Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Sân khấu Hà Nội: “Như thế này là họ coi thường chúng tôi quá”!

VH- “Sốc”, “vô cùng bức xúc” là những từ được nhiều nhà nghiên cứu, biên kịch phải thốt lên tại hội thảo “Mối quan hệ giữa tác giả biên kịch với các Nhà hát Thủ đô hiện nay”, do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức bởi gần như không có một đại diện hoặc lãnh đạo các nhà hát nào của Hà Nội có mặt, mặc dù được mời.

Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Sân khấu Hà Nội: “Như thế này là họ coi thường chúng tôi quá”! - Anh 1

Rất nhiều tác giả và đại biểu còn bày tỏ sự thất vọng khi tới dự Hội thảo này vào ngày 16.5. “Không có bột không gột nên hồ”, kịch bản có thể nói là khâu then chốt, yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công cho một tác phẩm sân khấu. Những tưởng rằng các nhà hát sẽ phải rất quan tâm tới vấn đề mà hội thảo đặt ra nhưng ngược lại là sự vắng mặt không hề có lý do. Và đáng nói điều này không chỉ xảy ra một lần.

Thừa vở diễn yếu, thiếu vở diễn hay...

Tuy vậy, rất nhiều tác giả, nhà hoạt động sân khấu cũng đã rất thẳng thắn chia sẻ những quan điểm của mình, và tất cả đều có chung nhận định: Sự gắn kết giữa tác giả sân khấu với các nhà hát trong giai đoạn hiện nay còn lỏng lẻo khiến sức sáng tạo của mỗi chủ thể chưa được phát huy. Đây là một nguyên nhân dẫn đến sân khấu của Thủ đô ngày càng thiếu những kịch bản hấp dẫn, mang hơi thở thời đại, nhức nhối với tình trạng “thừa vở diễn yếu, thiếu vở hay, loay hoay mà đèn không đỏ”.

PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, hiện nay, Hội đồng nghệ thuật ở các nhà hát đang tuân theo cách lựa chọn và khuynh hướng sáng tạo của người quản lý và vì thế đã thủ tiêu tài năng nghệ sĩ, làm mất phong cách độc lập, độc đáo của từng nhà hát. Cách lựa chọn này với tinh thần phục vụ chính trị chứ không theo nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Đây chính là lý do các nhà hát ở Hà Nội không hề có phong cách riêng. PGS Trần Trí Trắc còn nói, việc sáng tác kịch bản hiện nay của nhiều tác giả sân khấu đều chạy theo xu hướng đón lõng những sự kiện chính trị để hăm hở viết các đề tài định kỳ về chiến tranh cách mạng, danh nhân văn hoá… “Điều này dẫn đến kịch bản thì tràn lan, nhiều khi kịch bản không phải là xuất sắc nhưng nếu quan hệ tốt và được “lọt mắt xanh” lãnh đạo đơn vị nghệ thuật thì mới được lựa chọn”, PGS này chua thêm.

Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Sân khấu Hà Nội: “Như thế này là họ coi thường chúng tôi quá”! - Anh 2

 Một chương trình phục vụ thiếu nhi của Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh mang tính minh họa)

Như thế này, chất lượng sân khấu thủ đô không đi xuống mới lạ

Quy trình để một kịch bản “lọt” qua được bàn giấy để đi đến khâu dàn dựng là vô cùng gian nan. Theo NSƯT Nguyễn Đăng Tiến, các tác giả sân khấu sẽ phải chạy qua nhiều “sân ga”, có ga nhỏ, ga lớn đó chính là Hội đồng nghệ thuật thẩm định các cấp. Ở đó Hội đồng nghệ thuật nhà hát được coi là “ga nhỏ” nhưng nếu lơ mơ coi thường thì sẽ khó mà vượt qua được ngay từ cửa ải này.

Chia sẻ của tác giả Ngọc Thụ như một lời tự sự: “Hiện sân khấu chúng ta là chiếc xe tải quá nhẹ phải thồ trên lưng rất nhiều lời ra tiếng vào “không có gì mới”, “kém hiệu quả”, “thiếu thuyết phục”, “không chịu sáng tạo”... Họ làm như chúng ta là những kẻ ăn bám, có người nhìn sân khấu với vẻ thương hại “bỏ thì thương, vương thì tội”. Những người đó quá hồ đồ và ác ý. Tôi thầm ước có một vị nào đó có trách nhiệm nghe thấy những lời gan ruột của nghệ sĩ”. Cũng theo tác giả Ngọc Thụ, đã tham dự hàng chục cuộc hội thảo sân khấu lớn nhỏ nhưng “anh em” chỉ đọc, nói cho nhau nghe là chính còn lãnh đạo các nhà hát thì ở đâu đó rất xa. Có một thực tế, không ít nhà hát chỉ dựng vở của tác giả trẻ, chưa sạch hết nước cản, tuổi nghề còn non kém vì họ không dám va chạm với đạo diễn và tiền nhuận bút sao cũng được, chỉ cần có tên trên bảng giới thiệu là được. Anh em trẻ cần danh, dễ bảo hơn những người có tuổi, có nghề. Có một số nhà hát tự sản - tự tiêu không cần đến tác phẩm bên ngoài.

Nhà báo Cao Minh cho rằng mối quan hệ giữa nhà hát và các tác giả sân khấu hết sức lỏng lẻo, thậm chí còn có thể hơn nữa là quan hệ “xin - cho”. Nhà hát dựng vở cho tác giả là may mắn lắm rồi... Hơn thế, kịch bản được dựng, tác giả còn phải thực hiện những luật bất thành văn bằng cách chi lại “hoa hồng” từ tiền nhuận bút kịch bản.

Rất khẩn thiết với vai trò tổng kết hội thảo, PGS, TS Trần Trí Trắc trong lời tổng kết đã nói rằng, “như thế là họ (lãnh đạo các nhà hát của Hà Nội-PV) coi thường chúng tôi quá”, và nhờ tới công luận hãy gửi những chia sẻ đầy tâm tư của các tác giả, các nhà hoạt động sân khấu đến với các nhà quản lý nghệ thuật, đặc biệt là các vị lãnh đạo các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật của thủ đô nói riêng, sân khấu nói chung.

Đã tới lúc cần thay đổi quan điểm lựa chọn kịch bản cũng như cơ chế “xin - cho”. Nên chăng cần thiết lập những hình thức quan hệ mới, năng động hơn, đa dạng hơn, khoa học hơn và phải đặt trong quan hệ “hợp đồng kinh tế” giữa bên A với bên B theo cung và cầu của cơ chế thị trường. Để thực hiện tốt điều này, các nhà hát phải là bên A chủ động thông tin về đề tài, chủ đề, nội dung, hình thức... tới các tác giả là bên B. 

 Bài, ảnh: THUÝ HIỀN

 

Ý kiến bạn đọc