Khán giả Thủ đô đội mưa đi xem Thầy Ba Đợi

VH- Mặc dù trời mưa như trút làm ngập nhiều ngả đường của Thủ đô nhưng đêm diễn vở cải lương Thầy Ba Đợi vào tối 27.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đông kín khán giả. Cũng dễ hiểu bởi Thầy Ba Đợi là công trình chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương, quy tụ của những nghệ sĩ tên tuổi cải lương hàng đầu hiện nay của hai trung tâm sân khấu lớn TP.HCM và Hà Nội.

Khán giả Thủ đô đội mưa đi xem Thầy Ba Đợi - Anh 1

Bối cảnh xã hội  đương  thời được dàn dựng một cách sinh động

Tới dự buổi công diễn có ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ; ông Hồ Đức Phớc, Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TƯ...

Thầy Ba Đợi là tác phẩm dàn dựng công phu từ kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Vở kịch kể về cuộc đời của Nhạc quan Nguyễn Quang Đại (Thầy Ba Đợi) - người được xem là đã có công lớn trong việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ. Đồng thời, ông cũng là người cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương). Thầy Ba Đợi được coi là người sáng lập ra nghệ thuật cải lương Việt Nam. Nội dung chính vở nói về giai đoạn ông vào Nam và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây ông đã được con gái quan Tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở cùng nàng.Vở diễn đã khắc hoạ một cách rõ nét số phận của Thầy Ba Đợi cũng như bối cảnh xã hội lúc bấy giờ một cách sinh động với nhiều tình tiết, cao trào.         

Vở kịch có sự tham gia của 86 nghệ sĩ trong làng cải lương ở cả 2 miền Nam - Bắc, gồm cả các nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của cải lương như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh… đến những thế hệ kế thừa như: NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân, Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm… Có thể gọi Thầy Ba đợi như một bữa tiệc về âm nhạc cải lương với những làn điệu lòng bản đặc trưng của cải lương và những giọng ca vàng của cải lương. Có thể cảm nhận được sự hào hứng và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng giọng ca trong vở qua những tràng pháo tay tán thưởng từ khán giả Thủ đô. Bên cạnh những bài ca lòng bản đặc trưng thì đạo diễn cũng đã khéo léo đưa vào những làn điệu rất đắt như Lý giao duyên của dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca Nam Bộ, Nam Bình (Ca Huế)....

Khán giả Thủ đô đội mưa đi xem Thầy Ba Đợi - Anh 2

Mối tình duyên đẹp của Ái Hoa và Thầy Ba Đợi bị dang dở...

 Nhân vật trung tâm Thầy Ba Đợi xuyên suốt cả vở được bốn nghệ sĩ thể hiện ở nhiều thế hệ: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ và nghệ sĩ Quang Khải. Thật ngạc nhiên vì một nhân vật nhưng khán giả không hề cảm thấy có sự khác biệt trong tính cách hay quá chênh về sự thay đổi về hình thức. Có thể khẳng định phải là những nghệ sĩ tài năng đã xoá đi những sự khác biệt về hình thức, giọng ca, phong cách vùng miền để làm toả sáng hình tượng Thầy Ba Đợi.

 NSƯT Thanh Tuấn thể hiện Thầy Ba đợi ở chặng cuối của vở khi chia sẻ: “Nghệ sĩ sân khấu cải lương xã hội hoá chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được tham gia một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu và chuyên nghiệp như thế này. Đã lâu lắm rồi tôi mới có một vai diễn được trau chuốt đầu tư như Thầy Ba Đợi. Tôi xin cảm ơn các nhà tổ chức, đặc biệt là hai nhà hát đầu ngành là Nhà hát Cải lương VN và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã cùng kết hợp để xây dựng nên một công trình nghệ thuật hết sức có ý nghĩa cho nghệ thuật cải lương VN. Cảm động vô cùng khi chứng kiến anh chị em nghệ sĩ cải lương ở phía Bắc đi gần 2.000 cây số đến TP.HCM, ăn ở tại chỗ để tập vở cùng nghệ sĩ phía Nam. Một tinh thần nghệ thuật rất đáng được trân trọng và giờ chúng tôi lại được ra Hà Nội để diễn 2 đêm phục vụ khán giả Thủ đô”.

