn đề mà khán giả đang quan tâm. Chứ đề tài cứ quanh đi quẩn lại, núp bóng các cuộc tình tay ba, ma quỷ… thì khán giả họ dần quên đi yếu tố của sân khấu.

(NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam)

Mai Linh

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top