Khán giả Thủ đô đội mưa đi xem Thầy Ba Đợi - Anh 3

Cặp đôi nghệ sĩ Quang Khải (vai Thầy Ba Đợi) và NSƯT Quế Trân (vai Ái Hoa) đã “đốn tim” khán giả bằng những màn ca diễn ấn tượng
 

Trong vở diễn có nhiều trường đoạn khán giả hết sức ấn tượng. Đoạn vua Hàm Nghi bị đầy tạo hiệu ứng tình cảm đối với khán giả. Rồi mối tình giữa Thầy Ba Đợi và cô Ái Hoa. Cô Ái Hoa đã hy sinh cả mạng sống để nhạc sư được an toàn, giống như đồng bào Nam Bộ chở che cho ông vậy. Cảnh nhạc sư qua đời cũng khiến nhiều người rơm rớm nước mắt. Đặc biệt là những cảnh diễn về mối tình của Thầy Ba Đợi và  Ái Hoa, con Tổng đốc Đại Phong. Trên đường bị lính Pháp truy lùng, Thầy Ba Đợi được Ái Hoa cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu. Thời gian đó, nhạc sư đã mở lớp dạy đàn truyền bá âm nhạc dân tộc. Tình yêu được nảy mầm giữa chàng trai tài hoa và cô tiểu thư xinh đẹp. Nhưng tông tích Thầy Ba Đợi bị bại lộ, vì bảo vệ người yêu, Ái Hoa đã chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngông cuồng, để rồi gánh chịu nỗi đắng cay của kiếp hồng nhan. Hai nghệ sĩ Quang Khải (Thầy Ba Đợi thời trẻ) và NSƯT Quế Trân (Ái Hoa) đã diễn xuất rất ăn ý khi diễn về mối tình thật đẹp và cũng đầy đau thương của cặp nhân vật tài hoa và bạc mệnh này. Chia sẻ những cảm nghĩ về bạn diễn của mình, Quang Khải nói: “Tôi rất hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu cùng những nghệ sĩ đàn anh, đàn chị mà trong đó có những người đã là thần tượng của tôi thời sinh viên như NSƯT Thanh Tuấn. Bất cứ một kép diễn nào cũng cảm thấy may mắn khi đóng chung với NSƯT Quế Trân trên sân khấu. Quế Trân có đầy đủ tốt chất của một ngôi sao từ hình thức cho đến tài năng. Khi diễn tôi cũng bị cô ấy cuốn hút theo bởi từng lời thoại, nét diễn”. Có lẽ vì sự hoà hợp với bạn diễn mà cặp đôi Quang Khải, Quế Trân giành được rất nhiều cảm tình từ khán giả bằng những tràng pháo tay rộ lên tán thưởng những bản vọng cổ, lòng bản thật đẹp qua giọng ca của họ. Điều thú vị là ngay cả những vai diễn nhỏ trong vở khi xuất hiện cũng để lại những ấn tượng rất riêng như nghệ sĩ Thu Trang trong vai cô Cải, học trò của Thầy Ba Đợi, tiếng hát khoẻ, trong trẻo và đẹp của Trang khi hát lý giao duyên đã tạo sức hút riêng cho vai diễn.

Khán giả Thủ đô đội mưa đi xem Thầy Ba Đợi - Anh 4

Các đại biểu tặng hoa cho các nghệ sĩ cuối chương trình

Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương VN cho biết, anh đã rất hài lòng với ê kíp sáng tạo hội tụ những tài năng của sân khấu cải lương hai miề. Lúc đầu anh cũng khá lo lắng khi nhận dàn dựng Thầy Ba Đợi bởi sự khác biệt giữa phong cách dàn dựng và diễn xuất của hai miền. Thế nhưng, tài năng và tâm huyết đã giúp các nghệ sĩ vượt qua mọi rào cản để tạo nên một công trình nghệ thuật có chất lượng và vô cùng ý nghĩa. Ngay như trang trí sân khấu cũng đã có những thay đổi không nhỏ về quan niệm thiết kế sân khấu cho cải lương. Cải lương miền Nam thiên về trang trí tả thực thì lần này các nghệ sĩ miền Nam và cả khán giả lại vô cùng thích thú trước thiết kế trang trí tả ý, ước lệ của  họa sĩ Doãn Bằng. Họa sĩ muốn gợi hình ảnh của chiếc đàn không phải tả thực mà chỉ gợi tả biểu trưng. Thấp thoáng được xoay đi xoay lại nhưng góc độ khác nhau tạo điểm cao thấp trong sự tương quan của trang trí.

Vở cải lương Thầy Ba Đợi diễn thành công ở TP.HCM, Long An và giờ là Thủ đô Hà Nội, các nghệ sĩ đã thực hiện được khát vọng muốn cải lương hai miền tìm được sự đồng điệu trên sân khấu. Quan niệm đổi mới sân khấu cải lương, không phải bằng sự táo bạo, phá cách... mà tìm lại trong di sản cùng với đổi mới, sáng tạo là những gì mà Thầy Ba Đợi mang tới. Sau thành công lần này, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên, soạn giả Hoàng Song Việt và các nghệ sĩ hai miền lại tiếp tục ấp ủ sẽ có những dự án nối dài ví dụ như sẽ làm cải lương kết hợp Graffiti, rồi cải lương thực cảnh... Một loạt những ý tưởng và chương trình thể nghiệm sẽ được triển khai trong miền Nam với các thành phần sáng tạo của cả hai miền.

Hiền Lương

 

 

Ý kiến bạn đọc